Thở dài với... rừng tràm

Không ít nông dân ở vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An từng hồ hởi chăm bẵm cho cây tràm và coi đây là nguồn sinh lợi chính trên vùng đất phèn, nay đang phải tính đến chuyện quay lưng với cây này.

Một số ít vẫn thủy chung với tràm, nhưng trước mắt họ là cả một gánh nặng. Trưa 25-3, chúng tôi về huyện Đức Huệ, huyện đang đứng đầu danh sách cháy rừng ở tỉnh Long An. Con đường từ thị trấn dẫn vào xã Mỹ Thạnh Tây đỏ quạch bụi đất. Thấp thoáng hai bên đường là những đám khói đốt đồng cuộn lên ven những khoảnh rừng tràm. Nhiều chỗ rừng bị cháy nham nhở, có chỗ cháy rụi trơ gốc đen ngòm. Tràm rớt giá Ông Trần Tiến Dân (54 tuổi) ở ấp Dinh, xã Mỹ Thạnh Tây, đưa chúng tôi đi xem cánh rừng tràm vừa bị cháy rụi nằm dọc kênh Nghĩa Bình, gần cầu Ba Lạng mà chốc chốc cứ đứng lại, thở dài. Chiều 21-3, một vụ cháy bùng phát đã thiêu rụi hơn 10ha rừng tràm 5 tuổi, trong đó có gần một nửa là rừng trồng của gia đình ông. Trong số bảy vụ cháy rừng được Hạt kiểm lâm huyện Đức Huệ thống kê từ ngày 19-3 đến nay có đến năm vụ xảy ra trên địa bàn xã Mỹ Thạnh Tây, hai vụ còn lại thuộc xã Mỹ Quý Tây và Bình Hòa Nam. Trên thực tế, số vụ cháy gây thiệt hại đến rừng trồng nhiều hơn hẳn các con số này. Tuy nhiên, phần lớn các vụ cháy là do đốt đồng và chỉ thiệt hại vài trăm đến vài ngàn mét vuông rừng. Qua những vụ cháy, có ý kiến cho rằng người dân chẳng những không lo cháy rừng mà còn coi đây là cơ hội để chia tay với loài cây vốn chiếm vị thế độc tôn của xứ sở đất phèn Đồng Tháp Mười. Tiếp xúc với chúng tôi, một số người dân ở Đức Huệ nhìn nhận sự chờ đợi của họ vào cây tràm đã giảm sút, nguyên nhân chính là nguồn thu từ cây tràm hiện nay quá thấp. Ông Ba Phụng nhà ở ấp Voi cho biết 2-3 năm gần đây giá cừ tràm đã rớt thảm hại, từ 10.000 đồng/cây (loại 5 tuổi) nay chỉ còn 4.000 đồng/cây. “Trồng trần thân mà thu chẳng được bao nhiêu, có mấy công tràm tui đã chặt bán hết. Giờ chờ bóc gốc chuyển qua làm ruộng, hơi cực một chút nhưng có đồng vô đồng ra” - ông Phụng nói. Theo ông Phụng, nhiều người dân trồng tràm quy mô nhỏ, phân tán đang có ý định chuyển sang trồng lúa, vừa cho nguồn thu cao hơn vừa khỏi lo bị cháy. Theo cũng dở, bỏ không xong Có hay không chuyện muốn chuyển sang trồng lúa mà người dân dửng dưng với chuyện cháy rừng? Trả lời câu hỏi này, cả cán bộ quản lý và người dân mà chúng tôi tiếp xúc đều phủ nhận, mặc dù theo họ, mong muốn tìm lối thoát khác cho vấn đề kinh tế ngoài cây tràm là có thật. Ông Trần Tiến Dân giải thích: “Vụ cháy vừa rồi tui mất gần 5ha tràm đã tới tuổi bán. Tính giá bán thấp nhất 10 triệu đồng/ha thì gia đình tui đã thiệt hại 50 triệu đồng, bảo không xót là nói dóc”. Theo ông Dân, tràm sau khi cháy không thể bán được, cho người dân trong xóm chặt làm củi cũng không ai thèm. Muốn trồng lại rừng thì phải thuê người đốn dọn mặt bằng, tiền công không dưới 10 triệu đồng/ha, chưa kể tiền giống và tiền công trồng khoảng 2 triệu đồng/ha nữa. Còn trường hợp chuyển sang trồng lúa thì chi phí dọn mặt bằng cao hơn nhiều, vì phải đào bứng cả gốc mang đi. “Với ai khác thì tui không biết, chứ với tui mà bảo bây giờ trồng lúa thì tiền đâu làm nổi” - ông Dân nói. Theo ông Dân, cái khó cho người dân là dù mang tiếng trồng rừng nhưng phải tự lo nguồn vốn, bằng khoán (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) ghi đất trồng tràm là ngân hàng không cho vay tiền. Theo ông Đỗ Văn La - phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, thường trực ban chỉ đạo phòng chống cháy rừng tỉnh Long An, bức xúc của người dân cũng là vấn đề mà tỉnh đang bàn tính tìm giải pháp. Ông La cho biết có đến 45.690ha/46.490ha rừng của tỉnh là rừng trồng, trong đó hầu hết do người dân tự bỏ vốn trồng, tự chăm sóc và nằm phân tán trên địa bàn bảy huyện thuộc vùng Đồng Tháp Mười (Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Đức Huệ). “Trong tình trạng cây tràm rớt giá như hiện nay, nếu nói dùng pháp lý để buộc người dân bám giữ với cây tràm thì cũng không ổn, vì thực tế là rừng của dân tự trồng” - ông La nhìn nhận. Theo Nguyễn Triều

Nguồn TTOL: http://tintuconline.vietnamnet.vn/vn/xahoi/437146/index.html