Thiếu nữ xinh đẹp Thụy Điển về VN tìm bố mẹ ruột: Cách nào họ đoàn tụ?

Cô sinh viên Denise Sandquist, tên khai sinh là Trần Thanh Hương, đang tìm kiếm bố mẹ ruột người VN sau hơn 25 năm được nhận nuôi bởi cặp vợ chồng người Thụy Điển. Nhiều bạn Việt Nam đang tích cực giúp cô được trùng phùng với bố mẹ.

Trong khi một số người lại e ngại các khía cạnh pháp lý liên quan đến việc cho con nuôi và quyền cho nhận con nuôi có được bảo mật tối đa sẽ khiến cô khó tìm được cha mẹ ruột.

Để làm sáng tỏ vấn đề này, Thanh Niên đã phỏng vấn Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. HCM về việc cô có quyền nhận lại bố mẹ ruột hay không và các bên liên quan có quyền tiết lộ thông tin liên quan để giúp cô hay không?

Thưa ông, theo pháp luật VN thì cô Denise Sandquist có được gặp cha mẹ ruột không? Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và tổ chức từ thiện đã trao con nuôi có được phép tiết lộ thông tin bố mẹ ruột của cô gái không?

Một người đã được người khác nhận làm con nuôi vẫn có quyền được gặp lại cha mẹ ruột của mình và pháp luật không nghiêm cấm việc này. Tuy nhiên cần lưu ý là việc gặp gỡ trên thực tế không đương nhiên khôi phục lại quyền, nghĩa vụ của cha mẹ ruột đối với con cái và ngược lại.

Bởi lẽ pháp luật về nuôi con nuôi của Việt Nam qua các thời kỳ đều quy định theo hướng kể từ thời điểm quan hệ nuôi con nuôi được xác lập thì cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi có quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ, con ruột; và sẽ chấm dứt khi quyết định của Tòa án về việc chấm dứt việc nuôi con nuôi có hiệu lực pháp luật.

Về vấn đề tiết lộ thông tin của bố mẹ ruột cô gái, Điều 38 Bộ luật Dân sự 2005 quy định, quyền bí mật đời tư của cá nhân được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Như vậy, theo yêu cầu hoặc có sự đề nghị của cô gái thì thông tin về bố, mẹ ruột của cô có thể được tiết lộ.

Giả sử cô muốn quay lại sống với bố mẹ ruột thì pháp luật có công nhận không? Nếu có thì thủ tục ra sao? Và bố mẹ nuôi nếu không đồng ý thì có thể làm gì?

Quyền nhận, không nhận cha, mẹ, con là một trong các quyền nhân thân được quy định tại Điều 43 Bộ luật Dân sự 2005 và Điều 90 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, không bị cản trở bởi ý chí của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào.

Theo đó, con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết. Cô gái là người đã thành niên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ nên được tự mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự mà không cần phải thông qua người đại diện hoặc giám hộ. Cha mẹ nuôi cô gái không có quyền ngăn cản việc tìm kiếm, xác định lại cha mẹ của người này.

Về thủ tục nhận lại cha mẹ được thực hiện theo quy định tại Điều 24, Điều 25, Điều 44 Luật Hộ tịch 2014 và Điều 11 Thông tư 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch, cụ thể như sau:

Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt. Để chứng minh quan hệ, cha mẹ, con, người yêu cầu phải cung cấp được văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

Trường hợp không có văn bản nêu trên thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Hoặc nếu có căn cứ chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi giữa cô gái với cha, mẹ nuôi thì quan quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ giữa cô gái và cha, mẹ ruột sẽ đương nhiên được khôi phục. Trong trường hợp này, tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi.

Xin cảm ơn ông!

Không muốn xáo trộn cuộc sống bố mẹ

Chia sẻ với Thanh Niên, Denise cho biết cô vừa gặp một cô gái ở VN “nhìn y hệt” cô trong nhiều bức ảnh. “Chúng tôi sẽ thử DNA, biết đâu là chị em cùng cha”, cô nói. Theo Denise, cô không muốn làm xáo trộn cuộc sống mới bố mẹ ở Việt Nam vì sự xuất hiện bất ngờ của mình mà chỉ muốn hiểu hơn về họ vì điều này “gần như là một cảm xúc về nguồn cội” mà cô muốn kết nối. Những ngày qua, trang Facebook “Giúp em gái Thụy Điển tìm bố mẹ ruột VN” cũng đã nhận được hàng trăm lượt chia sẻ từ cộng đồng khiến Denise rất xúc động. Denise chia sẻ nhờ bài báo trên Thanh Niên mà báo chí và truyền hình cũng viết về cô và câu chuyện được lan tỏa ngày càng rộng.

Denise cũng cho biết thêm mẹ nuôi cô mất lúc cô 9 tuổi và bố nuôi cũng như mẹ kế rất ủng hộ cô đi tìm bố mẹ ruột. “Chắc chắn họ sẽ rất vui nếu tôi tìm được nguồn cội của mình ở VN. Họ cũng biết tôi luôn quan tâm đến mẹ ruột ở VN”, cô nói.

Phước Đạt
(ghi)

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/thieu-nu-xinh-dep-thuy-dien-ve-vn-tim-bo-me-ruot-cach-nao-ho-doan-tu-772173.html