Thời các nhóm nhạc trở lại?

Nhiều nhóm nhạc mới đang hoạt động tích cực cùng với sự trở lại của một số nhóm nổi danh trước đây khiến một số người hy vọng thời hoàng kim của ban nhạc sắp trở lại.

Nhóm nhạc Con Gái

Mới đây, Xuân Nhị, Hằng Nga và Ánh Tuyết - 3 thành viên của nhóm nhạc Con Gái (thành lập năm 1998 và khá nổi danh trong thập niên 1990) đã quyết định trở lại với sân khấu âm nhạc lớn. “Năm 2007, các thành viên của nhóm tách ra đi theo những con đường riêng. Nhưng như mọi người thấy, để đi trên con đường âm nhạc một mình nếu không phải là diva, hay divo sẽ rất khó khăn”, nhạc sĩ Vũ Quốc Bình, Giám đốc dự án âm nhạc của nhóm Con Gái, chia sẻ. Sau album Lời chim đỗ quyên vừa ra mắt, nhóm Con Gái tiếp tục thực hiện đêm nhạc riêng vào tối 8.1 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội).

Cú hích K-Pop và truyền hình thực tế

Những ai dõi theo thị trường âm nhạc đều biết, đầu thập niên 1990 là giai đoạn đất nước vừa mở cửa, nhạc nhẹ bắt đầu phát triển. Đó là một trong những yếu tố khiến nhiều nhóm nhạc hình thành, như Ngọc Lễ - Phương Thảo, Tam ca 3 Con Mèo, Tam ca Áo Trắng, Tam ca 3A, Con Gái, Tik Tik Tak, Quả Dưa Hấu, Sài Gòn Boys, Năm Dòng Kẻ… Đến những năm 2000, nhiều nhóm nhạc tiếp tục xuất hiện như MTV, 1088, AC&M… Những năm 1990 và đầu những năm 2000 được coi là thời kỳ “vàng” của nhóm nhạc. “Sự xuất hiện của hàng loạt nhóm nhạc đã tạo sự sôi động cho đời sống âm nhạc trong nước”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhìn nhận. Tuy nhiên, đến khoảng cuối những năm 2000, nhiều nhóm nhạc dần tan rã.

Trong vài năm trở lại đây, sự xuất hiện của các nhóm nhạc đã rôm rả hơn, bao gồm cả những ban nhạc mới được thành lập và các ban nhạc một thời tái xuất, mà Con Gái là một điển hình. Nhà nghiên cứu Quang Long cho rằng, làn sóng K-pop “đổ bộ” và “tấn công” V-pop khiến thay đổi thói quen nghe, nhìn của nhiều khán giả, trong đó đa phần là những người trẻ. Thị trường âm nhạc đã khá nhanh nhạy khi đáp ứng được nhu cầu của khán giả. Trong vài năm trở lại đây, một số nhóm nhạc được đào tạo vừa hát vừa nhảy, đầu tư ngoại hình theo “công nghệ” Hàn Quốc. Trong đó phải kể đến nhóm 365 của “bà bầu” Ngô Thanh Vân. Sau 365, nhiều nhóm nhạc mang “vị ngoại” đã xuất hiện như nhóm nhạc nữ LIME, LipB, Uni5, Monstar… Thậm chí, nhóm nhạc Hàn Quốc M-Tiful đã quyết định sang VN để phát triển sự nghiệp vì nhìn thấy “thị trường tiềm năng”. Họ đã ra mắt các sản phẩm âm nhạc bằng tiếng Việt và thực hiện nhiều tour diễn.

Bên cạnh đó, nhiều nhóm nhạc đã bước ra từ sau chương trình truyền hình thực tế như Oplus, hay S-Girls. Nhạc sĩ Dương Khắc Linh đã quyết định hỗ trợ cho Oplus, S-Girls trong những bước đi đầu tiên sau khi rời chương trình Nhân tố bí ẩn. “Hiện nay ít ban nhạc hoạt động trong showbiz vì gặp nhiều khó khăn. Tiền cát sê của các thành viên của nhiều ban nhạc cũng không cao. Điều đó khiến tôi rất thương và trân trọng những nỗ lực của các em”, Dương Khắc Linh chia sẻ.

Nhóm nhạc 365

Cần bệ đỡ chuyên nghiệp

Không chỉ xuất hiện rôm rả hơn, rất nhiều nhóm nhạc được đào tạo, đầu tư bài bản thông qua các “ông bầu”, “bà bầu”, hay rộng hơn là các công ty chuyên nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật, thậm chí có nhóm mời cả ê-kíp nước ngoài tạo dựng hình ảnh...

Theo ca - nhạc sĩ Anh Tuấn, thành viên nhóm MTV, khi các nhóm hát được thành lập và đào tạo bài bản bởi những công ty, nhà sản xuất nào đó cũng là khởi sắc đáng mừng cho thị trường các nhóm nhạc. Vì khả năng chuyên môn, khả năng biểu diễn của họ sẽ được nâng cao và họ có được chiến lược PR, định hướng con đường âm nhạc rõ ràng, bài bản. Tuy nhiên, thực tế này cho thấy tương lai của các nhóm nhạc nhiều khi phụ thuộc vào chính các “ông bầu”, “bà bầu”. Cách đây vài tháng, nhóm 365 đột ngột tuyên bố tan rã. Họ chia tay khán giả bằng một live show và MV Bống bống bang bang, dù đến nay MV này đã thu hút tới trên 9 triệu lượt người xem, cho thấy sức hút của 365 với khán giả chưa hề giảm. Khi được hỏi, “bà bầu” Ngô Thanh Vân chỉ lý giải quyết định tan rã này đã nằm trong kế hoạch có tầm nhìn 10 năm, trước hết là hướng đến sự phát triển chung của cả nhóm và sau đó là sự nghiệp riêng của các thành viên?!

“Ông bầu” Hoàng Tuấn nhận định: “Không chỉ các chương trình truyền hình thực tế mà cả đời sống âm nhạc nói chung cũng sôi động chính là cơ hội để các nhóm nhạc tái xuất hoặc thành lập giới thiệu mình. Tuy nhiên, để tồn tại lâu bền thì phải có chiến lược, kế hoạch phát triển cụ thể. Đồng thời phải thật sự đam mê thì nhóm nhạc mới trụ được”.

Nguyên Vân - Ngọc An

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/thoi-cac-nhom-nhac-tro-lai-782130.html