Thoát nghèo từ mô hình nuôi dê

Nhiều hội viên, nông dân đã cải thiện được thu nhập từ dự án “Tạo nguồn thu nhập mới góp phần giảm nghèo dựa trên mô hình nuôi dê cho các hộ dân tộc nghèo” do Hội nông dân (ND) tỉnh Thanh Hóa thực hiện.

Nhiều hội viên, nông dân đã cải thiện được thu nhập từ dự án “Tạo nguồn thu nhập mới góp phần giảm nghèo dựa trên mô hình nuôi dê cho các hộ dân tộc nghèo” do Hội nông dân (ND) tỉnh Thanh Hóa thực hiện. Dự án được tài trợ bởi Liên minh châu Âu (EU) thông qua Tổ chức Cideal và UBND tỉnh Thanh Hóa.

Sau hơn 5 tháng nuôi, đàn dê của gia đình ông Phan Đình Hà (thôn Bái Tôm, xã Điền Quang)đã sinh sản dê con. ảnh:Thế Lượng

Tháng 7.2015, Hội ND Thanh Hóa và Tổ chức Cideal đã trao cho 12 hộ hội viên xã Điền Quang, huyện miền núi Bá Thước 39 con dê sinh sản. Sau 5 tháng nuôi, 3 con dê cái của gia đình ông Lê Hữu Hải, thôn Bái Tôm đã sinh sản lứa đầu tiên. Ông Phan Đình Hà- một hộ hưởng lợi từ dự án bày tỏ: “Tôi vẫn ấp ủ gây đàn dê bởi loài này phù hợp với miền núi. Được hỗ trợ 3 con dê cái, tôi nuôi theo đúng kỹ thuật. Sau 5 tháng, cả 3 con đều đã sinh lứa đầu tiên. Tôi muốn nhân lên vài chục con...”.

Đến nay đàn dê dự án ở Điền Quang tăng từ 39 con lên 52 con. Ông Lê Ngọc Thông - Trưởng ban Kinh tế (Hội ND tỉnh Thanh Hóa) cho biết, Hội ND tỉnh đã phối hợp đơn vị cung ứng dê giống đảm bảo chất lượng và bàn giao cho từng hộ với sự giám sát của chính quyền địa phương và các đơn vị chuyên môn. Đàn dê 39 con (36 con cái, 3 con đực) được Ban quản lý dự án cấp cho 12 hộ (mỗi hộ 3 dê cái và cứ 3 hộ nhận thêm 1 dê đực).

Sau khi cấp dê, Ban quản lý dự án đã cử cán bộ kỹ thuật tổ chức tiêm phòng dịch và vệ sinh chuồng nuôi. Cán bộ thú y xã tẩy giun sán định kỳ 2 tháng/lần; cấp phát thuốc cho các hộ vệ sinh tẩy uế chuồng trại; hướng dẫn thu gom ủ phân, đảm bảo vệ sinh môi trường.

“Dự án nuôi dê phù hợp với điều kiện của nông dân miền núi, đáp ứng mục tiêu chương trình phát triển của địa phương, góp phần tích cực vào việc xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nông dân nghèo, nhất là hộ nghèo đồng dân tộc tiểu số theo hướng bền vững. Qua dự án, nông dân được hướng dẫn và làm chủ kỹ thuật nuôi dê, tập trung phát triển mô hình chăn nuôi phù hợp điều kiện tự nhiên, lao động của địa phương...”- ông Thông khẳng định.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/thoat-ngheo-tu-mo-hinh-nuoi-de-659128.html