"Thiếu vốn FDI, chúng ta đã không được như thế này"

(TBKTSG Online) - Nhiều quan ngại đã bắt đầu xuất hiện về tình trạng nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ bị phụ thuộc vào nước ngoài trong bối cảnh nguồn vốn FDI đang ngày càng lấn át, còn các doanh nghiệp của Việt Nam vẫn đang kiệt sức. Điều này nên nhìn nhận như thế nào?

"Thiếu vốn FDI, chúng ta đã không được như thế này"

Tư Hoàng

Ông Phan Hữu Thắng.

Ông Phan Hữu Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đầu từ Nước ngoài, Trường ĐH Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online.

- Nhiều chuyên gia cho rằng, vốn FDI đang ngày càng trở nên quan trọng khi giúp bù đắp chênh lệch tới khoảng 10% GDP giữa tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư của Việt Nam. Có nghĩa là nền kinh tế sẽ cực kỳ khó khăn nếu thiếu luồng vốn này. Ông nhìn nhận thế nào?

- Ngày nay chúng ta thống nhất nhận thức rằng, vốn đầu tư phát triển là yếu tố trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng. Với Việt Nam, các con số mà tôi đề cập sau đây minh chứng về đóng góp của nguồn vốn FDI vào tổng vốn đầu tư xã hội và trong GDP.

Vốn FDI tăng nhanh và chiếm tỉ trọng lớn trong tổng vốn đầu tư xã hội qua các thời kỳ: từ 26,6 tỉ đô la Mỹ, chiếm 24,4% tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 1991-2000; lên 69,5 tỉ đô la, chiếm 22,7% tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2001-2011.

Tỉ trọng đóng góp của FDI trong GDP tăng từ 2% năm 1992 lên 10,7% năm 2000, 16,9% năm 2006, 18,9% năm 2011. Những con số trên chứng tỏ, nguồn vốn FDI đã có một vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian qua.

Khi hiệu quả đầu tư của Việt nam chưa nâng cao ngay được, nếu không có các nguồn vốn bổ sung như FDI thì khó đạt được mục tiêu tăng trưởng như trong các năm vừa qua. Thiếu nguồn vốn FDI này, tăng trưởng kinh tế chắc chắn sẽ thấp hơn, đồng thời còn tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực khác như công ăn, việc làm…

- Khối doanh nghiệp FDI, đặc biệt trong lĩnh vực cao như điện thoại, máy tính, máy ảnh,… đang đóng góp ngày càng nhiều vào thành tích xuất khẩu, bỏ qua tất cả các khu vực doanh nghiệp truyền thống nội địa khác của Việt Nam. Điều này nên mừng hay lo?

- Một trong những nhận định về những đóng góp của FDI vào phát triển KT-XH đất nước ta giai đoạn 25 năm qua, được nêu tại Hội nghị tổng kết 25 năm FDI tại Việt Nam tháng 3-2013 vừa qua là : FDI đã góp phần quan trọng vào xuất khẩu.

Cụ thể trước 2011, xuất khẩu của khu vực FDI chỉ đạt 45,2% tổng kim ngạch, kể cả dầu thô. Từ năm 2012, xuất khẩu của khu vực này đã trở thành nhân tố chính thúc đẩy xuất khẩu, chiếm khoảng 64% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012.

Trong 7 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu khu vực này đạt 48,2 tỉ đô la (tính cả dầu thô), chiếm 66,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2012, riêng mặt hàng điện thoại di động và linh kiện, với giá trị đóng góp chính của Samsung Electronics Việt Nam, đã đạt kim ngạch xuất khẩu 11,6 tỉ đô la, đứng đầu danh sách các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Đối với những băn khoăn như trên, theo tôi, cần nghiên cứu kỹ hơn mô hình đầu tư của Samsung Electronics Việt Nam để vừa thu hút vốn đầu tư, chuyển dịch cơ cấu, thu hút công nghệ cao,vừa tăng kim ngạch xuất khẩu, vừa giải quyết việc làm.

