Thiếu vốn tái canh vườn cà phê

Việt Nam hiện có hơn 620.000ha cà phê, phần lớn tập trung ở 5 tỉnh Tây Nguyên (hơn 500.000ha). Tuy nhiên, đáng lo ngại khi có đến 30% trong số này đã già cỗi, năng suất thấp, cần phải thay thế trong vòng từ 5 đến 10 năm tới. Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết, nhu cầu tái canh các vườn cà phê đến năm 2020 là 200.000ha.

Theo Viện Khoa học Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên, 30% diện tích cà phê của khu vực Tây Nguyên, tương đương hơn 120.000ha bị già cỗi (với tuổi đời vườn cây hơn 20 năm), năng suất dưới 1,5tấn/ha.

Tính toán của các nhà khoa học cho thấy, để đảm bảo tái canh cà phê thành công, nông dân cần chờ đợi ít nhất 5 năm, giảm thu ít nhất 150 triệu đồng/ha. Cùng với đó, vốn đầu tư cho các khâu cày bừa, cây giống, phân bón, chăm sóc… trong 3 năm cho mỗi hécta cà phê tái canh có thể lên đến hơn trăm triệu đồng. Vừa bị hụt thu, vừa phải đầu tư thêm là khó khăn lớn, nông dân khó có “sức khỏe” để vượt qua được.

Trong lúc này, không chỉ những hộ nông dân trồng cà phê mà các công ty nhà nước cũng đang loay hoay tìm nguồn vốn để đầu tư tái canh diện tích cà phê già cỗi. Ông Nguyễn Đại Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Ia Grai (thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam) thổ lộ: Đơn vị đang gặp khó khăn trong việc tái canh diện tích cà phê già cỗi, nhất là trong thời điểm hầu hết các ngân hàng đều thắt chặt cho vay tín dụng. Do vậy, đơn vị mới chỉ tái canh được hơn 100ha trong tổng số gần 300ha cà phê già cỗi.

Việc tái canh cây cà phê gặp khó khăn về vốn đầu tư. Nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn tự có qua nhiều năm tích cóp của các nông hộ và doanh nghiệp thì chắc chắn việc tái canh sẽ khó thực hiện. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên năm 2013, các ngân hàng thương mại trung ương cam kết cho vay 12.000 tỷ đồng để tái canh cây cà phê của các tỉnh Tây Nguyên, với lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất thông thường 2%/năm. Tuy nhiên, ghi nhận tại một số địa phương, nông dân vẫn chưa thực sự mặn mà với việc vay vốn vì cho rằng lãi suất cho vay trên 10%/năm vẫn còn cao. Tái canh cây cà phê mất nhiều thời gian như vậy thì cần phải thực hiện gối đầu. Trong một diễn biến khác, từ đầu tháng 6-2013 đến nay, Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã triển khai gói tín dụng ưu đãi hơn 10.000 tỷ đồng cho tái canh cà phê. Tuy nhiên, định suất vay của gói tín dụng này chỉ ở mức 50 triệu đồng/ha, quá ít so với suất đầu tư thực tế.

Để việc tái canh cà phê ở khu vực Tây Nguyên đạt hiệu quả, các hộ nông dân trong vùng không chỉ cần vốn mà còn cần các chính sách mang tính chất hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương. Một thực tế hiện nay là giá cà phê trên thị trường bấp bênh cũng đang tạo áp lực lớn, khiến nhiều người trồng cà phê đành “bó gối” nhìn vườn cà phê cứ ngày càng già cỗi, kém năng suất… Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan cần có giải pháp thiết thực hỗ trợ nông dân, trong đó cần thực hiện chủ trương thu mua tạm trữ cà phê khi vào chính vụ thu hoạch. Bên cạnh đó, Chính phủ có biện pháp chỉ đạo ngành ngân hàng hạ lãi suất cho vay tái canh cà phê xuống mức khoảng 5% - 6%/năm, nhất là thủ tục vay cần đơn giản hơn để người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn.

ĐỨC TRUNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nongnghiepkt/2014/5/348138/