Thu hồi xe máy quá đát: Cần thiết nhưng phải có lộ trình

Theo nhiều chuyên gia giao thông, chuyên gia y tế việc thu hồi xe quá đát là chủ trương đúng song cần chuẩn bị kỹ càng về các yếu tố liên quan, tránh gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội.

Nhiều ý kiến ủng hộ chủ trương của Hà Nội về thu hồi xe quá đát song cũng cho rằng việc này không thể tiến hành gấp gáp, cần có lộ trình. Ảnh: DN

Cần thiết phải thu hồi

Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường tại Hà Nội, các lực lượng chức năng TP đang lên kế hoạch thu hồi khoảng 2,5 triệu xe máy cũ nát đang hoạt động trên địa bàn. Về đề xuất này, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng đây là chủ trương đúng nhằm cải thiện môi trường sống, giảm áp lực giao thông cho nhân dân nội đô song việc này rất khó thực hiện bởi quy trình tiến hành sẽ phức tạp từ việc xác định thế nào là xe cũ nát, xe thuộc sở hữu của ai, cơ quan nào để thu hồi.

Ông Liên cho biết, hiện nay pháp luận mới quy định chỉ có ô tô là phải tiến hành đăng kiểm còn lại xe máy không có đăng kiểm, bên cạnh đó xe mô tô, xe máy đang lưu thông xuất xứ từ nhiều nguồn khác nhau, tình trạng xe không chính chủ vẫn phổ biến nên để truy ra được xe thuộc sở hữu của ai để thu hồi là việc nan giải. “Chưa kể, các loại xe máy đang lưu hành hiện nay còn có cả những xe phạm pháp, xe trộm cắp, xe bị các lực lượng chức năng tịch thu đang để trong kho, bãi…”, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nêu.

Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đồng tình về cơ bản chủ trương của Hà Nội trong việc thu hồi xe quá đát song vị này cũng nhìn nhận để thực hiện còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Theo ông Trí hiện nay, cả nước có khoảng 40 triệu xe máy. Trong số này, có những xe được đưa vào hoạt động được vài chục năm.

Những xe này nếu không được bảo dưỡng tốt sẽ gây mất an toàn giao thông và môi trường đô thị. “Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ quy định, từ 1/1/2018, xe mô tô, xe máy hết thời hạn sử dụng sẽ phải thu hồi, thải bỏ. Tuy nhiên đến nay, nước ta chưa có quy định về tuổi thọ dành cho xe máy và cũng chưa có quy định về kiểm định xe máy (để kiểm tra khí thải) nên sẽ không có đối tượng bị loại ra do không đủ điều kiện về niên hạn hay về kiểm định. Do đó, việc cần làm hiện nay là phải ban hành quy định về kiểm định kỹ thuật phương tiện xe máy để có căn cứ ban hành quy định về niên hạn sử dụng xe máy”, lãnh đạo Cục Đăng kiểm nêu.

Không thể vội!

Hiện nay trong khi giao thông công cộng còn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân thì phương tiện cá nhân như xe máy vẫn là phương tiện di chuyển chính của người dân. Bên cạnh đó, có ý kiến nhận định xe máy hiện vẫn là “cần câu cơm” của đa số người dân Việt Nam. Chưa kể, nhiều người cho rằng các cơ quan chức năng cần phân định rạch ròi giữa xe cũ nát và xe có tuổi thọ cao bởi có nhiều xe dù hoạt động thời gian dài nhưng do được bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên nên chất lượng khá tốt, song cũng có loại xe dù nhìn có vẻ mới song chất lượng lại không đảm bảo.

Do vậy, theo ông Bùi Danh Liên, các đơn vị có chức năng cần thận trọng trong việc đưa ra quyết định thu hồi xe máy hết đát, đồng thời để việc xử lý diễn ra công bằng, các đơn vị có chức năng cần phải xây dựng các trung tâm kiểm định khí thải đối với xe mô tô, xe máy, từ đó xác định xe nào cần phải thu hồi xe nào không.

Quan điểm của ông Nguyễn Hữu Trí cho rằng, việc thu hồi xe quá đát chỉ là chủ trương của Hà Nội, Trung ương chưa có quy định về việc này nên nếu muốn làm, Hà Nội sẽ phải tự xây dựng các tiêu chí cho riêng mình và để Luật Thủ đô điều chỉnh. Tuy nhiên, vị lãnh đạo Cục Đăng kiểm cũng nhận định, việc xây dựng quy chế và áp dụng chúng vào thực tiễn không hề dễ dàng bởi Hà Nội có quá nhiều xe máy. Trong khi đó, xe máy lại là phương tiện đi lại chủ yếu và cũng là mưu sinh của nhiều người nên tính phức tạp càng cao.

Chưa kể những chiếc xe cũ nát vốn chủ yếu của người nghèo, người thu nhập thấp nên nếu áp dụng quá cứng nhắc sẽ dễ phát sinh tâm lý tiêu cực. “Việc quy định niên hạn hay đăng kiểm đối với xe máy cần được cân nhắc thật kỹ và lấy ý kiến rộng rãi, thực hiện theo lộ trình từng bước một, chẳng hạn như giai đoạn 1 thu hồi những xe kém chất lượng nhất, giai đoạn hai thu hồi tiếp những xe khác... để không ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, tránh gây tâm lý hoang mang”, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất.

Ngoài ra, ông Nguyễn Đăng Trí đề xuất thu hồi xe quá đát chỉ có thể thực hiện được khi sửa Luật Giao thông đường bộ. Phân tích về điều này lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin: Hiện nay trong quá trình bàn thảo về sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, đã có những ý kiến đề xuất cần phân cấp cho địa phương quy định điều kiện hoạt động của môtô, xe máy tùy theo đặc thù của từng địa phương, thay vì quy định chung cho cả nước. Số lượng xe máy ở Hà Nội nhiều hơn hẳn so với các tỉnh khác trong khu vực, nguy cơ ô nhiễm do xe máy gây ra tại Hà Nội nhiều hơn thì Hà Nội phải chủ động xây dựng quy định về điều kiện hoạt động của xe máy.

Còn tại những tỉnh ít xe máy, xe máy không gây quá nhiều cho áp lực giao thông thì có thể xem xét quy định về điều kiện hoạt động của xe máy khác với Hà Nội. “Ngay như thủ đô Hà Nội nhưng áp lực giao thông của quận Cầu Giấy khác hẳn với áp lực giao thông tại Ba Vì, Sóc Sơn. Do vậy, cùng phương tiện đó khi lưu thông ở hai địa bàn khác nhau sẽ có ảnh hưởng khác nhau tới môi trường, nên không thể có chuẩn chung các địa phương trên cả nước”, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam nêu quan điểm.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia nêu ý kiến ủng hộ chủ trương của Hà Nội song cũng cho rằng, để thu hồi được xe quá đát thì phải có quy định về niên hạn của xe, nhưng hiện chưa có quy định về niên hạn xe máy nên phải chờ Chính phủ ban hành. Do vậy, Hà Nội chưa thể thực hiện ngay.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/thu-hoi-xe-qua-dat-can-nhung-chua-the-gap.aspx