Thông tin kinh tế và phát triển bền vững

Nhấn mạnh vai trò của thông tin đối với doanh nghiệp và cơ quan quản lý, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên cho rằng phát triển bền vững là mục tiêu quan trọng nhất đối với kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Thời gian gần đây, vấn đề phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường được dư luận đặc biệt quan tâm. Và không ít sự việc sức “căng” đã bị đẩy lên quá mức, thậm chí gây hoang mang không đáng có. Tình trạng này có nguyên nhân từ cả hai phía: Phía doanh nghiệp chưa nhận thấy việc cung cấp đầy đủ thông tin về dự án cho xã hội là trách nhiệm của mình. Phía cơ quan quản lý nhà nước lại bị động trước yêu cầu thông tin của xã hội nên xử lý vấn đề còn lúng túng. Mặt khác, việc đưa thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng đa phần còn một chiều, theo suy nghĩ chủ quan chứ chưa đặt vấn đề vào đúng vị trí và mối tương quan phát triển kinh tế - xã hội trong nước và hội nhập quốc tế toàn diện hiện nay. Xin đơn cử một ví dụ về khai thác tài nguyên khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế của đất nước. Chúng ta đều biết để có được cơ ngơi kinh tế và vị thế như ngày nay, các nước thuộc nhóm G7 đã có gần 300 năm tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong quá trình phát triển đó, nhiều diễn biến tương tự về yêu cầu xử lý mối quan hệ giữa phát triển và bảo tồn tự nhiên đã xảy ra và được xử lý. Ngay từ những năm đầu thế kỷ 18, một nhà quản lý mỏ than tại vùng Sachsen (CHLB Đức), Hans-Carl von Carlowitr trong luận án năm 1713 của mình, đã phát hiện ra mối liên hệ giữa sự gia tăng nhu cầu về gỗ đối với công nghiệp hầm mỏ dẫn đến việc phá rừng. Một kết luận được đưa ra là phải kết hợp mục tiêu tăng trưởng kinh tế với tốc độ hợp lý, phù hợp với việc sử dụng rừng dài hạn. Hay nói cách đơn giản là lượng gỗ khai thác không được vượt quá tỷ lệ sinh trưởng của cây rừng. Vào thời điểm này, quá trình tích lũy tư bản trên thế giới đang diễn ra rất khẩn trương trên cơ sở một xã hội thông tin chưa phát triển. Vì vậy, người làm công tác quản lý nhà nước vẫn ưu tiên cho khai thác mỏ. Ý tưởng phát triển bền vững lại một lần nữa xuất hiện vào cuối thế kỷ 20 trong lĩnh vực đánh bắt cá đại dương. Sau nhiều thập kỷ tận dụng thành tựu khoa học kỹ thuật về đóng tàu, về điện tử, ngành đánh bắt cá đã không ngừng nâng cao sản lượng khai thác từ biển nhưng đi kèm theo đó là chi phí cho 1kg cá đánh bắt được ngày càng cao do chi phí chuyến đi ngày càng lớn, lượng cá ngày càng giảm. Vào những năm của thập kỷ 80, các cường quốc đánh bắt cá đại dương đã phải nhóm họp lại và ký thỏa thuận: Việc đánh bắt cá phải dựa vào quá trình sinh sản của nguồn cá để đảm bảo sản lượng khai thác tối đa dài hạn. Qua 2 ví dụ ở hai thời điểm cách nhau gần 300 năm với những ngành nghề, bối cảnh xã hội cũng như trình độ khoa học công nghệ, thông tin (báo giấy so sánh với truyền hình) khác nhau, một kết luận chung theo góc nhìn của người nghiên cứu kinh tế là: Phát triển kinh tế phải từ tiền lãi chứ không được tiêu lạm vào vốn gốc. Và như vậy, một vấn đề được đặt ra cần được làm rõ: Giới hạn của điểm hòa vốn trong đầu tư phát triển được xác định như thế nào? Điểm hòa vốn đó có thay đổi theo sự phát triển của xã hội không? Nếu cùng một loại hình sản xuất thì điểm hòa vốn trong xã hội thông tin bằng truyền hình có khác trong xã hội thông tin mạng không? Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế thì câu trả lời là có sự khác nhau. Sự phát triển của truyền hình đã làm phân hóa nội bộ nước Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, khi người dân Mỹ hàng ngày thấy cảnh con em mình đốt nhà, sát hại thường dân trong cuộc chiến gọi là bảo vệ nước Mỹ ở nơi cách họ nửa vòng trái đất. Ngày nay, khi mạng Internet phát triển thì sự tác động ngày càng lớn. Vụ bạo động tại Tân Cương – Trung Quốc vừa qua được phát động dựa trên một thông tin sai lệch, được sử dụng với ý đồ xấu luôn nhắc nhở chúng ta phải đặt vấn đề trao đổi trong mối quan hệ biện chứng của nó. Với xuất phát điểm như vậy cần tập trung hướng nghiên cứu để trả lời câu hỏi về điểm hòa vốn đã nêu ở trên. Ở nước ta, 26 nhóm chỉ tiêu hàng năm được Quốc hội thông qua chia thành ba nhóm: kinh tế, xã hội và môi trường. Điều đó chứng tỏ rằng chúng ta đã có ý thức tiếp thu kinh nghiệm của các nước đi trước để vận dụng vào điều kiện cụ thể của nước ta: Đất nước đang thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh công nghệ cũ – công nghệ tiên tiến đan xen ở trong nước, hội nhập quốc tế sâu rộng qua công nghệ thông tin và hoạt động xuất nhập khẩu. Với ba nhóm vấn đề kinh tế, xã hội, sinh thái (bao gồm cả vấn đề môi trường) theo quan điểm tác giả bài viết này cần được lượng hóa các yếu tố và sự tác động tương tác của các nhóm vấn đề này theo mô hình sau: Theo mô hình tam giác này giúp cho người ra quyết định đầu tư nhận rõ mình đang xử lý vấn đề theo hướng ưu tiên nào để cung cấp thông tin cho xã hội, thông qua đó xã hội giám sát lại hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Ví dụ việc tiến hành xây dựng một tuyến quốc lộ có thể sẽ làm suy giảm tài nguyên thiên nhiên nhưng nó lại tạo ra nhiều vốn vật chất và tinh thần hơn cho cư dân sử dụng con đường đó. Sự phân tích như thế khi áp dụng vào mô hình tam giác phát triển ở trên cho thấy dự án làm đường đáp ứng được hai chỉ tiêu về phát triển kinh tế và xã hội. Và lúc này vai trò của người quản lý xuất hiện để giám sát, kiểm kê thường xuyên nguồn tài nguyên rừng trong trạng thái cân bằng mới, tạm gọi là bền vững yếu của môi trường sống. Với phương pháp tư duy như vậy, chúng ta có thể xác định được nguyên tắc phát triển bền vững thông qua một chỉ tiêu là khí thải như mô hình sau: Với mỗi đỉnh của tam giác này có một yêu cầu riêng: - Với phát khí thải: Yêu cầu đặt ra là lượng khí thải của toàn bộ nền kinh tế không được vượt quá khả năng hấp thu của hệ sinh thái của quốc gia. - Với tài nguyên tái tạo thì yêu cầu mức tiêu thụ nhỏ hơn khả năng tái tạo hay nói cách khác cầu phải nhỏ hơn cung. - Với tài nguyên không tái tạo thì việc sử dụng phải gắn liền với nghiên cứu tài nguyên thay thế và không được phá vỡ cân bằng sinh thái tự nhiên. Với cách lý giải như vậy, trong từng vấn đề lại tiếp tục xác định rõ yếu tố định lượng để xây dựng kế hoạch hằng năm, 5 năm như: Nhập khẩu công nghệ nào, số lượng bao nhiêu, trồng bao nhiêu rừng, giữ bao nhiêu nước,… Qua một vài vấn đề vừa đặt ra để cùng trao đổi, xử lý thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong một xã hội đang được “số hóa” một cách nhanh chóng. Trước các vấn đề đặt ra của cuộc sống ngày càng sôi động, hy vọng các doanh nghiệp, người làm công tác quản lý nhà nước cùng phối hợp để xử lý theo hướng bền vững.

Nguồn Vinacorp: http://vinacorp.vn/news.aspx/detail/379726/thong-tin-kinh-te-va-phat-trien-ben-vung