Thoát nghèo từ ý thức

'Không để ai bị bỏ lại phía sau' là phương châm trong công tác giảm nghèo mà Bình Phước đang nỗ lực thực hiện. Cũng chính vì vậy, thời gian qua hàng loạt chính sách giảm nghèo đã được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh nhằm giúp người nghèo có cuộc sống ngày càng khấm khá hơn. Tuy nhiên, ngoài các chính sách hỗ trợ thì ý thức vươn lên mới là động lực để người nghèo thoát khỏi khó khăn. Kết hợp giữa hai nguồn lực này, thời gian qua công tác giảm nghèo ở huyện biên giới Lộc Ninh đã mang lại nhiều kết quả tích cực.

Chung sức giảm nghèo

Trải qua một thời gian dài sống trong điều kiện khó khăn khiến chị Dương Thị Lan ở ấp 7, xã Lộc Hòa cảm thấy thiếu tự tin vào bản thân. Với số tiền ít ỏi từ công việc thu lượm ve chai hằng ngày cùng thu nhập không ổn định từ làm thuê của chồng rất khó để trang trải cuộc sống chứ nói gì đến thoát nghèo. Dẫu vậy, quyết tâm vượt lên hoàn cảnh, chăm lo tốt hơn cho 2 con đã thôi thúc vợ chồng chị nỗ lực lao động để thoát nghèo. Được sự hỗ trợ của các hội, đoàn thể và các mạnh thường quân, gia đình chị Lan được xây tặng nhà đại đoàn kết. Sau hơn 2 năm chịu khó làm và tích góp, cùng với sự hỗ trợ của địa phương, gia đình nội, ngoại hai bên, vợ chồng chị Lan đã xây được 4 phòng trọ, mỗi tháng có thêm nguồn thu hơn 3 triệu đồng. Nhờ vậy kinh tế gia đình chị ổn định hơn trước.

Công việc mua bán ve chai tuy vất vả, thu nhập không cao nhưng với ý thức vươn lên thoát nghèo, gia đình chị Dương Thị Lan đã có cuộc sống ổn định

Chị Lan chia sẻ: “Công việc của hai vợ chồng tuy thu nhập không ổn định, nhưng tôi nghĩ muốn thoát nghèo thì phải cố gắng vươn lên. Chính sự nỗ lực đó đã giúp gia đình tôi dần trở nên tốt hơn. Vợ chồng tôi đang phấn đấu từng ngày để phát triển kinh tế ổn định, các con sau này đỡ vất vả hơn”.

Gia đình anh Võ Văn Tứ ở ấp 8C là một trong những hộ nghèo nhất xã Lộc Hòa, không nghề nghiệp, không đất sản xuất nên cuộc sống khó khăn cứ mãi đeo bám. Để hỗ trợ gia đình anh Tứ có điều kiện vươn lên, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều chính sách thiết thực, phù hợp. Cuối năm 2022, gia đình anh được hỗ trợ cặp bò giống, nhờ đó đã tạo việc làm, niềm tin để anh quyết tâm thoát nghèo.

Nhờ được hỗ trợ cặp bò giống, gia đình anh Võ Văn Tứ ở ấp 8C, xã Lộc Hòa có thêm động lực vươn lên thoát nghèo

“Nhà tôi thuộc diện hộ cận nghèo, năm trước Nhà nước hỗ trợ 1 cặp bò, giờ đã sinh thêm 1 con rồi, đến cuối năm sẽ có thêm 1 con nữa. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng tôi luôn cố gắng chăm sóc để tăng đàn. Tôi mong Nhà nước tạo điều kiện vay vốn ưu đãi mua thêm bò để kinh tế gia đình ngày một tốt hơn” - anh Tứ chia sẻ.

Linh hoạt các phương án hỗ trợ

Lộc Hòa là địa bàn biên giới, cũng là địa phương vùng sâu, vùng xa của huyện Lộc Ninh, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Đặc biệt đây cũng là địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cao, chiếm 47%. Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, xã Lộc Hòa đã triển khai đồng bộ, đa dạng nhiều biện pháp như: tranh thủ huy động các nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất; cho vay vốn tạo việc làm, hỗ trợ nhà ở; hỗ trợ các chỉ số thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản để thoát nghèo; các chương trình văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế; chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số… Nhờ thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo, hiện nay toàn xã chỉ còn 2 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo, chiếm 0,1% tổng số hộ dân toàn xã.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Hòa cho biết: “Để thực hiện tốt công tác giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn chỉ đạo rà soát cụ thể các đối tượng. Trên cơ sở đó, chúng tôi linh hoạt triển khai các giải pháp hỗ trợ phù hợp từng hoàn cảnh như: hộ không có đất sản xuất thì hỗ trợ con giống, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; vận động xây nhà cho hộ khó khăn về nhà ở... Từ đó giúp người nghèo có việc làm, đem lại thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo bền vững”.

Song song với công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, năm 2022 huyện Lộc Ninh đã huy động nguồn lực hơn 122 tỷ đồng hỗ trợ người dân thoát nghèo. Kết quả, đã giảm được 338 hộ nghèo, trong đó có 232 hộ dân tộc thiểu số. Đầu năm 2023, toàn huyện Lộc Ninh có 230 hộ nghèo và 333 hộ cận nghèo, lần lượt chiếm 0,7% và 1,02% tổng số hộ dân toàn huyện. Trong năm nay, huyện tiếp tục phân bổ hơn 70,7 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để tập trung hỗ trợ người dân thoát nghèo. Qua đó, Lộc Ninh phấn đấu giảm ít nhất 191 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 0,7% xuống còn 0,12% vào cuối năm.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nỗ lực từ các hộ được thụ hưởng, công tác giảm nghèo thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực. Chúng tôi đã và đang tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, cải thiện thu nhập nhằm đạt kế hoạch giảm nghèo đã đề ra.

Phó trưởng Phòng Nội vụ - Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lộc Ninh
NGUYỄN THỊ ÁNH NGUYỆT

Với chuẩn nghèo theo cách tiếp cận đa chiều như hiện nay thì việc giảm tỷ lệ hộ nghèo ngày càng khó khăn. Vì vậy, bên cạnh chính sách của Nhà nước thì bản thân các hộ nghèo phải thực sự quyết tâm, nỗ lực vươn lên. Trên cơ sở đạt được, huyện Lộc Ninh tiếp tục phát huy những giải pháp, cách làm hay để đời sống người dân ngày càng tốt hơn, diện mạo kinh tế - xã hội vùng biên ngày càng khởi sắc.

Văn Đoàn

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/146812/thoat-ngheo-tu-y-thuc