Thông tin “thuốc đấu thầu giá rẻ, chất lượng kém” là không chính xác

Giá nhiều mặt hàng thuốc đấu thầu vào bệnh viện trong thời gian qua đã giảm nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, thông tin về giá thuốc đấu thầu vào bệnh viện giảm lại khiến dư luận lo ngại về chất lượng điều trị. Về vấn đề này, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã khẳng định thuốc đấu thầu vào bệnh viện luôn đảm bảo chất lượng.

ía nhiều mặt hàng thuốc đấu thầu vào bệnh viện giảm được chứng minh qua những con số tưởng như khô khan, nhưng lại thể hiện được nhiều mặt ưu điểm của việc thực hiện đấu thầu thuốc theo hướng dẫn mới: Chỉ riêng 20 mặt hàng có tỷ trọng sử dụng cao trong đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế (chiếm 30% trị giá thuốc trúng thầu tại các bệnh viện) của 7 tỉnh thành phố đã giảm được 115,49 tỷ đồng (giảm 28%) so với các mặt hàng này năm 2012...

Tiết kiệm giảm ngân sách

Cụ thể, Sở Y tế Quảng Ngãi tiết kiệm 28 tỷ đồng (giảm 24%), Quảng Ninh giảm 40 tỷ đồng (20%), Hà Tĩnh giảm 32 tỷ đồng (25%), Hậu Giang giảm 57 tỷ đồng (31%)... Báo cáo nhanh của Cục Quản lý Dược về tình hình thực hiện đấu thầu thuốc theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 19/1/2012 (hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế) cũng cho biết thêm, nhiều thuốc giảm rất mạnh, có thuốc giảm tới gần 166%. Qua khảo sát tại 7 tỉnh, thành phố một số thuốc thực hiện đấu thầu theo hướng dẫn mới đã cho kết quả như: levofloxacin 500mg/100mg năm 2012, các cơ sở mua 8 mặt hàng với 5,249 tỉ đồng/36.563 viên, năm 2013 mua 9 mặt hàng với 5,613 tỉ đồng/52.530 viên (tiết kiệm được 34,43% chi phí sử dụng); kháng sinh imipenem + cilastatin (500mg + 500mg) năm 2012 mua 8 mặt hàng với 4,948 tỉ/17.567 lọ, năm 2013 mua 7 mặt hàng với 11,984 tỉ đồng/57.500 lọ (tiết kiệm 35,15% chi phí sử dụng)...

Người bệnh được hưởng lợi từ giá thuốc hợp lý và bảo đảm chất lượng. Ảnh: Trần Minh

Thông tin từ Cục Quản lý Dược cũng cho thấy, khảo sát kết quả trúng thầu của các đơn vị trong năm 2012 và năm 2013 có 120 mặt hàng thuốc Ấn Độ và 15 mặt hàng thuốc Trung Quốc cùng tên thương mại, dạng bào chế, nồng độ hàm lượng, nhà sản xuất (cùng là một thuốc) trúng thầu ở cả hai năm, tuy nhiên trong đó 77 mặt hàng thuốc Ấn Độ, 9 mặt hàng thuốc Trung Quốc giảm giá mạnh so với kết quả năm 2012 với rất nhiều mặt hàng có mức giảm từ 20% đến 166% so với mức giá trúng thầu năm 2012 (46/135 mặt hàng chiếm 34%). Trong số đó, số lượng mặt hàng có tăng giá so với năm 2012 chỉ có 12/135 mặt hàng (chiếm 8,8%), còn lại là các mặt hàng giữ nguyên giá so với năm 2012.

