Thói quen đọc sách đã trở lại

Đà Nẵng đang thực hiện nhiều dự án để mang thói quen đọc sách trở lại với người dân, đặc biệt là lớp trẻ. Bên cạnh những dự án xã hội hóa, giới trẻ thích chiếm lĩnh tri thức bằng cách "sống chậm" truyền thống đã không ngần ngại bỏ smartphone vào túi để tìm đến những không gian tĩnh, chỉ có cà-phê và sách. Thư viện thành phố cũng "ấm" trở lại.

Tắt smartphone để đọc sách

Sau hơn 2 năm hoạt động, tủ sách thuộc Câu lạc bộ đọc sách miễn phí cho sinh viên tại Ký túc xá phía tây TP Đà Nẵng đã "gom" về gần 1.000 đầu sách để đón bạn đọc, hầu hết là sinh viên vào mỗi dịp cuối tuần. Giữa không gian ồn ào của phố xá, sân Ký túc xá phía tây nằm trên địa bàn P. Hòa Khánh Nam, Q. Liên Chiểu tạo nên một khung cảnh như chúng ta vẫn thường thấy cách đây hàng chục năm ở những giảng đường hay thư viện trường đại học. Sách chưa đa dạng nhưng đủ đáp ứng nhu cầu của những người tìm đến đây.

Trần Văn Ngôn - chuyên viên Phòng Công tác sinh viên của Ký túc xá TP Đà Nẵng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ đọc sách miễn phí cho sinh viên, tâm sự, sau khi ra trường, gánh nặng áo cơm đã khiến anh lâm vào trạng thái stress trong một thời gian dài. Mọi việc bắt đầu thay đổi khi anh đọc những dòng đầu tiên của cuốn sách "Quẳng gánh lo đi và vui sống" của nhà văn Dale Carnegie trên mạng. Khi được nhận vào làm việc tại Ký túc xá TP Đà Nẵng, Ngôn thầm cảm ơn một cuốn sách đã tạo ngã rẽ cho cuộc sống của mình và bắt đầu ấp ủ ý tưởng thành lập câu lạc bộ về sách và lôi kéo các bạn sinh viên trở lại với phòng đọc, với sách thay vì ôm khư khư máy tính hay smartphone.

Bạn đọc đã trở lại thư viện rất đông đúc trong vài năm trở lại đây.

"Từ vài chục cuốn ban đầu, đến nay, các tình nguyện viên trong CLB đã săn tìm, kêu gọi quyên góp được hơn khoảng 1.000 đầu sách với rất nhiều thể loại. Thật vui vì thấy mình đã góp phần mang tri thức đến với bạn bè. Vui hơn vì lượng người đọc tại chỗ và mượn sách về ngày một nhiều. Tôi vẫn hay khuyên các bạn mỗi tuần hãy dành một thời gian nào đó tắt nguồn smartphone để lật những trang sách. Đó có thể là thứ các bạn đang cần trong hiện tại và có thể nó rất quý trong tương lai, không những là tri thức, đó còn là tâm hồn", Ngôn chia sẻ. Cũng theo Ngôn, mong muốn của Câu lạc bộ "phi lợi nhuận" này là trong tương lai, tủ sách sẽ còn đến với các mái ấm tình thương, học sinh nghèo ở các địa phương miền núi.

Khác với việc "đi xin tri thức để cho tri thức" như Câu lạc bộ đọc sách miễn phí cho sinh viên, mô hình công viên - cà-phê sách trị giá 1 tỷ đồng tại Q. Sơn Trà do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc tài trợ là một không gian mở hơn cho cộng đồng. Dù được thực hiện đấu thầu để chọn ra người quản lý và kinh doanh nhưng công trình với diện tích 103,5m2, với 2 hạng mục cà-phê, phòng đọc sách sẽ vận hành với sự giám sát của cộng đồng. Theo UBND Q. Sơn Trà, mô hình này được áp dụng theo hình thức và kinh nghiệm quy hoạch, xây dựng của Hàn Quốc, có tính bền vững, thời gian sử dụng lâu dài. Mục tiêu hướng đến là tạo một công viên - cà-phê sách phục vụ cộng đồng đầu tiên của quận, sau đó sẽ nhân rộng trên địa bàn để nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Trong bối cảnh thiết bị nghe nhìn phục vụ tối đa nhu cầu con người, một cú nhấp mở ra cả kho tư liệu thì nhiều quán cà-phê sách vẫn chung thủy với một bộ phận người đọc coi cà-phê và sách là hai thứ tài sản khơi nguồn sáng tạo. Giới trẻ mê đọc sách ở Đà Nẵng rất nhiều người biết đến "mọt sách" Nguyễn Thị Quỳnh Linh. Cô chủ quán cà-phê Reading Corner tại số 103-Nguyễn Hữu Thọ vốn trầy trật với các "dự án" sách hàng chục năm nay nhưng lại sở hữu khối tài sản đồ sộ là các thể loại sách. Điều đặc biệt mà quán hiện đang sở hữu là những phiên chợ sách, nơi mà mọi người có thể trao đổi, chia sẻ và "làm giàu" cho nhau bằng những cuốn sách hay. "Chợ sách cũng là thời điểm để người ta có thể trở nên rất hào phóng để chia sẻ tri thức cho nhau. Chúng tôi tin rằng trong sâu thẳm chúng ta vẫn luôn mơ ước về một góc an tĩnh cho riêng mình. Chúng tôi quan niệm mình đã giúp một tay, giữ một chút lửa, một chút ước mơ về một góc đọc", Linh tâm sự.

