Thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ làm giàu từ cây vú sữa

Một người trồng đúng kỹ thuật, biết xử lý cho cây ra trái mùa có thể làm giàu từ cây vú sữa thu hoạch 500 triệu đồng/ha/năm.

Vài năm trở lại đây cây vú sữa đang dần trở thành cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần làm giàu cho nhiều hộ dân. Theo tính toán của các nhà vườn, trong các loại cây đặc sản, vú sữa được xếp vào nhóm cây có giá trị kinh tế cao, bền, chắc và khai thác được lâu dài. Một người trồng đúng kỹ thuật, biết xử lý cho cây ra trái mùa có thể thu hoạch 500 triệu đồng/ha/năm.

Bà con chất vú sữa vào thùng chuẩn bị vận chuyển đi xa. Ảnh: NNVN

Báo Nông nghiệp Việt Nam đưa tin, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ được coi là một trong những vựa cây trái nổi tiếng nhất ĐBSCL. Toàn huyện hiện có trên 10.500ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có tới 800ha vú sữa. Ông Nguyễn Hoàng Ân ở ấp Nhơn Thọ 1A, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền có 7 công đất trồng vú sữa đủ loại, mỗi năm thu nhập trên 250 triệu đồng. Ông Trần Văn Vui ở ấp Trường Trung B, xã Tân Thới có 4 công vườn trồng toàn vú sữa lò rèn được 4 năm tuổi, cứ mỗi tuần hái trái một lần, mỗi lần vài trăm ký, bán tại chỗ với giá 15.000 đồng/kg. Nếu cho trái ra mùa nghịch giá sẽ cao gấp đôi. Sau khi trừ hết các chi phí, mỗi vụ ông còn lời trên 100 triệu đồng. Ông cho biết vú sữa càng lâu năm trái càng sai và càng ngọt.

Lão nông gần 70 tuổi Võ Văn Nam đã có 20 năm gắn bó với cây vú sữa. Trước đó, ông từng trồng một số loại cây có múi như cam, bưởi, quýt... tuy nhiên sau một thời gian canh tác đều không thu được lợi nhuận cao, có năm rớt giá còn khiến kinh tế gia đình trở nên khó khăn. Sau khi phong trào trồng vú sữa xuất hiện tại địa phương, ông bắt đầu tìm hiểu kỹ thuật canh tác, thị trường tiêu thụ và chuyên tâm đầu tư vào loại cây ăn trái mới này.

Ông Nam bên cây vú sữa sai trái. Ảnh: Minh Toàn/Báo Tiền Giang

Theo ông Nam, nhờ chuyển đổi canh tác sang cây vú sữa mà kinh tế gia đình ngày một khấm khá, nuôi các con khôn lớn nên người, cất được nhà, sắm được chiếc xe máy, tivi..

Trao đổi với báo Tiền Giang, ông Nam cho biết: "Vú sữa là loại cây dễ trồng, thích nghi với vùng đất cao, nơi có mực nước phù sa lên xuống, nhưng người trồng phải nắm vững kỹ thuật từ lúc chọn giống, lên liếp cho tới lúc bón phân, hái trái. Vú sữa sau khi trồng khoảng 3 năm sẽ cho trái và từ ngày vú sữa ra hoa cho đến khi chín mất khoảng 8 - 9 tháng, 1 năm chỉ cho 1 vụ trái, nhưng kéo dài đến vài tháng. Nếu chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, năng suất năm sau sẽ cao gấp đôi năm trước".

Theo đó, trước khi trồng cây giống, cần xử lý đất bằng vôi bột trong nửa tháng, sau đó bón lót phân hữu cơ để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây phát triển. Khi bón phân đạm, lân, kali, nên tưới liên tục trong giai đoạn đầu để phân thấm đều vào gốc cây, hạn chế thất thoát. Sau mỗi vụ thu hoạch cần cắt tỉa bớt nhánh, xử lý đúng kỹ thuật, giúp cây phát tán đều, nhận đủ ánh sáng, để mùa sau trái sai, to và có chất lượng hơn. Bên cạnh đó, chú ý phun thuốc để ngừa ruồi và sâu đục trái, đây là 2 loại sâu gây hại nặng đối với trái vú sữa.

Ngoài ra, ông Nam còn tận dụng đất trống trồng xen canh thêm bưởi da xanh ruột hồng. Hiện tại, bưởi đang cho thu hoạch, chỉ tính riêng đợt Tết Nguyên đán 2016, ông thu hơn 40 triệu đồng từ bưởi. Hàng năm, sau khi trừ các khoản chi phí, vườn bưởi và vú sữa mang về cho gia đình ông hơn 200 triệu đồng.

Hoàng Linh (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/thu-hang-tram-trieu-dong-moi-nam-nho-lam-giau-tu-cay-vu-sua-d116874.html