Thời khắc tiền nhậm chức đầy gian nan của Trump

Khi tỷ lệ ủng hộ của người dân không cao, Trump sẽ phải chứng tỏ được khả năng hàn gắn đất nước trong bài diễn văn nhậm chức.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh:AP

Donald Trump ngày 20/1 sẽ tuyên thệ và có bài phát biểu nhậm chức quan trọng để chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Bằng bài diễn văn này, ông Trump sẽ phải truyền tải được một thông điệp lớn để có thể thu hút sự ủng hộ của người dân, cũng như hàn gắn nước Mỹ trong thời khắc chia rẽ nhất, theo LA Times.

Không như những người tiền nhiệm, Trump đang phải trải qua thời kỳ tiền nhậm chức không mấy ngọt ngào, khi tỷ lệ ủng hộ ông trong những ngày sắp bước vào Nhà Trắng đang ở mức thấp kỷ lục.

Thông thường đa số người Mỹ sẽ dành thiện cảm cho tổng thống sắp nhậm chức. Chẳng hạn như vào năm 2001, Tổng thống George W. Bush đã giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân trong giai đoạn sắp tuyên thệ, mặc dù trước đó ông đã để thua đối thủ về số phiếu phổ thông.

Trump không làm được như vậy. Cuộc thăm dò của CNN hôm thứ ba cho thấy chỉ có 40% dân Mỹ cho rằng ông đã thể hiện tốt vai trò của một tổng thống đắc cử, kém xa tỷ lệ 61% của ông Bush năm 2001 hay 84% của ông Barack Obama năm 2009.

Cuộc thăm dò này cho thấy ông Trump thực sự đã mất đi một bộ phận người ủng hộ trong giai đoạn tiếp nhận quyền lực, trái ngược với những gì xảy ra với các tổng thống tiền nhiệm. Hồi tháng 11, khi Trump bắt đầu xây dựng đội ngũ quyền lực của mình, tỷ lệ ủng hộ của ông ở mức 46%, chứng tỏ khoảng 6% đã rời bỏ ông chỉ trong chưa đầy ba tháng.

Phản ứng của Trump với cuộc khảo sát này, như thường lệ, chỉ là tuyên bố trên Twitter rằng chúng "đã bị dàn xếp". Tuy nhiên, những gì ông đã làm trong giai đoạn tiếp nhận quyền lực từ chính quyền Obama có thể phần nào lý giải cho sự sụt giảm trong tỷ lệ ủng hộ, theo cây bút Doyle McManus.

Tỷ lệ ủng hộ Trump tăng lên sau ngày bầu cử, với những lời hứa hẹn của ông vào đêm bỏ phiếu rằng sẽ "hàn gắn vết thương chia rẽ", cũng như sau khi ông thỏa thuận được với một tập đoàn để giữ lại 800 việc làm ở nhà máy sản xuất tại bang Indiana.

Nhưng kể từ đó, Trump lại áp dụng phong cách bạo miệng từ thời kỳ tranh cử của mình, khi liên tục tung ra những lời công kích cá nhân trên Twitter nhắm vào những người chỉ trích, từ nghị sĩ John Lewis cho tới diễn viên Meryl Streep. Những tin tức về giai đoạn chuyển giao quyền lực của Trump chỉ tập trung vào tranh cãi xung quanh thiện cảm mà ông dành cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, chứ không phải lời hứa tạo thêm việc làm của ông.

Đoàn biểu tình đầu tiên ở Washington D.C. phản đối Trump trước lễ nhậm chức

Những thách thức này khiến bài diễn văn nhậm chức của Trump sẽ phải gánh vác trách nhiệm chính trị nặng nề. Đó không chỉ là cơ hội để tân tổng thống đặt ra các mục tiêu của mình trong nhiệm kỳ, mà còn là cơ hôi để lôi kéo, thuyết phục những cử tri hoài nghi và khơi lại tiếng nói hòa giải mà ông từng cất lên trong đêm bầu cử.