Tại rất nhiều quán cà-phê, thói quen đọc sách có vẻ đang trở lại.

Bạn trẻ tham gia phiên chợ sách tại quán cà-phê trên đường Nguyễn Hữu Thọ.

Sẽ có những "thư viện mở"

Đầu tháng 3 vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng đã có văn bản kêu gọi xã hội hóa đầu tư dự án Vườn sách Đà Nẵng. Với mục tiêu xây dựng mới vườn sách Đà Nẵng nhằm tạo không gian văn hóa mở, phục vụ cho các hoạt động văn hóa, tạo thói quen đọc sách, qua đó cổ vũ cho tri thức, thúc đẩy văn hóa đọc phát triển, UBND TP Đà Nẵng đã đồng ý phê duyệt vị trí vườn sách Đà Nẵng tại P. Thạch Thang (Q. Hải Châu) với quy mô quy hoạch hơn 1.900m2. Ranh giới quy hoạch phía bắc giáp đường vào thành Điện Hải, phía nam giáp với sân tennis, phía đông giáp với đường Bạch Đằng và phía tây giáp đường Trần Phú.

Theo ông Phạm Hồng Thái - Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng, bên cạnh dự án vườn sách, UBND TP cũng đã Quyết định phê duyệt Đề án "Xây dựng Thư viện công cộng đến năm 2020" với tổng kinh phí hơn 18 tỷ đồng. Từ năm 2015 đến nay, thành phố đã tập trung phát triển hệ thống thư viện, tạo dựng văn hóa đọc cho người dân Đà Nẵng. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển hiện tại, cũng như nhu cầu về sách và tư liệu của người dân thì hệ thống thư viện trên địa bàn chưa thật sự đáp ứng yêu cầu. Chính vì vậy, UBND TP Đà Nẵng quyết định xây dựng và phát triển hệ thống thư viện trên địa bàn trở thành hệ thống thư viện điện tử công cộng, phục vụ người dân.

Theo Đề án, đến năm 2018, Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng sẽ trở thành thư viện công cộng điện tử hàng đầu cả nước. Từ năm 2017, mỗi người dân Đà Nẵng sẽ có 0,5 bản sách (kể cả sách điện tử), 20% dân số sử dụng dịch vụ thư viện và bổ sung gần 20.000 bản sách, đầu báo tạp chí cũng như kết nối hệ thống mạng dữ liệu với tất cả các thư viện trên địa bàn. Đến năm 2020, hệ thống thư viện trên toàn thành phố đảm bảo mỗi người dân Đà Nẵng có 0,8 bản sách trong thư viện công cộng, 50% dân số thành phố sử dụng dịch vụ của thư viện với mục tiêu mỗi năm bổ sung 16.000 bản sách báo giấy, 2.000 đầu sách điện tử, 235 đầu báo-tạp chí, luân chuyển 450.000 lượt bạn đọc/900.000 lượt luân chuyển tài liệu. Hiện thư viện điện tử đã được hoàn thành và đưa vào hoạt động.

Khi sở hữu thẻ thư viện điện tử, bạn đọc có thể truy cập kho sách, thực hiện việc đọc sách, mượn sách và trả sách trực tuyến mà không cần phải đến phòng đọc. Đặc biệt là có thể truy cập các kho dữ liệu tại bất cứ đâu thông qua tài khoản mà thư viện cung cấp. Đây là một thư viện mở tiện ích cho mọi đối tượng người đọc. "Với sự đầu tư mạnh mẽ, tạo ra những "thư viện mở", những không gian đọc sách đa dạng, tôi tin văn hóa đọc sẽ trở lại với mọi tầng lớp nhân dân", ông Thái tin tưởng.

Công Khanh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_163424_thoi-quen-doc-sach-da-tro-lai.aspx