- Nhiều người bắt đầu lo lắng khi sự hiện diện của các doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu tràn ngập Việt Nam, từ các tòa nhà cao tầng, các khu dân cư, cho đến các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Ông nhìn nhận điều này như thế nào?

- Một nhận định quan trọng khác về FDI 25 năm qua là FDI đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với những dẫn chứng cụ thể là, hiện tại gần 60% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp- xây dựng với trình độ công nghệ cao hơn mặt bằng chung của cả nước, tốc độ tăng trưởng đạt bình quân gần 18%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng toàn ngành, tạo ra gần 45% giá trị sản xuất công nghiệp…

Bên cạnh đó, FDI đã tạo nên những chuyển biến mới trong lĩnh vực dịch vụ chất lượng cao như khách sạn, văn phòng căn hộ cho thuê, ngân hàng, bảo hiểm, kế toán, logistic, siêu thị… các dịch vụ này đã đáp ứng được các nhu cầu về dịch vụ cao đối với Việt Nam trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế khu vực và thế giới thời gian qua, đặc biệt là nhu cầu hội họp, ăn ở, đi lại, giao dịch… của khách quốc tế, các đoàn ngoại giao, các nhà đầu tư, khách du lịch đến Việt Nam ngày càng đông.

Để nội địa hóa, có nghĩa là tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam trong các lĩnh vực dịch vụ chất lượng cao này, đặc biệt là trong việc sản xuất, xây dựng, thực hiện các mặt hàng thiết yếu, các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh, trước hết bằng việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện có để quản trị tốt, hiệu quả quá trình sản xuất –kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời Nhà nước cần sớm xác định và công bố định hướng chiến lược cũng như quy hoạch thu hút FDI trong giai đoạn tới, để quá trình thu hút FDI đảm bảo được sự cân đối hài hòa giữa nguồn lực trong nước và nguồn lực nước ngoài trong phát triển KT-XH của đất nước giai đoạn tới.

- Vốn FDI vào Việt Nam ổn định khoảng 10-11 tỉ đô la/năm trong suốt giai đoạn 5 năm qua. Có nghĩa là tỷ trọng vốn FDI trong nền kinh tế lại giảm xuống. Ông có lo ngại xu thế này?

- Vốn FDI thực hiện bắt đầu vượt ngưỡng 10 tỉ đô la/năm, đạt 11,5 tỉ đô la vào năm 2008 (trước đây là 4,1 tỉ đô la năm 2006, trên 8 tỉ đô la năm 2007) và dao động 10-11 tỉ đô la cho đến năm 2011.

7 tháng đầu năm 2013 đạt 6,6 tỉ đô la, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2012.

Như trên cũng đã nêu, mặc dù vốn FDI tăng nhanh qua các thời kỳ, nhưng tỷ lệ của nó trong tổng vốn đầu tư xã hội lại giảm, cụ thể: từ 20,6 tỉ đô la chiếm 24,3% tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 1991-2000, lên 69,4 tỉ đô la, nhưng tỷ trọng trong tổng vốn đầu tư xã hội lại giảm xuống còn 22,7% giai đoạn 2001-2011- điều này là tốt, cho thấy sự lớn mạnh của các thành phần kinh tế khác như các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân,.... đã đóng góp được nhiều hơn cho đầu tư và phát triển.

Việc tăng được giá trị vốn thực hiện của tổng vốn đầu tư xã hội, trong đó có nguồn vốn FDI ( mà cụ thể là để vốn FDI thực hiên vượt đáy (mức trên 10 tỉ đô la/năm trong 5 năm vừa qua), còn phụ thuộc và khả năng hấp thụ của nền kinh tế và sự năng động của nó, trong đó khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và cải cách thủ tục hành chính chiếm vị trí quan trọng, cần được tập trung đầu tư và tiếp tục cải cách.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/kinhdoanh/dautu/101065/