Tấm gương từ Nixon

Có những dấu hiệu cho thấy Trump rất muốn làm điều này. "Chỉ đạo của ông ấy là: Chiến dịch tranh cử đã qua, tôi giờ là tổng thống của mọi người", chủ tịch ủy ban nhậm chức Tom Barrack nói với các phóng viên. "Tôi muốn các bạn kết nối và gắn bó trở lại. Tôi muốn hàn gắn vết thương và quay trở lại làm việc".

Theo McManus, ông Trump có thể làm được điều này nếu biết học hỏi từ bài phát biểu nhậm chức của cựu tổng thống Richard Nixon vào năm 1969, người đã trải qua giai đoạn đắc cử đầy gian nan tương tự như Trump.

Nixon giành chiến thắng trong cuộc bầu cử với chỉ 43% phiếu phổ thông, trong bối cảnh nước Mỹ đang chia rẽ sâu sắc vì cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Ông nhận ra rằng những gì nước Mỹ muốn là sự đoàn kết chứ không phải chia rẽ, nên bài diễn văn nhậm chức của ông đầy những từ ngữ hàm ơn và rộng lượng, trái ngược với văn phong thường thấy của tổng thống thứ 37 này.

Tổng thống thứ 37 của Mỹ Richard Nixon. Ảnh:AP

"Khi lắng nghe các thiên sứ trong tâm hồn, ta nhận ra rằng họ ca ngợi những điều đơn giản, những thứ cơ bản, như lòng tốt, sự đoan chính, tình yêu và sự tử tế", Nixon nói trong lễ nhậm chức. "Hạ giọng là một điều đơn giản. Trong những năm tháng đầy khó khăn này, nước Mỹ đang trải qua cơn sốt ngôn từ, từ giọng điệu lên gân hứa hẹn nhiều hơn thực hiện, từ giọng điệu giận dữ đẩy những người bất đồng vào thù ghét, từ giọng điệu trù dập được tung ra thay cho thuyết phục. Chúng ta không thể học hỏi lẫn nhau nếu không ngừng quát tháo nhau".

Theo John Farrell, tác giả cuốn tiểu sử của Nixon, bài diễn văn này đã giúp Nixon bắt đầu nhiệm kỳ của mình với tâm trạng tốt đẹp. "Ông ấy đã rất nghiêm túc trong nỗ lực xây dựng bản thân như một người hòa giải", Farrell nói. "Điều đó đã đem lại quãng thời gian ngọt ngào cho ông ấy".

Farrell cho rằng Trump có rất nhiều điểm tương đồng với Nixon, một người được cho là rất bạo miệng. "Nixon luôn hướng vào tầng lớp lao động và trung lưu của Mỹ, những người ông ấy gọi là kẻ bị quên lãng", Farrell nói. "Ít nhất đó là điểm tương đồng với Trump".

Nếu Trump học hỏi được từ Nixon, ông sẽ trở thành một người hoàn toàn khác trong lễ nhậm chức, dù sau đó ông có thể không thực hiện được những lời kêu gọi trong bài diễn văn, giống như Nixon trở lại với giọng điệu quen thuộc của mình sau khi vào Nhà Trắng, McManus nhận định.

"Chúng ta đang chứng kiến Trump đấu tranh giữa hai bản năng: thôi thúc người dân Mỹ đoàn kết phía sau mình và nỗi khát khao tấn công những người chỉ trích. Cuộc giằng co đó sẽ không thể được giải quyết trong ngày nhậm chức, dù ông đưa ra giọng điệu nào đi nữa", McManus nhấn mạnh.

VnExpress

Tổng thống thứ 37 của Mỹ Richard Nixon. Ảnh:AP

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/quoc-te/thoi-khac-tien-nham-chuc-day-gian-nan-cua-trump-32497.html