Thịt bò Pháp có “chứng minh thư” rộng đường đến với người tiêu dùng Việt

Bắt đầu được trở lại thị trường Việt Nam vào năm 2015, thịt bò Pháp đang dần chiếm được cảm tình của người tiêu dùng Việt, cho thấy không ít ưu điểm vượt trội so với thịt bò nhập khẩu từ các nước như Australia, Mỹ. Với mong muốn quảng bá rộng rãi hơn nữa mặt hàng nông nghiệp này, ngày 6/12, Hiệp hội liên ngành Gia súc và Thịt quốc gia Pháp INTERBEV kết hợp cùng Đại sứ quán Pháp đã tổ chức chuỗi sự kiện giới thiệu Thịt bò Pháp ở Việt Nam.

Nhu cầu thịt bò của người Việt ngày một lớn

Hiện nay, mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ khoảng 45 kg thịt hơi/năm, con số này sẽ tăng lên 55-60 kg trong thời gian tới. Điều này cho thấy sự quan tâm của người Việt đối với thịt bò và các sản phẩm nội tạng bò đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là thịt bò Pháp. Từ tháng 1 đến tháng 6/2016, các công ty của Pháp đã xuất khẩu 100 tấn thịt bò đông lạnh và 270 tấn nội tạng bò sang Việt Nam - cho thấy tín hiệu đầy hứa hẹn với một thị trường mới mở cửa trở lại.

Ông Bertrand LORTHOLARY, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CH Pháp tại Việt Nam

Phát biểu trong chương trình, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục chăn nuôi Việt Nam, cho biết: “Thịt bò Việt Nam trong vài năm trở lại đây đã bắt đầu được người tiêu dùng chấp nhận với thái độ rất tốt. Tuy nhiên chăn nuôi bò thịt của Việt Nam chủ yếu vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ trong các hộ nông dân ở khắp các miền trong cả nước, khoảng 4 triệu hộ vẫn tiếp tục chăn nuôi bò với số con dao động từ một vài con cho đến vài chục con, vài trăm con. Chính vì lẽ đó, sức sản xuất và sự liên kết còn thiếu chặt chẽ, tạo nguồn cung thiếu ổn định. Đặc biệt là các cơ sở giết mổ thịt bò của Việt Nam còn ít, thiếu ứng dụng công nghệ tiên tiến trong giết mổ chế biến bảo quản thịt bò.”

“Hiện thịt bò chiếm khoảng 8% trong tổng trữ lượng thịt cho cả nước, và đã có một số sản phẩm thịt bò nhập khẩu từ các nước song số lượng không nhiều và chủ yếu được tiêu thụ ở các thành phố lớn. Các doanh nghiệp chăn nuôi gia súc, chế biến thịt từ Pháp sang Việt Nam lần này là để tìm kiếm đầu tư và làm phong phú thêm các sản phẩm thịt tại Việt Nam, nằm trong chăn nuôi bò thịt tiên tiến trong công nghệ của Pháp. Đây là một sự kiện quan trọng trong sự thỏa thuận giữa hai chính phủ và ngành chăn nuôi tiên tiến và sản xuất, chăn nuôi bò giữa hai nước. Những nhu cầu tiêu dùng thịt bò của Việt Nam đa dạng và đang ngày càng tăng trong tổng lượng thịt tiêu dùng trong nước”, Cục trưởng Hoàng Thanh Vân cho hay.

Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng cục chăn nuôi, cho hay việc các doanh nghiệp và hiệp hội chăn nuôi gia súc và chế biến thịt của Pháp sang Việt Nam lần này đánh dấu liên kết mới giữa thương mại hai nước.

Công nghệ truy xuất nguồn gốc đáng học hỏi

Dù còn mới mẻ ở Việt Nam, nhưng thịt bò Pháp hứa hẹn sẽ chiếm được chỗ đứng trong thị trường thịt bò đang ngày càng đa dạng, với những ưu điểm đặc thù của ngành chăn nuôi Pháp. Một trong số đó là công nghệ “truy xuất nguồn gốc” thịt mà Việt Nam đang bắt đầu tìm hướng áp dụng vào các sản phẩm nông nghiệp trong nước (đã được ứng dụng với sản phẩm thịt heo song chưa rộng rãi). Thịt bò Pháp có thể được truy xuất nguồn gốc từ trang trại đến bàn ăn, mọi miếng thịt có thể nhận dạng trong từng giai đoạn pha lóc, cho phép biết được phả hệ của con vật từ khi sinh ra đến lúc khai thác, qua lò mổ và đến bàn ăn của khách hàng. Tất cả các thông tin liên quan đến con vật thể hiện trong mã hộ chiếu duy nhất của mỗi cá thể gia súc, được đóng lên từng miếng thịt pha lóc bằng mực thực phẩm.

Đầu bếp trình diễn chế biến thịt bò Pháp tại chỗ

Các quy trình đều được thực hiện nghiêm ngặt bởi cả các nhà sản xuất chuyên nghiệp lẫn cơ quan chức năng. Tại trang trại, người chăn nuôi bò tại Pháp theo dõi tình trạng sức khỏe của đàn gia súc, kiểm soát liều lượng thú y và chịu trách nghiệm phòng ngừa bệnh, điều trị sức khỏe cho gia súc. Khi đến được với lò giết mổ, thịt bò vẫn tiếp tục phải trải qua kiểm soát khu vực giết mổ (biện pháp vệ sinh an toàn, thiết kế khu vực giết mổ, quá trình hoạt động và nhân viên) và kiểm soát với từng vật nuôi trước/sau giết mổ. Do đó, thịt bò đến tay người tiêu dùng được đảm bảo tuyệt đối về chất lượng và độ an toàn qua nhãn Viande de France (thịt xuất xứ từ Pháp).

Ngoài ra, các đặc điểm khiến thịt bò Pháp được tin tưởng còn có thực phẩm chăn nuôi gia súc sạch, sẵn có; các cam kết nói không với hóc môn tăng trưởng, chất kháng sinh kích thích, bột xương động vật… Bí quyết riêng về cách xẻ thịt kiểu Pháp, theo đó xẻ thịt bò thành 34 khúc riêng biệt theo từng cơ, cấu trúc giải phẫu của con vật cũng là một điều khiến thịt bò Pháp nổi bật tại thị trường châu Âu và thế giới.

Trong khi đó, việc truy xuất nguồn gốc thịt heo do Hội Công nghệ cao TP.HCM nghiên cứu, ứng dụng được thể hiện qua quét mã QR Code, cho phép các trang trại, cơ sở giết mổ, cửa hàng… tự đăng ký tham gia. Công nghệ này chỉ phần nào giúp người mua yên tâm về nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ uy tín cho nhà sản xuất chứ không thể đảm bảo hoàn toàn chất lượng của hàng hóa khi đến tay người mua, do sản xuất vẫn có thể trà trộn hàng kém chất lượng.

Xem thêm:

Thực phẩm có “chứng minh thư”: Chưa phải đã an toàn tuyệt đối

Thịt bò Úc, Mỹ nhìn kỹ… hóa bò Tàu

Thịt trâu “đội mác” thịt bò hoành hành trên thị trường

Người Việt chuộng “thịt ngoại”, “thịt nội” thất thế

Thịt ngoại đang dần lấn át hàng nội?

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/kinh-te-thi-truong/thit-bo-phap-co-%e2%80%9cchung-minh-thu%e2%80%9d-rong-duong-den-voi-nguoi-tieu-dung-viet