Thu hồi gần hết sữa Similac nghi nhiễm khuẩn

(TBKTSG Online) - Theo tin từ Abbott Nutrition Việt Nam, công ty này đã thu hồi được phần lớn các sản phẩm sữa Similac nghi nhiễm khuẩn Clostridium Botulinum trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 2.000 thùng trên thị trường.

Minh Tâm

Các công ty sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu sữa đang được yêu cầu kiểm tra về nguồn nguyên liệu đầu vào có chứa đạm whey dó Công ty Fonterra - New Zealand cung cấp. Ảnh: Minh Tâm.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 5-8, ông Đỗ Thái Vương, Giám đốc đối ngoại của Abbott Việt Nam cho biết, tính đến hết ngày 4-8, công ty này đã thu hồi được 10.135 thùng sản phẩm thức ăn công thức cho trẻ 1-3 tuổi nhãn Similac GainPlus Eye-Q loại hộp 400g và 900g trên tổng số 12.927 thùng đã bán ra thị trường.

Đây là các sản phẩm được sản xuất theo hợp đồng với Công ty Fonterra, công ty vừa bị Bộ Công nghiệp cơ bản (Ministry of Primary Industry) - New Zealand phát hiện có sản phẩm chứa đạm Whey bị nhiễm khuẩn Clostridium Botulinum gây độc thần kinh, liệt cơ.

Các sản phẩm này thuộc hai lô hàng được Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A, nhà phân phối độc quyền của Abbott tại Việt Nam nhập về ngày 17-6 và 3-7-2013.

Theo ông Vương, số hàng còn lại là hơn 2.000 thùng đang tiếp tục được nhân viên Abbott thu hồi từ các nhà phân phối. “Với những sản phẩm thuộc các lô 2564G54114, 2564G54115, 2564G54116, 2564G54117, 2564G54118, 2565G54118, 2565G54119, 2566G54119, 2567G54119, 2567G54120 đã được người tiêu dùng mua, chúng tôi khuyến cáo ngưng sử dụng, đem đến nơi bán để đổi hoặc hoàn trả và liên hệ đường dây nóng 19001519 để được giải đáp thắc mắc”, ông Vương nói thêm.

Cũng theo ông Vương, các sản phẩm trên khi nhập khẩu đã được xét nghiệm xác xuất trên lô hàng, kết quả đạt chuẩn nên mới được nhập khẩu và lưu hành trên thị trường.

Từ phía cơ quan chức năng là Cục An toàn thực phẩm cũng xác nhận đã cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm số 6050/2012/ATTP-XNCB ngày 30-11-2012 cho các sản phẩm trên.

Đến thời điểm này, các siêu thị và nhiều cửa hàng kinh doanh sữa trên địa bàn TPHCM đã ngừng bán sản phẩm nghi nhiễm khuẩn Clostridium Botulinum chứa độc tố.

Ông Nguyễn Mười, chủ cửa hàng cùng tên trên đường Nguyễn Thông cho biết, từ hôm qua, 4-8, phía Abbott đã xuống cửa hàng để thu hồi sản phẩm. Và từ hôm qua đến giờ, cửa hàng ông chưa tiếp nhận trường hợp khách hàng nào đến đổi, hoàn trả sản phẩm đã mua.

Trong khi đó, các hãng sữa như Nutifood, Vinamilk, FrieslandCampina đều khẳng định không nhập khẩu nguyên liệu từ Công ty Fonterra của New Zealand.

Trước đó, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế thông báo nhận được thông tin Bộ Công nghiệp cơ bản của New Zealand phát hiện các sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ nhỏ của Công ty Fonterra sản xuất chứa đạm Whey bị nhiễm khuẩn Clostridium Botulinum. Các sản phẩm này được xuất khẩu sang Việt Nam, Trung Quốc, Úc và Ả rập Saudi.

Trước thông tin này, Cục An toàn thực phẩm đã liên hệ với công ty nhập khẩu là Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A và Văn phòng đại diện Abbott Labolatories S.A tại Việt Nam để yêu cầu dừng ngay việc lưu thông và tiến hành thu hồi các lô Similac GainPlus Eye-Q có nguy cơ nhiễm khuẩn.

Bên cạnh đó, đơn vị này cũng yêu cầu Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia tiến hành kiểm nghiệm sản phẩm và báo cáo sớm kết quả.

Cũng theo thông tin phát đi từ Cục An toàn thực phẩm, ngày 4-8, Bộ Công nghiệp cơ bản New Zealand tiếp tục thông báo sản phẩm Karicare của một công ty khác là Nutricia cũng có thể bị nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum.

Cụ thể, đó là sản phẩm Karicare Formula số 1 (cho trẻ 0-6 tháng tuổi) với số lô 3169 và 3170; hạn sử dụng 17-6-2016 và 18-6-2016; Karicare Gold+ Follow on Formula số 2 (cho trẻ 6-12 tháng tuổi) với số lô D3183; hạn sử dụng 31-12-2014. Tuy nhiên, các sản phẩm này chỉ được bán trên thị trường New Zealand và đã được Công ty Nutrica tự nguyện thu hồi.

Sau thông tin này, Cục An toàn thực phẩm đã rà soát toàn bộ các sản phẩm Karicare của Công ty Nutricia đã công bố tại Cục An toàn thực phẩm từ đầu năm 2012 đến nay và không phát hiện sản phẩm Karicare cho trẻ dưới 12 tháng tuổi nào được công bố.

Tuy nhiên, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn gửi Công ty TNHH MTV Dinh Dưỡng châu Úc, đơn vị nhập khẩu sản phẩm Karicare vào Việt Nam yêu cầu thống kê việc nhập khẩu và báo cáo trước ngày 6-8-2013.

Ngày 5-8, Cục An toàn thực phẩm cũng có văn bản gửi các công ty sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa đề nghị kiểm tra việc nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng nguyên liệu đạm Whey được sản xuất bởi Công ty Fonterra - New Zealand. Nếu các nguyên liệu, các sản phẩm thuộc lô sản phẩm được cảnh báo thì các công ty phải tự thu hồi và báo cáo ngay về Cục An toàn thực phẩm.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/xahoi/doisong/100436/