Sửa đổi, bổ sung để việc đấu thầu thuốc hoàn thiện hơn

Theo ông Nguyễn Việt Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, việc triển khai thực hiện tốt các quy định về đấu thầu thuốc theo hướng dẫn mới sẽ đảm bảo công tác đấu thầu mua thuốc tuân thủ đúng các nguyên tắc, quy định của Luật Đấu thầu và góp phần vào việc lựa chọn các thuốc đảm bảo chất lượng với chi phí hợp lý, tiết kiệm chi phí tiền thuốc cho các cơ sở y tế, người bệnh và ngân sách nhà nước cũng như quỹ BHYT. Đánh giá về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Văn Truyền cho rằng, với cơ chế đấu thầu này chúng ta quản lý được rất tốt thuốc trong nước; Phân loại được doanh nghiệp nào đạt tiêu chuẩn PIC (Công ước về Thanh tra dược phẩm), cộng đồng châu Âu, đấy là nhóm chất lượng cao và nhóm chất lượng thấp hơn. Như vậy, thuốc sản xuất trong nước đã chia thành hai nhóm về chất lượng và tiền nào của nấy. Vấn đề hiện nay của chúng ta là kiểm soát thuốc không có PIC của nước ngoài vào Việt Nam.

Tuy nhiên, để quy định mới về đấu thầu thuốc được hoàn thiện hơn, ông Nguyễn Việt Hùng cũng cho biết, Bộ Y tế đã thành lập ban soạn thảo để sửa đổi, bổ sung Thông tư 01. Theo đó, sẽ xem xét việc phân nhóm sâu hơn đối với các thuốc đạt tiêu chuẩn chất lượng cao để tăng cơ hội cho các cơ sở y tế trong việc lựa chọn được các thuốc có chất lượng cao trúng thầu. Đồng thời, sẽ xem xét việc bổ sung phân nhóm thuốc Đông y, thuốc từ dược liệu được sản xuất bởi các nhà máy đạt tiêu chuẩn WHO-GMP; điều chỉnh lại mức điểm đánh giá đối với trường hợp thuốc vi phạm chất lượng cho phù hợp hơn trong việc trừ điểm đối với nhà sản xuất...

* ThS. Nguyễn Việt Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược: Không có cơ sở khi cho rằng thực hiện đấu thầu thuốc theo hướng dẫn mới ảnh hưởng đến chất lượng điều trị

Theo quy định hiện hành, tất cả các mặt hàng thuốc lưu hành tại thị trường Việt Nam phải được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành... Để được cấp số đăng ký lưu hành, hồ sơ đăng ký sản phẩm đã được thẩm định đầy đủ về tiêu chuẩn chất lượng thuốc, các dữ liệu về an toàn, hiệu quả của thuốc.

Cụ thể, tất cả các thuốc lưu hành tại thị trường Việt Nam phải đạt tiêu chuẩn chất lượng tối thiểu theo tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam hoặc các tiêu chuẩn Dược điển Mỹ (USP), Dược điển Anh (BP), tiêu chuẩn Dược điển châu Âu... Ngoài ra, đối với một số nhóm hoạt chất phải thực hiện nghiên cứu đánh giá tương đương sinh học theo quy định để được cấp số đăng ký lưu hành. Vì vậy, chất lượng thuốc là hoàn toàn đạt yêu cầu. Do đó, ý kiến cho rằng thuốc trúng thầu giá rẻ, chất lượng không bảo đảm là cảm tính, không có cơ sở gây hiểu nhầm dư luận.

* TS. Bùi Diệu - Giám đốc Bệnh viện K: Cơ sở y tế được tự chủ hơn trong đấu thầu thuốc

Việc thực hiện đấu thầu thuốc theo Thông tư 01 trong đó cho phép lãnh đạo các cơ sở y tế tự xử lý những tình huống trong trường hợp một số mặt hàng thuốc trúng thầu nhưng vượt quá giá kế hoạch; đồng thời quy định mức giá mua thuốc ngoài thầu - thuốc không qua đấu thầu sẽ được tăng lên 200 triệu đồng/lần so với 100 triệu đồng như trước đây đã tạo sự "thông thoáng" cho việc đảm bảo đủ thuốc thiết yếu, chuyên khoa để kịp thời cung ứng cho người bệnh, đồng thời lãnh đạo BV cũng được tự chủ hơn.

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20130906094423277p0c61/thong-tin-thuoc-dau-thau-gia-re-chat-luong-kem-la-khong-chinh-xac.htm