Thông tin và xét tuyển

Người ta hay nói cơ hội thành công sẽ nhiều hơn cho những ai có đầy đủ thông tin. Điều này có lẽ được thể hiện rõ ràng và cụ thể nhất qua thời sự giáo dục mấy hôm nay: xét tuyển đại học.

Một bạn đọc từ Bạc Liêu gọi điện thoại thắc mắc được 19,75 điểm mà giờ không thể xét tuyển vào các trường ĐH do đăng ký ở cụm thi tốt nghiệp thì còn cách nào để vào ĐH? Do không biết thông tin gì về sự khác biệt giữa 2 cụm thi nên theo thí sinh (TS) này, hầu hết các bạn trong lớp đều chỉ đăng ký thi để tốt nghiệp. Nay có những bạn trên 20 điểm nhưng vẫn không xét tuyển vào ĐH bằng kết quả thi này.

Có bạn đọc gọi đến hỏi tốt nghiệp THPT 5 năm trước, muốn dùng kết quả này xét tuyển vào ĐH năm nay có được không? Một TS ngập ngừng hỏi “15,95 điểm thì có được làm tròn không? Ba mẹ muốn em vào các trường quân đội, giờ có được không? Hãy tư vấn cho em học ngành gì đó cũng được miễn là em đừng phải đi ra ngoài tiếp xúc với mọi người vì em nhút nhát lắm!”...

Trong mấy ngày vừa qua, chúng tôi nhận vô số những câu hỏi mà ở đó người hỏi hoàn toàn không biết thông tin gì liên quan đến việc được xem là quan trọng nhất với họ hiện nay. Đó còn là vô vàn những thắc mắc cụ thể về những quy định, cách thức xét tuyển... mà cứ tưởng TS nào cũng phải nắm.

Sự thực là cũng có TS nắm bắt khá rõ thông tin, nhanh nhẹn nhưng trong một “biển” thông tin của rất nhiều trường, nhiều ngành, thậm chí có cả những điều không được kiểm chứng trên mạng; họ cũng cần tư vấn để sàng lọc và đưa ra quyết định phù hợp.

Chính vì vậy cũng sẽ không có gì ngạc nhiên khi mà đến giờ nhiều TS vẫn chưa phân biệt được đâu là điểm “sàn”, điểm xét tuyển và điểm chuẩn trúng tuyển. Do thế mà trong suốt những ngày làm tư vấn xét tuyển, có một loại câu hỏi mà chúng tôi luôn nhận được là điểm “sàn” xét tuyển các trường công bố có phải là điểm trúng tuyển?

Trước thực tế này và trong bối cảnh năm nay TS không được rút hồ sơ khi đăng ký xét tuyển, không được cập nhật tình hình nộp hồ sơ hằng ngày như năm trước thì những thông tin về mức điểm xét tuyển mà các trường cung cấp cho TS càng gần với thực tế bao nhiêu càng có ích cho TS bấy nhiêu. Đây cũng chính là lý do có nhiều ý kiến phản ứng trước việc các trường ĐH lớn dù chắc chắn điểm trúng tuyển ngành thấp nhất cũng cao hơn điểm “sàn” từ 3 trở lên nhưng vẫn thông báo điểm xét tuyển bằng “sàn”. Điều này, sẽ dễ trở thành “cái bẫy” có thể làm cho TS mất 50% cơ hội ở các trường tốp giữa (vì nộp hồ sơ vào không được rút ra).

Chuyện thi và xét tuyển năm nào cũng diễn ra vậy mà năm nào TS và phụ huynh cũng bối rối, lo âu dẫn đến những căng thẳng nhiều khi không cần thiết. Chẳng qua vì thiếu ổn định, năm nào cũng có những thay đổi hay điều chỉnh cho một kỳ tuyển sinh không có gì mới.

Nhiên An

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/chao-buoi-sang/thong-tin-va-xet-tuyen-730123.html