Thu hồi đất đai: Giải quyết lợi ích kinh tế không phải là tất cả

Chuyện thu hồi đất ở Đồng Tâm đang đặt ra cho các chủ thể phải có cách giải quyết vấn đề một cách nhân văn, thấu tình, đạt lý hơn.

Những ngày qua, câu chuyện giải quyết mâu thuẫn về thu hồi đất ở Đồng Tâm (Hà Nội) luôn là vấn đề nóng. Việc đúng sai rồi sẽ được phân xử. Từ chuyện ở Đồng Tâm và vô vàn vụ việc thu hồi đất ở nhiều địa phương trên cả nước hiện nay đang đặt ra cho các chủ thể phải có cách giải quyết vấn đề một cách nhân văn, thấu tình, đạt lý hơn.

Đại diện các hộ dân Đồng Tâm đứng đơn kiến nghị về chuyện thu hồi đất (Ảnh minh họa: KT)

Hiện nay do cách tiếp cận đảm bảo lợi ích kinh tế hài hòa của các bên được xem trọng trong tổ chức thu hồi đất nên phương thức tiến hành ở các nơi đều khá giống nhau. Các chủ dự án sẽ bỏ ra một số vốn, thông qua chính quyền địa phương tiến hành thương lượng rồi tiến tới đền bù cho hộ dân. Nơi nào chu đáo hơn thì có chính sách tái định cư. Nếu không được thì cưỡng chế theo luật.

Ở đây, thương lượng vô hình chung trở thành một chiến thuật mà mỗi bên đêm ra mặc cả, so kè. Sự “được, mất” trong chiến thuật này luôn được chủ dự án và hộ bị thu hồi tính toán cẩn thận, chu đáo, có cả tham vấn. Mục tiêu các bên hướng đến là phần thiệt về mình luôn là số ít.

Rõ ràng bài toán lợi ích kinh tế trong thu hồi đất là cách giải quyết phổ biến song không phải là tất cả. So với các loại hàng hóa khác, đất đai còn mang một giá trị không thể định lượng. Khi mảnh đất ấy, ngôi nhà đó là lịch sử một dòng tộc, gia đình và từng con người. Người ta không dễ dàng đánh đổi các giá trị vật chất thay thế cho mảnh đất, ngôi nhà thân thuộc; là nơi neo giữ các giá trị “ký ức” giúp họ vượt qua bao thăng trầm của cuộc sống. Do vậy, việc thu hồi, hình thức thu hồi và cả dự án thực hiện trên mảnh đất đó ngoài các lợi ích về kinh tế cũng phải mang tính nhân văn sâu sắc. Làm được điều này chắc chắn sẽ nhận được sự đồng thuận cao của người bị thu hồi.

Đáng buồn là trong việc thu hồi đất hiện nay, phần nhiều chủ các dự án hiếm khi xuất hiện đối thoại, bày tỏ nguyện vọng trước nhân dân; chưa kể thu hồi đất xong lại bỏ không, hoặc đền bù thấp nhưng bán lại với giá cao. Chưa kể các nhóm lợi ích thay đổi mục đích đất rồi sang tay kiếm lợi nhuận. Cá biệt có nhiều dự án khi hình thành vi phạm về môi trường, gây mất an ninh trật tự khiến hộ bị thu hồi đất càng thêm bất bình. Ở đây tính công khai, minh bạch và cả sự nhân văn cho từng dự án đã không được đề cao.

Do vậy trong thu hồi đất, chủ đầu tư nếu thấy dự án của mình không chỉ đem lại ích kinh tế mà còn có ý nghĩa nhân văn thì hãy cùng chính quyền đem những điều tốt đẹp đó nói với dân, thuyết phục dân. Chính quyền với nhiệm vụ là "của dân, do dân và vì dân” hãy cương quyết loại bỏ và không thể làm ngơ để các chủ đầu tư thao túng mà quên đi lợi ích kinh tế và cả giá trị tinh thần đặc biệt mà người dân sẽ mất khi đất bị thu hồi.

Chính quyền có quyền yêu cầu nhà đầu tư không chỉ đáp ứng yêu cầu về lợi ích kinh tế mà còn lắng nghe, đối thoại và cam kết chia sẻ những giá trị tốt đẹp của dự án đến với từng người dân. Thực hiện được những việc làm này tin rằng người dân sẽ không gây khó dễ mà sẵn sàng ủng hộ, nhường đất để nhà đầu tư triển khai dự án./.

Trọng Điển/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/thu-hoi-dat-dai-giai-quyet-loi-ich-kinh-te-khong-phai-la-tat-ca-618038.vov