Thời gian không đợi

(ANTĐ) - Theo hạn định cam kết với WTO, Việt Nam được gia hạn 12 năm, tức là đến năm 2018 phải “thoát” ra khỏi nền kinh tế phi thị trường. Chỉ còn chưa đầy chục năm nữa, nước ta phải đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết để được quốc tế công nhận là quốc gia có nền kinh tế thị trường. Thời gian không còn nhiều, nhưng quá trình chuyển đổi diễn ra không như mong đợi. Muốn “đoạn tuyệt” nền kinh tế phi thị trường thật không dễ dàng chút nào.

Tại cuộc hội thảo về mô hình kinh tế do Hội đồng Lý luận Trung ương và Đại học Kinh tế Quốc dân mới tổ chức, vấn đề “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” đã được đặt lên bàn nghị sự. Các nhà lý luận cho rằng, kinh tế thị trường chỉ có một bản chất: làm ra hàng hóa để bán, giá cả thỏa thuận, những người làm ra hàng hóa phải được quyền tự chủ, trước hết là quyền quyết định về giá cả thông qua thỏa thuận trên thị trường. So với nền kinh tế thị trường thế giới, kinh tế Việt Nam đang đứng ở đâu? Theo Tiến sĩ kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Thương mại: “Nước ta mới đi được những bước đầu tiên, tức là thiết lập được những nền tảng ban đầu của kinh tế thị trường”. Giai đoạn chuyển từ kinh tế bao cấp sang đặt những viên gạch móng cho kinh tế thị trường, tạo ra sự phát triển mạnh mẽ chưa từng thấy cho nền kinh tế Việt Nam. Nhờ đó nước ta đã hội nhập quốc tế, tham gia các tổ chức kinh tế thế giới, trong đó có WTO. Từ năm 2006 trở đi, là giai đoạn Việt Nam phải hoàn thiện nền kinh tế thị trường để hội nhập sâu vào kinh tế toàn cầu, bởi thực chất nền kinh tế của ta vẫn bị coi là kinh tế thị trường… nửa vời. Vì sao? Vì nhiều lĩnh vực vẫn còn đang rất dở dang, nửa vời, ví dụ như giá cả. Thời bao cấp giá cả do Nhà nước quyết định. Sau đó chuyển sang chế độ hai giá; một giá do Nhà nước và một giá theo thị trường tự do. Với Nghị quyết Trung ương 6, nước ta bắt đầu chuyển sang một giá. Hiện nay, đại đa số hàng hóa, dịch vụ theo giá thị trường. Dẫu vậy, vẫn còn một số mặt hàng chưa được thị trường hóa, Nhà nước vẫn định giá, duyệt giá như xăng dầu, điện, than đá, y tế. Một vấn đề đáng lo là có những lĩnh vực có dấu hiệu quay lại biểu hiện phi thị trường, hầu như chẳng tiến được mấy bước, thậm chí còn thụt lùi, xăng dầu là một ví dụ điển hình. Mặc dù mặt hàng này do doanh nghiệp định giá, nhưng thực chất doanh nghiệp tự định giá rồi phải đưa lên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương duyệt giá thì mới được đưa ra áp dụng. Như vậy, cơ chế giá hiện nay thực chất vẫn là “nửa vời”, thậm chí lạc hậu hơn cơ chế giá trần trước đây. Tại một hội thảo ở Hà Nội, Bộ Tài chính đưa ra giải pháp là Nhà nước sẽ ngồi tính chi phí giá để trên cơ sở đó tính ra giá thành xăng dầu, khi nào vượt ra khỏi giá đó 7% thì mới được cho tăng giá. Hầu hết các chuyên gia dự hội thảo không tán thành vì như vậy là quay lại Nhà nước ngồi tính giá hộ doanh nghiệp. Việc tính toán lời lỗ ra sao là của doanh nghiệp và do quy luật cung cầu quyết định. Vậy thì vai trò của Nhà nước là gì? Nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước là tạo điều kiện cho doanh nghiệp cạnh tranh theo quy luật thị trường. Vấn đề ở đây không phải cho bao nhiêu doanh nghiệp cạnh tranh mà phải tạo cơ chế để họ cạnh tranh lành mạnh. Đơn cử, mấy năm gần đây, chỉ cần có ba, bốn công ty dịch vụ viễn thông vào cuộc là đã cạnh tranh “nảy lửa” rồi. Trong khi đó, mặc dù có tới 11 đầu mối nhập khẩu xăng dầu mà vẫn chưa thấy cạnh tranh thực sự. Thời hạn cam kết WTO chấm dứt cơ chế phi thị trường của nước ta không còn xa. Nếu không có lộ trình triệt để, quyết liệt thì khó thực hiện đúng cam kết.

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=59834&channelid=3