Thỏa thuận an ninh Mỹ-Gruzia: Sự đền bù cay đắng ngọt ngào

Ngày 6/7, Mỹ và Gruzia đã ký một thỏa thuận an ninh nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng cho nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này trước Nga, trong bối cảnh Gruzia đang chờ đợi được kết nạp vào tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Thủ tướng Gruzia Giorgi Kvirikashvili (phải) có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang trong chuyến thăm Gruzia

Thỏa thuận đã được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Thủ tướng Gruzia Giorgi Kvirikashvili ký tại Tbilisi chỉ hai ngày trước khi Hội nghị Thượng đỉnh thường niên của NATO khai mạc tại Warsaw, Ba Lan. Thỏa thuận này là một sự đền bù vừa cay đắng vừa ngọt ngào đối với Gruzia, quốc gia nhỏ bé đã từng được hứa hẹn sẽ trở thành thành viên NATO từ năm 2008, song cho tới nay vẫn chưa có triển vọng thực sự được gia nhập. Gruzia có hai khu vực ly khai là Abkhazia và Nam Ossetia hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga, và cũng như Ukraine, con đường gia nhập liên minh của quốc gia này đang bị cản trở bởi các cường quốc châu Âu vốn hay lo ngại.

Phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Kerry nói: “Quan hệ đối tác của chúng ta xét trên góc độ an ninh là điều cực kỳ vững chắc”, đồng thời ca ngợi cam kết của Gruzia về việc đưa quân tới tham gia sứ mệnh hỗ trợ của NATO tại Afghanistan. Ông nói: “Người dân Gruzia đã lựa chọn tương lai trong NATO và nước Mỹ giữ vững cam kết giúp đỡ người Gruzia đạt được mục tiêu này”. Ông Kerry cho biết trong tuần này các đồng minh NATO khác sẽ cân nhắc lại lời hứa được đưa ra tại Bucharest, Hungary, năm 2008 về việc kết nạp Gruzia.

Tuyên bố của Mỹ có thể sẽ chọc giận Moskva và khiến một số nước đồng minh phương Tây cảm thấy lo ngại về nguy cơ bị yêu cầu phải bảo vệ Gruzia chống lại Nga hoặc thậm chí là tìm cách hất cẳng lực lượng Nga. Ngoại trưởng Kerry khẳng định với giới chức Gruzia: “Mỹ kiên định sự ủng hộ của mình đối với chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Gruzia… Việc xâm chiếm và quân sự hóa của Nga ở các khu vực thuộc lãnh thổ Gruzia là điều không thể chấp nhận được”. Quốc gia vùng Caucasus này đã từng được Mỹ viện trợ quân sự, song tất cả mới chỉ dừng ở mức hỗ trợ quân đội Gruzia triển khai lực lượng trong các chiến dịch ở nước ngoài. Bản ghi nhớ mới mà hai bên vừa ký kết sẽ giúp Gruzia tăng cường “sức mạnh quốc phòng” và hợp tác an ninh.

Lo ngại sự mở rộng ảnh hưởng của Nga đã tăng cao sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và hậu thuẫn lực lượng ly khai ở Đông Ukraine. Trong khi đó, luôn cảnh giác trước những hành động được xem như nỗ lực của phương Tây thời hậu Chiến tranh Lạnh nhằm bao vây và gây áp lực với Nga, Điện Kremlin kiên quyết phản đối NATO mở rộng phạm vi tới sát biên giới của mình. Về phần mình, Washington kiên quyết không nhượng bộ trước Nga, và chuyến thăm lần này của ông Kerry tới Kiev và Tbilisi là nhằm chứng minh điều đó. Khi được hỏi liệu Kremlin có thể đánh giá thế nào về chuyến công du trước Hội nghị Thượng đỉnh NATO, một quan chức cấp cao Mỹ đã mỉm cười trả lời: “Nga muốn hiểu thế nào thì tùy”.

Thủ tướng Gruzia Kvirikashvili đã ca ngợi thỏa thuận mới với Washington là “một văn bản cực kỳ quan trọng”. Ông nói: “Bản thỏa ước tạo ra một khuôn khổ mới cho quan hệ đối tác sâu sắc hơn… nhằm tăng cường khả năng an ninh và tự phòng vệ của Gruzia”.

Từ năm 2008, quân đội Nga đã tăng cường sự kiểm soát ở hai khu vực ly khai, nơi chỉ cách Tbilisi khoảng 20 phút xe chạy. Theo hiệp ước NATO, các nước thành viên có trách nhiệm bảo vệ lẫn nhau song không nhiều nước phương Tây muốn đối đầu trực diện với một nước Nga có trang bị vũ khí hạt nhân. Ngày 5/7, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo: “Các hoạt động của NATO không tăng cường được an ninh cho các nước thành viên mà ngược lại, chỉ làm gia tăng căng thẳng. Chính sách bành trướng của NATO chứng tỏ bản chất hiếu chiến của tổ chức này”.

Với khả năng còn rất lâu mới trở thành thành viên đầy đủ của NATO trong khi các kế hoạch mở rộng của EU đang gặp khủng hoảng sau sự kiện nước Anh bỏ phiếu rời EU, Gruzia và Ukraine phải tập trung vào việc cải cách trong nước. Chuyến thăm Tbilisi lần này của ông Kerry còn nhằm kiểm tra công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội ở Gruzia vào tháng 10 tới. Gruzia là một trong số hiếm hoi các nước thuộc Liên Xô cũ tiến hành thành công sự chuyển giao quyền lực dân chủ sau khi rời khỏi quỹ đạo của Nga, song cuộc bầu cử năm nay sẽ là một thử thách cho đất nước này. Cuộc bầu cử sắp tới là cuộc đối đầu giữa đảng Giấc mơ Gruzia của Thủ tướng Kvirikashvili, được nhà tài phiệt tỷ phú Bidzina Ivanishvili hậu thuẫn, với Phong trào Quốc gia Thống nhất của cựu Tổng thống Mikheil Saakashvili.

Trong khi đó, Ukraine vẫn đang phải vật lộn với việc thực hiện những cải cách đã cam kết trong Thỏa thuận Minsk, văn bản được xây dựng nhằm hạ nhiệt giao tranh ở khu vực miền Đông. Các quan chức Mỹ thúc giục Kiev phải hoàn thành cam kết của mình trong thỏa thuận và đổi lại là hứa sẽ duy trì áp lực đối với Điện Kremlin. Tuần trước, EU đã gia hạn các lệnh trừng phạt Nga do đã gây bất ổn ở Ukraine, tuy nhiên việc gia hạn này chỉ kéo dài thêm 6 tháng. Các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga vẫn còn hiệu lực, song các quan chức nước này lo ngại Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tìm cách duy trì ảnh hưởng quân sự ở Ukraine trong khi chờ đợi Tổng thống Mỹ Barack Obama rời nhiệm sở vào tháng 1/2017.

TTK

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/thoa-thuan-an-ninh-mygruzia-su-den-bu-cay-dang-ngot-ngao-20160707165343072.htm