Thông tư kiểm tra chất lượng xe cơ giới nhập khẩu: Đã rộng “cửa” cho mọi doanh nghiệp

(HQ Online)- Sau quá trình lấy ý kiến góp ý, đến nay nhiều hiệp hội, doanh nghiệp liên quan đánh giá các nội dung tại Dự thảo Thông tư quy định việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu đã khá tiệm cận với yêu cầu thực tế, hài hòa mục tiêu vừa đảm bảo chất lượng hàng hóa, vừa tạo bình đẳng trong kinh doanh măt hàng ô tô, tuy nhiên vẫn còn một vài điểm băn khoăn.

Mục tiêu cao nhất mà Thông tư hương tới là bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Ảnh: Internetn

Gỡ “nút thắt” giấy chứng nhận chất lượng

Phát biểu tại Hội thảo đóng góp ý kiến với Dự thảo Thông tư quy định việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu do Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) tổ chức mới đây tại Hà Nội, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá: Nội dung dự thảo mới đã có sự tiếp thu đáng kể ý kiến đóng góp, chỉnh sửa khá phù hợp.

Đặc biệt tại dự thảo trước đây có quy định, trong hồ sơ đăng ký kiểm tra, doanh nghiệp phải nộp “Bản chính giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất cấp cho xe cơ giới thực tế nhập khẩu hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng” gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp thì tại dự thảo mới nhất, quy định này đã tách ra để một số phương thức kiểm tra, doanh nghiệp không đáp ứng được quy định có thể lựa chọn các giải pháp thay thế.

Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Phúc An, đại diện cho 50 doanh nghiệp nhập khẩu ô tô vừa và nhỏ nhấn mạnh: Nếu vẫn giữ nguyên nội dung tại dự thảo cũ, các doanh nghiệp nhập khẩu xe không chính hãng sẽ phải “bó tay”, không đáp ứng nổi. Tuy nhiên, khi ban soạn thảo có sự điều chỉnh, doanh nghiệp đã cảm thấy khá hài lòng bởi vẫn có hướng đi cho mình.

Trong Dự thảo Thông tư mới nhất, ban soạn thảo đã bổ sung quy định về hậu kiểm. Đây là quy định được bổ sung nhằm triển khai Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP của Chính phủ. Mục đích của quy định này là giảm thời gian và chi phí trong quá trình thông quan hàng hóa. Thông qua việc hậu kiểm, nếu phát hiện vi phạm thì tùy vào mức độ vi phạm thì cơ quan kiểm tra sẽ có các biện pháp tương ứng đối với người nhập khẩu và phương tiện. Đánh giá về việc bổ sung quy định này, đại diện VCCI nhấn mạnh, đây là bước chuyển biến khá rõ nét, cần thiết, thể hiện sự cầu thị cao độ của ban soạn thảo.

Vẫn còn băn khoăn

Một trong những nội dung khá mới mẻ được đưa vào Dự thảo Thông tư lần này là, khi các xe đã được nhập khẩu bị phát hiện có lỗi thì người nhập khẩu có trách nhiệm triệu hồi xe cơ giới nhập khẩu theo công bố của nhà sản xuất hoặc yêu cầu của cơ quan kiểm tra. Trong trường hợp người nhập khẩu không thực hiện quy định, cơ quan kiểm tra sẽ tạm dừng việc xác nhận vào Hồ sơ đăng ký kiểm tra, chứng nhận chất lượng với nhãn hiệu thuộc diện triệu hồi.

Ông Đoàn Trần Thái, thành viên Tiểu ban kỹ thuật Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng: Việc triệu hồi xe sẽ không làm được nếu thiếu sự hỗ trợ của nhà sản xuất. Quy định triệu hồi này trong Dự thảo Thông tư còn khá sơ sài, chủ yếu kiểm soát tại cảng với các xe chưa thông quan. Trong khi đó, thị trường hiện nay có hàng nghìn nhà nhập khẩu, không hiểu việc này sẽ được kiểm soát như thế nào?

“So với xe sản xuất, lắp ráp trong nước hiện nay, các doanh nghiệp nhập khẩu xe chính hãng khi muốn triệu hồi sản phẩm phải có giải trình gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam báo cáo phương án xử lý. Bên cạnh đó, cứ sau ba tháng doanh nghiệp phải báo cáo tiến độ. Trong khi đó, tại Dự thảo Thông tư không đưa ra quy định nào cụ thể đối với các doanh nghiệp nhập khẩu xe nhỏ lẻ. Cục Đăng kiểm Việt Nam nên cân nhắc để đưa ra biện pháp mạnh mẽ hơn trong kiểm soát triệu hồi xe lỗi”, ông Thái nhấn mạnh.

Ngoài vấn đề triệu hồi xe, Dự thảo Thông tư lần này cũng bổ sung quy định người nhập khẩu phải cung cấp Hồ sơ thiết kế đối với xe nhập khẩu có kiểu loại chưa được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận để cơ quan kiểm tra làm căn cứ xem xét, đánh giá và thẩm định nhằm mục đích hỗ trợ người nhập khẩu kiểm soát chất lượng phương tiện trước khi nhập khẩu xe.

Đại diện một số doanh nghiệp nhập khẩu ô tô đề nghị cần nhắc quy định này bởi nếu doanh nghiệp đơn thuần là nhà nhập khẩu xe thì bên xuất khẩu chỉ bán xe chứ không bán công nghệ, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Trên thế giới hiện nay chưa nước nào yêu cầu nhà nhập khẩu cung cấp Hồ sơ thiết kế cho xe nhập khẩu từ nước ngoài.

Lý giải vấn đề này, ông Đào Xuân Hải, Phó Trưởng Phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho hay: Trong công tác quản lý xe cơ giới thời gian vừa qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận thấy việc bổ sung quy định này vào bản dự thảo Thông tư mới là cần thiết để hài hòa trong quá trình chứng nhận chất lượng giữa xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu.

Hiện nay, có một số nhà nhập khẩu đặt hàng xe chưa được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài chứng nhận thì khi vào Việt Nam, để được cấp Giấy chứng nhận xe cơ giới nhập khẩu chỉ phải thử nghiệm về an toàn và khí thải (nhưng không có yêu cầu về hồ sơ thiết kế).

Trong khi đó, đối với các xe sản xuất, lắp ráp trong nước có yêu cầu về hồ sơ thiết kế rồi tiến hành thẩm định, kiểm tra, thử nghiệm theo quy định; thực hiện việc đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng tại cơ sở sản xuất (đánh giá COP). Nếu đạt được các yêu cầu theo quy định thì mới được cấp giấy chứng nhận. Các tài liệu này sẽ là căn cứ đầy đủ hơn để cơ quan kiểm tra thực hiện việc kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận cũng như công tác hậu kiểm nhằm kiểm soát chất lượng phương tiện chặt chẽ hơn nữa.

Ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam nhấn mạnh: Sau Hội thảo này, Cục sẽ một lần nữa tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp từ phía các hiệp hội, doanh nghiệp, sau đó hoàn thiện Dự thảo Thông tư để báo cáo Bộ Giao thông vận tải nhằm đưa ra quyết định cuối cùng. Dự kiến, Dự thảo Thông tư sẽ được hoàn thành, thông qua từ nay tới hết năm để bắt đầu áp dụng vào đầu năm 2017.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/thong-tu-kiem-tra-chat-luong-xe-co-gioi-nhap-khau-co-cua-cho-moi-doanh-nghiep.aspx