Thơ sinh viên: Trình diễn ấn tượng nhưng thơ nhạt

(VnMedia) - Lần đầu tiên trong 8 năm tổ chức “Ngày thơ Việt Nam” có một cuộc thi thơ của sinh viên. Những cây bút thơ của 4 trường đại học tại Hà Nội và Thái Nguyên đã mang đến nhiều không khí với các màn trình diễn thơ khá ấn tượng. Tuy nhiên, bản thân các tác phẩm thơ lại chưa tạo được nhiều cảm xúc, như nhận xét của các nhà thơ đàn anh.

Có mặt trong đêm thơ là những bạn trẻ đến từ các khoa, ngành liên quan đến văn thơ của 4 trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, ĐH Văn hóa Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm Thái Nguyên. Đây là những gương mặt chọn ra từ các cuộc thi sơ khảo ở các trường đại học này từ cách đây vài tháng. Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, với lực lượng chính là sinh viên khoa Sáng tác và Lý luận – Phê bình Văn học (tiền thân là trường Viết văn Nguyễn Du) cùng các khoa Quản lý Văn hóa, Văn hóa học… tạo nhiều sắc thái mới lạ với phần khai cuộc đêm thơ. Phần trình diễn bài thơ "Ngón" của tác giả Lữ Mai đã từng dành giải Nhất trong cuộc thi sơ khảo ĐH Văn hóa Sáu tác phẩm thơ được trình diễn là của các tác giả đã chiến thắng trong đêm chung kết thi thơ của trường. "Ngón" của Lữ Mai, "Giấc mơ một" của Thái Bảo Anh, "T" của Du Nguyên, “Về đi cỏ dại chim trời" của Lê Ngọc, "Giêng hai hai đầu đòn gánh" của Tiến Cường và "Đoản khúc mưa dưới vòm cây tháng sáu" của Lan Tử Viên. Đây cũng là trường có ý thức tiếp cận, thử nghiệm các hình thức trình diễn thơ có phần phá cách. 6 tiết mục trình diễn thơ với những bối cảnh sân khấu chuẩn bị khá công phu, những hoạt cảnh với phần thể hiện truyền cảm của những gương mặt trẻ tạo nhiều cảm nhận đa chiều trong khán giả. Đinh Thị Nhung, sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội lắc đầu: “Chả hiểu thơ họ định nói điều gì, toàn là một tập hợp từ ngữ quai quái, còn phần trình diễn thì cứ cố gắng làm cho khác lạ theo kiểu điên điên, khó hiểu”. "Giấc mơ một" của Thái Bảo Anh tạo nhiều ấn tượng và ý kiến cảm nhận khác nhau trong khán giả Trong khi đó, Mai Lan, một sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội là thành phần cổ vũ của đội thơ trường này lại tỏ ra thích thú: “Tôi thấy rất ấn tượng với phần trình diễn của các bạn ĐH Văn hóa, có bài thơ theo lối thơ hậu hiện đại lạ và cảm xúc”. Sau những màn trình diễn tác động nhiều tới thị giác của ĐH Văn hóa Hà Nội, những tiết mục “đọc thơ” thuần túy, dù có cố gắng diễn cảm của các sinh viên đến từ ĐH Thái Nguyên vẫn có phần nhạt hơn… "Đoản khúc mưa dưới vòm cây tháng sáu" của Lan Tử Viên gây chú ý bởi phần diễn xuất rất xúc cảm của người biểu diễn Tuy nhiên, màn trình diễn cuối cùng của trường này lại tạo được sự chú ý và tán tượng mạnh trong khán giả. Bài thơ “Đời sinh viên” với những nét tự trào hóm hỉnh của tác giả Hồng Tỉnh được thể hiện rất sinh động và hài hước qua một hoạt cảnh vui của hơn 10 sinh viên trong câu lạc bộ Văn học của trường. Có những khoảnh khắc bất ngờ, thú vị nhận được những tràng cười tán thưởng của khán giả và những tràng pháo tay cổ vũ từ chính các giám khảo. Trong chương trình còn có những bài thơ “Tự khúc 1000 năm Thăng Long” của Nguyễn Hữu Thọ, “Ngọn gió đời con” của Thân Thị Minh Trang, “Chuyện nhà” của Phạm Duy Tùng, “Một” của Nhị Hà… cũng là những tác phẩm đã giành các giải thưởng cao nhất trong vòng sơ khảo thơ của trường này. "Về đi cỏ dại chim trời" Điều ghi nhận nhất ở tinh thần thơ của các sinh viên ĐH Sư phạm Thái Nguyên là sự tích cực của không chỉ các thành viên đội thi thơ mà cả đội cổ vũ… khi xuống Hà Nội để ủng hộ đội nhà. Có “truyền thống” thơ sinh viên từ những năm 90 thế kỷ trước nhưng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội lại chỉ góp mặt với 2 giọng thơ trẻ: Lê Thị Hằng với chùm thơ về Mẹ và Đinh Tuấn Anh với chùm thơ về Hà Nội. Với bài thơ về con sông Kỳ Cùng quê hương, Đinh Tuấn Anh cũng là giọng thơ duy nhất khiến nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng “đáng chú ý” ở đêm chung khảo lần này. ĐH Sư phạm Hà Nội góp mặt tương đối đông đảo trên sân khấu, với phần tham gia trình diễn của nhiều sinh viên bên cạnh những tác giả thơ. Tuy nhiên, những phần trình diễn trong của trường này thiên về minh họa nhiều hơn khái niệm thơ trình diễn. Một hoạt cảnh của ĐH Sư phạm Hà Nội Là hoạt động lần đầu tổ chức trong khuôn khổ “Ngày thơ Việt Nam”, đêm thơ sinh viên tương đối thành công nếu soi chiếu theo mục đích của Hội Nhà văn là nhằm khuyến khích tinh thần thi ca trong giới trẻ. Hoạt động này cũng ít nhiều tạo được thú vị đối với nhiều khán giả trong việc thưởng thức. Tuy nhiên, đối với những nhà thơ thế hệ đi trước, chất lượng thơ vẫn chỉ dừng lại ở sự “chấp nhận được” theo lối xoa đầu con trẻ. Nhà thơ Minh Lương của Hà Nội nhận xét: “Tôi chỉ ấn tượng với những tiết mục trình diễn thơ của ĐH Văn hóa. Trừ nỗ lực làm mới của đội trường này, hình thức thể hiện thơ của đa số tiết mục đều vẫn theo lối tư duy cũ. Vẫn còn nhiều câu thơ, lời thơ thấy rõ các tác giả sáo mòn trong lời lẽ và vay mượn cảm xúc. Như những nỗi buồn hay tình yêu mẹ, tình yêu quê hương trong thơ các bạn, tôi cảm giác như người ta đã buồn thế, yêu thế trong thơ từ hàng chục năm trước, rất khó cảm nhận được và tin được cái riêng trong cảm xúc của các bạn”. Trong khi đó, nhà thơ Vũ Quần Phương lại có quan điểm ngược lại khi cho rằng, những hình thức trình diễn thơ có sự tìm tòi nhưng không có gì mới mẻ. "Điều quan trọng nhất của thơ ca vẫn là bản thân bài thơ, nhưng vẫn chưa có tác phẩm thực sự cảm xúc". Lan Anh

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/newsdetail.asp?catid=85&newsid=187433