Thủ lĩnh phe Brexit: Anh và EU sẽ có quan hệ mới tốt hơn

Phát biểu lần đầu tiên kể từ khi kết quả trưng cầu Anh rời EU được công bố hôm 24/6, Boris Johnson, người đứng đầu phe Brexit, cam kết duy trì hệ thống thương mại với liên minh.

Theo ông Johnson, Anh sẽ tiếp tục thương mại tự do và tiếp cận thị trường EU dù đã bỏ phiếu rời khỏi khối. Cựu thị trưởng London còn cho biết, Anh có thể đưa ra một hệ thống nhập cư trong khi vẫn duy trì quyền tiếp cận thị trường châu Âu duy nhất.

Ứng viên hàng đầu cho chức thủ tướng Anh cho rằng, nước này có thể sẽ có mối quan hệ mới và tốt hơn với EU dựa trên nền tảng thương mại tự do.

Ông Boris Johnson. Ảnh: Telegraph

Ông Johnson không nói rõ về các biện pháp nhưng cho rằng Anh sẽ không chấp nhận sự di chuyển tự do và chính phủ sẽ thực thi chính sách nhập cư phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và nền công nghiệp.

Cựu thị trưởng London bác bỏ kêu gọi về một cuộc trưng cầu độc lập tách Scotland khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland từ Thủ hiến Nicola Sturgeon.

Những tuyên bố này của ông Johnson là động thái nhằm trấn an người dân Anh sau kết quả cuộc trưng cầu đang gây chia rẽ nước này.

5 vùng có tỷ lệ ủng hộ việc Anh rời EU cao nhất (trái) và 5 vùng có tỷ lệ ủng hộ việc Anh ở lại EU cao nhất. Đồ họa: BBC

Trong một diễn biến khác, Reuters dẫn lời trợ lý của tổng thống Pháp cho biết Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thống nhất về chiến lược cho lộ trình Anh rời EU.

“Họ (tổng thống Pháp và thủ tướng Đức) ghi nhận thỏa thuận toàn diện về cách xử lý tình hình hậu trưng cầu Brexit”, trợ lý của ông Hollande nói.

Lãnh đạo hai nước cũng cho rằng họ cần nhanh chóng xử lý một số vấn đề ưu tiên. Tuy nhiên phụ tá của ông Hollande không nói thêm chi tiết.

Theo Reuters, bà Merkel sẽ tổ chức hội đàm với ông Holland và Thủ tướng Italy Matteo Renzi về Brexit tại Berlin vào ngày 27/6.

Bà Merkel và ông Hollande đã nhất trí tìm biện pháp xử lý hậu quả từ cuộc trưng cầu Anh rời EU. Ảnh: Reuters

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày 24/6 về việc Anh đi hay ở lại EU cho thấy, 52% người dân trong tổng số 46,5 triệu cử tri muốn nước này rời khối. Đây là cuộc trưng cầu vốn gây chia rẽ nước Anh trong suốt những tháng qua, trong khi cả thế giới và Liên minh châu Âu phải nín thở.

Việc Anh rời khỏi EU là cú giáng mạnh với liên minh kinh tế chính trị lớn nhất thế giới hiện nay với gần nửa tỷ người. Đồng Bảng Anh trong ngày 24/6 đã rớt xuống mức thấp nhất trong vòng 31 năm qua. Giờ đây cử tri Anh đối mặt với hàng loạt cú sốc kinh tế. Giới phân tích cảnh báo những vấn đề kinh tế sẽ trở nên trầm trọng hơn trong thời gian tới. Quyết định rời EU gây nên cơn địa chấn toàn cầu và một bộ phận người dân Anh giờ đây thừa nhận họ cảm thấy hối hận vì bỏ phiếu ủng hộ phe "rời".

Brexit là viết tắt từ hai từ để chỉ việc nước Anh (Britain) rời khỏi EU (Exit). Đây là một mục tiêu chính trị được nhiều cá nhân, nghiệp đoàn và đảng phái chính trị theo đuổi nhằm yêu cầu Anh rút tư cách thành viên từ khối liên minh 28 nước châu Âu theo Điều 50 của Hiệp ước Liên minh châu Âu.

Liên minh châu Âu (gọi tắt là EU) gồm 28 nước thành viên. EU là một thực thể kinh tế, chính trị đặc thù với mức độ liên kết sâu sắc. Về cơ bản, EU có các định chế chính là: Hội đồng châu Âu, Hội đồng Bộ trưởng, Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và Tòa án châu Âu.

Với hơn 500 triệu dân, Liên minh châu Âu chiếm khoảng 22% (16,2 nghìn tỷ USD năm 2015) GDP danh nghĩa và khoảng 17% (19,2 nghìn tỷ USD năm 2015) GDP sức mua tương đương của thế giới (PPP).

Hải Anh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/thu-linh-phe-brexit-anh-va-eu-se-co-quan-he-moi-tot-hon-post660935.html