Thiếu đồng bộ, khó thành công!

Thông tin Sở GTVT TPHCM “đặt hàng” Công ty Tiên Phong nghiên cứu lại đề án thu phí ô tô vào trung tâm TPHCM đã ngay lập tức nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân.

Phản đối có, đồng tình có, nhưng tựu trung mọi người vẫn ghi nhận nỗ lực trong xử lý vấn nạn ùn tắc giao thông của sở này. Chỉ có điều, như nhiều người nhận xét, chống ùn tắc giao thông đã được các nhà khoa học đánh giá và lãnh đạo thành phố cũng đã đồng ý với quan điểm: đó là việc làm liên quan đến nhiều ngành, nhiều đối tượng. Và do vậy, để chống ùn tắc giao thông hiệu quả, rất cần sự vào cuộc của tất cả các ngành liên quan.

Tuy nhiên, cho đến nay, dường như vẫn chỉ có ngành giao thông “chủ đạo” loay hoay tìm giải pháp trong chức trách của mình. Các giải pháp mang tính đồng bộ với sự tham gia của nhiều ngành, nhiều cơ quan vẫn rất thiếu vắng. Hậu quả, nhiều giải pháp mà ngành GTVT đưa ra, chỉ cần nhìn “lệch” ra khỏi góc nhìn của ngành giao thông là thấy ngay sự bất ổn.

Đơn cử là sự việc đang rất nóng hổi nêu trên. Khu vực trung tâm TPHCM đang và sẽ hình thành hàng trăm cao ốc mà dự kiến khi hoàn thành sẽ kéo thêm hàng trăm ngàn người vào sinh sống và làm việc. Như vậy, việc thu phí ô tô vào trung tâm chắc chắn không có nhiều tác dụng trong việc hạn chế loại phương tiện này đi vào khu vực trung tâm.

Nhất là khi, những người có khả năng sinh sống trong các cao ốc thường là những người có thu nhập cao. Với mức thu nhập này, việc đóng phí giao thông sẽ không ảnh hưởng nhiều tới việc đi lại của họ. Trong tình huống, nếu có tác dụng thì việc thu phí ô tô vào khu trung tâm chỉ phần nào giải quyết được vấn nạn kẹt xe, bởi sự xuất hiện của nhiều cao ốc trong lúc các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác như cấp, thoát nước, xử lý nước thải… không được đầu tư đồng bộ, vẫn làm cho khu vực trung tâm thành phố quá tải.

Hệ thống cống thoát nước quá tải, đường phố ngập, giao thông cũng chẳng thể tốt hơn! Nhiều thành phố lớn trên thế giới đã áp dụng giải pháp thu phí ô tô vào trung tâm như là một trong những giải pháp giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông ở đây. Tuy nhiên, song song với các giải pháp hạn chế xe cá nhân, người ta tập trung ưu tiên phát triển xe buýt và các loại hình vận tải hành khách công cộng khác.

Nhìn lại, ngoài việc trợ giá, xe buýt TPHCM hầu như chưa được tạo điều kiện để hoạt động tốt. Vỉa hè bị lấn chiếm làm người dân ngại đi xe buýt vì không thể đi bộ đến các trạm dừng, nhà chờ một cách an toàn, thoải mái. Xe buýt TPHCM không có làn đường ưu tiên để hoạt động nên luôn luôn bị trễ giờ…

Sở GTVT TP từng mở một tuyến xe buýt vòng quanh khu trung tâm TP với những chiếc xe buýt mới tinh và đội ngũ tài xế, tiếp viên thân thiện. Sở này đã kỳ vọng: đây sẽ là phương tiện đi lại chính cho những người làm việc và sinh sống ở đây. Thế nhưng, tuyến buýt này chưa bao giờ hoạt động hiệu quả như mong muốn. Các loại hình vận tải hành khách công cộng khác như metro, BRT… thì còn đang trong giai đoạn nghiên cứu, đầu tư xây dựng.

Sở GTVT TPHCM dự kiến giao cho đơn vị đầu tư hệ thống thu phí đảm trách việc đưa đón người dân đã gửi ô tô lại bên ngoài vành đai thu phí khi họ vào trong nội thành, nhưng theo nhiều chuyên gia, việc này không khả thi. Bởi lẽ, thu phí để bớt lượng ô tô vào nội thành song lại thêm đội xe đưa đón này, không khéo mọi nỗ lực trở nên vô nghĩa. Cốt lõi vấn đề vẫn phải là tổ chức tốt mạng lưới vận tải hành khách công cộng ở đây.

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng trong buổi làm việc gần đây nhất với Sở GTVT TPHCM đã khẳng định, ùn tắc giao thông đang gây bức xúc lớn cho người dân. Thế nhưng, nếu chỉ giải quyết vấn nạn này theo kiểu từng cơ quan đưa ra giải pháp của riêng mình như hiện nay, chắc chắn không hiệu quả. TPHCM đã đánh giá đây là vấn đề liên quan đến nhiều ngành, nhiều đơn vị thì nên buộc tất cả các cơ quan liên quan vào cuộc.

Mọi vướng mắc càng được đánh giá một cách tổng quát, các giải pháp đưa ra đáp ứng được nhiều tiêu chí, càng có tính khả thi cao. Một sự đồng bộ, phối hợp giữa các cơ quan liên quan là rất cần thiết trong lúc này để giúp TPHCM giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông.

NGUYỄN KHOA

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161221/thieu-dong-bo-kho-thanh-cong.aspx