Thống đốc Lê Minh Hưng: Sợ áp lực xử lý ngân hàng yếu, nhiều cán bộ xin nghỉ việc

Luật các tổ chức tín dụng 2010 không quy định miễn trách nhiệm pháp lý cho cán bộ tham gia xử lý ngân hàng yếu kém đã gây áp lực, khiến họ có tâm lý sợ rủi ro.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Lê Minh Hưng nêu thực tế khi thừa ủy quyền Chính phủ trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật các tổ chức tín dụng chiều 22/5.

Báo cáo trước Quốc hội, Thống đốc cho biết, sở hữu, sở hữu chéo, nhóm cổ đông, chi phối đã từng bước được kiểm soát nhưng trong thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Một số tổ chức tín dụng vẫn còn tình trạng cổ đông là tổ chức sở hữu trên 15% vốn điều lệ, cổ đông và người có liên quan sở hữu trên 20% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng...

"Rất khó phát hiện và kiểm soát với trường hợp cố tình sở hữu hộ hoặc sở hữu che giấu qua nhiều chủ thể", Thống đốc nói.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, do không có cơ chế miễn trừ trách nhiệm nên trước áp lực xử lý ngân hàng yếu kém nhiều cán bộ được giao nhiệm vụ xin nghỉ việc.

Song song đó, do Luật các tổ chức tín dụng 2010 chưa có quy định trao quyền cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện quyền yêu cầu giải thể bắt buộc đối với tổ chức tín dụng yếu kém không có khả năng phục hồi; cũng như cơ chế miễn trừ trách nhiệm với cán bộ được cử tham gia xử lý ngân hàng yếu kém nên đã gây tâm lý e ngại, sợ rủi ro.

"Thực tế không ít cán bộ xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác khi được giao thực hiện nhiệm vụ xử lý các ngân hàng yếu kém", Thống đốc Lê Minh Hưng nêu.

Theo ông, đây là một trong số nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, cần được sửa đổi, bổ sung trong dự luật lần này.

Quan điểm cần có cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho cán bộ tham gia xử lý ngân hàng yếu kém cũng nhận được đồng thuận từ Ủy ban Kinh tế - cơ quan được giao thẩm tra dự luật này.

Tuy nhiên, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lưu ý, để tránh việc lạm dụng và đề cao trách nhiệm người được giao tham gia cơ cấu lại ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, dự luật sửa đổi cần làm rõ phạm vi, điều kiện cụ thể sẽ được miễn trách nhiệm pháp lý... trong mối tương quan thống nhất với các luật khác như Luật cán bộ, công chức; Luật phòng, chống tham nhũng; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...

Về xử lý nợ xấu trong hoạt động ngân hàng, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, 4 năm qua (2012 - 2016) toàn hệ thống đã xử lý được hơn 611.000 tỷ đồng nợ xấu. Đến cuối 2016, VAMC đã cùng với các ngân hàng xử lý được 50.139 tỷ đồng nợ xấu trong tổng số 245.924 tỷ nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt...

Theo Anh Minh/VnExpress

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/thi-truong/thong-doc-le-minh-hung-so-ap-luc-xu-ly-ngan-hang-yeu-nhieu-can-bo-xin-nghi-viec-178519/