Thông tin giả suýt khiến Pakistan và Israel đụng binh

Thông tin giả trên Internet hiện đang bị chính quyền nhiều quốc gia trên thế giới xem như một thứ “bệnh dịch” nguy hiểm. Mới đây, một câu chuyện không có thật như vậy đã dẫn tới khả nguy cơ cận kề xảy ra chiến tranh hạt nhân giữa Pakistan và Israel vào thời điểm trước thềm Giáng sinh.

Một đoạn tin giả mạo trên mạng xã hội bị hãng CBS phanh phui mới đây. (Nguồn: CBS).

Trong một bài viết được hãng AWDNews đăng tải trong hôm 20/12 vừa qua, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon được trích dẫn lời khi nói đe dọa rằng sẽ tiêu diệt Pakistan nếu như nước này gửi binh sỹ tới Syria.

“Chúng tôi sẽ tiêu diệt họ bằng một cuộc tấn công hạt nhân” - hãng tin AWDNews dẫn lời ông Yaalon nói, trong khi không hề có chứng cứ nào cho thấy vị cựu quan chức này từng phát ngôn như vậy.

Tai hại hơn, ngay sau khi nhận được thông tin trên, Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khawaja Asif đã đưa ra phản ứng của mình trước thông tin giả mà ông đã nghĩ là thật trên tài khoản Twitter cá nhân của mình, trong đó cảnh báo rằng Israel không phải là cường quốc hạt nhân duy nhất trên thế giới.

“Israel đã đe dọa đáp trả bằng hạt nhân nếu như Pakistan đóng vai trò trong cuộc chiến chống lại phiến quân IS trên lãnh thổ Syria. Israel đã quên rằng Pakistan cũng là một nhà nước hạt nhân” - ông Asif đưa ra phản ứng của mình trong hôm 23/12.

Và chỉ sau đó có một ngày, Bộ Quốc phòng Israel cũng đưa ra lời phản ứng của họ trên Twitter, nhấn mạnh với ông Yasif rằng tuyên bố của ông Yaalon được trích dẫn trên AWDNews là hoàn toàn không có thật.

“Tuyên bố mà cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yaalon đưa ra liên quan tới Pakistan là điều chưa từng xảy ra” - Bộ Quốc phòng Israel viết trên tài khoản Twitter của họ - “Các bài viết mà Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan đề cập tới là hoàn toàn sai sự thật”.

Sau khi nhận được lời giải thích này, vào đêm Giáng sinh, Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Asif đã đưa ra câu trả lời một lần nữa trên mạng xã hội, nói rằng chương trình hạt nhân của họ chỉ nhằm mục đích “ngăn chặn để bảo vệ sự tự do của chúng tôi”.

“Chúng tôi luôn mong muốn cùng chung sống trong hòa bình, cả trong khu vực của chúng ta và hơn thế nữa” - ông Asif có viết.

Hiểm họa từ thông tin giả mạo

Trong vài tháng gần đây, một số lượng lớn các thông tin giả mạo lan tràn trên Internet thường xuyên trở thành các tin giật gân, hút khách, và gây ảnh hưởng tới rất nhiều sự kiện thực tế diễn ra trên khắp thế giới.

Một trong số những vụ việc đáng chú ý nhất chính là việc đảng Dân chủ Mỹ cáo buộc các thông tin giả mạo đã giúp ông Donald Trump giành chiến thắng trong kỳ bầu cử Tổng thống 2016 vừa qua. Hồi đầu tháng, tức một tháng sau khi thất bại, bà Hillary Clinton đã lên tiếng về sự việc, gọi thông tin già là “một thứ bệnh dịch”.

“Đây không phải vấn đề chính trị hay lưỡng đảng. Cuộc sống của chúng ta đang bị đe dọa, cuộc sống của những người dân bình thường đang cố gắng làm công việc của họ, đóng góp cho cộng đồng đang bị đe dọa” - bà Clinton nói về mối đe dọa thông tin giả tràn lan trong một sự kiện tổ chức tại Washington.

Chỉ vài ngày trước khi sự kiện đó được tổ chức, một người đàn ông đã bị bắt giữ cùng một khẩu súng trường tấn công tại nhà hàng pizza Comet Ping Pong, Washington DC chỉ vì bị cáo buộc trong một số câu chuyện giả mạo trên Internet rằng ông có dính líu tới một đường dây hoạt động mại dâm trẻ em.

Không chỉ ở Mỹ, thông tin giả cũng bị nhiều chính phủ các nước phương Tây coi như một vấn nạn sau hàng loạt các sự kiện “giả đánh bại thật”.

Hàng loạt các thông tin giả mạo mới đây, từ thông tin cho rằng Thủ tướng Angela Merkel từng là cảnh sát mật của Đông Đức, cho tới thông tin cho rằng bà là con gái của Adolf Hitler… đã cho thấy nước Đức dễ bị tổn thương bởi thông tin giả mạo như thế nào.

Vụ thông tin giả gây chấn động nhất tính đến nay ở Đức có lẽ là một bài viết hồi đầu năm kể rằng một bé gái 13 tuổi gốc Nga, còn được biết tới là Lisa F, đã bị cưỡng hiếp bởi những người tị nạn đến từ Trung Đông. Câu chuyện này nhanh chóng được giới truyền thông Nga và Đức dẫn lại, trong đó cho rằng cô bé đã bị bắt cóc trên đường tới trường và cưỡng hiếp tập thể.

Hóa ra vụ tấn công này chỉ là thông tin giả, sau khi được cảnh sát trưởng Berlin làm rõ. Theo văn phòng công tố Berlin, cô bé này đã ở cùng với một người quen suốt 30 giờ đồng hồ, và các cuộc khám nghiệm cho thấy cô bé không hề bị làm tổn hại tới cơ thể.

Tại Italy, kiểu thông tin tuyên truyền sai sự thật này cũng gây quan ngại đặc biệt đối với chính phủ. Mới đây nhất, một tài khoản Twitter bí ẩn có tên “Beatrice di Malio” liên tục đưa ra các thông tin giả mạo nhằm làm mất uy tín chính phủ của ông Matteo Renzi - người mới đây đã từ chức sau cuộc trưng cầu dân ý.

Ngoài ra, các thành viên trong đảng Dân chủ của ông Renzi cũng từng phàn nàn về một số website tung tin giả mà đứng đằng sau là Phong trào 5 Sao, tổ chức được cho là đã tung ra vô số các thông tin tuyên truyền hòng làm mất uy tín của chính phủ nước này.

Vào ngày 15/12 vừa qua, mạng xã hội Facebook đã tuyên bố sẽ khởi động các kế hoạch nhằm chống lại thông tin giả mạo đăng tải trên các tài khoản của họ, trong đó cho ra mắt chế độ “dán nhãn” đối với các thông tin sai sự thật.

Linh Chi

Từ khóa

Pakistan Israel Thông tin giả chiến tranh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/thong-tin-gia-suyt-khien-pakistan-va-israel-dung-binh/143733