Thơ đánh thức vẻ đẹp nhân văn

(ANTĐ) - Đã 8 năm nay, cứ vào mỗi dịp Rằm tháng Giêng, những người yêu thơ lại tề tựu về không gian linh thiêng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám để được đắm mình trong cảm xúc của thơ ca, trong không khí của lễ hội.

Và năm nay, dòng người đến với Ngày thơ Việt Nam 2010 còn mang theo cái náo nức của đất trời Thăng Long - Hà Nội trước thềm 1.000 năm tuổi. 8h30 sáng ngày Rằm tháng Giêng, ngọn lửa thiêng lấy từ đền Hùng đã được thắp sáng trên đài lửa trước sân khấu chính. Khoảng sân rộng trước Nhà Thái Miếu - nơi diễn ra những hoạt động chính của Đại lễ hội thơ đông chật người. Những nghi lễ rước “Chiếu dời đô”, tuyên đọc “Chiếu dời đô” dù năm nào cũng được tái hiện nhưng vẫn được người đến với ngày thơ náo nức đón nhận. Tiếp đó, mọi người cùng nhau đọc lại bài “thơ thần” - “Nam quốc sơn hà” và cả những vần thơ bất tử trong “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - đó là những bài thơ mẫu mực, những minh chứng cho nền thơ ca phát triển suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó còn là những vần thơ, mà nói như nhà thơ Đỗ Trung Lai, khi đọc xong ai ai cũng có cảm hứng để làm thơ. Được thiết kế như một lễ hội, Ngày thơ 2010 còn thỏa mãn người tham dự bằng cả phần nghe, phần đọc và phần nhìn. Nghe thì đã có 2 sân khấu, mà những người yêu thơ vẫn tếu táo gọi là “sân trẻ” và “sân già”. Phần đọc, đó là sự hiện hữu của “Vườn thơ đất nước” - nơi có sự góp mặt của các nhà thơ tiêu biểu ở khắp các tỉnh thành phố. Rồi, phần nhìn là những câu thơ của 15 tác giả cổ điển Việt Nam cùng 55 câu thơ hay từ xưa đến nay được ban tổ chức chọn lựa để in trên những ang, những liễn, những bình, những lọ. Trên gốm, trên màu men độc đáo mà chỉ ở Bát Tràng mới có, người yêu thơ được gặp lại Đại thi hào Nguyễn Du với câu Kiều trong trẻo: “Cỏ non xanh rợn chân trời/Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”, gặp Nguyễn Công Trứ với “Thế thái nhân tình gớm chết thay/Lạt nồng, trông chiếc túi vơi đầy” rồi còn là Lưu Trọng Lư với “Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội/Áo đỏ người đưa trước giậu phơi”, nữa là Phạm Tiến Duật với “Thôi em đừng bẻ đốt ngón tay/Nước mắt dễ lây mà rừng thì quá rộng”... Thấy nhiều người đọc thơ xong, lấy bút ra lúi húi chép vào sổ tay, thấy dòng người đổ về Văn Miếu mỗi lúc một đông hơn, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói như reo lên rằng “Đấy, ai bảo thơ giờ đứng bên lề cuộc sống. Thế này, sao bảo thơ đã hết thời. Dân tộc ta vốn là dân tộc yêu thơ mà”. Một trong những điểm được mọi người chú ý nhất, đó là sân thơ trẻ. Không gào thét, hú hét như màn trình diễn của những năm về trước. Cũng không lành như sân khấu thơ 360 độ năm 2009. Năm nay ở sân thơ trẻ là sự “Chuyển động của cảm xúc”. Sự chuyển động này bắt đầu từ sân khấu truyền thống sang sân khấu trình diễn, rồi vòng về sắp đặt. Đúng như tên gọi - “chuyển động”, để xem được hết các chương trình, khán giả phải... vất vả hơn. Sân khấu là cả khoảng sân trước nhà Thái Học, rộng mà hóa chật bởi toàn người là người. Chưa kịp chen vào xem Sân thơ truyền thống có ai, có gì, thì dòng người đã ùn ùn chuyển động sang phía sân khấu bên kia xem Nguyễn Anh Vũ trình diễn “Đồng dao trên núi”. Rồi lại ùn ùn chuyển động sang Sân sắp đặt để xem những tuyên ngôn về thơ. Lý giải cho cái sự chạy đi chạy lại thưởng thức thơ, nhà thơ Trần Quang Quý bảo, có thể gọi đây là một lễ hội đường phố về thi ca, 3 sân khấu chính là 3 sự lựa chọn và những người yêu thơ vừa dạo phố thơ, vừa gặp gỡ, giao lưu, còn thẩm thấu được hay không thì tùy vào cách riêng của mỗi người... Hơn 1h trưa, các hoạt động kết thúc bằng màn thả thơ phía bên Sân “thơ già”. 50 câu thơ hay được lựa chọn để thả lên bầu trời như một lời tôn vinh dành cho các nhà thơ. Ngày thơ 2010 dẫu còn những hạt sạn, ví như việc viết sai một vài lỗi chính tả trên thơ gốm, sự phập phù của trang thiết bị tăng âm... nhưng những người đến với Ngày thơ không vì thế mà bận lòng. Cuộc sống hiện đại với muôn vàn lo toan và bận rộn, không ai có đủ thời gian để quanh năm ngày tháng sống với thơ. Nhưng những ngày như thế này, những người yêu thơ lại được gặp nhau, sống trong không gian thơ, đánh thức lòng yêu thơ ca và đánh thức trong lòng vẻ đẹp nhân văn vốn có.

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=68770&channelid=8