Thu phí tác quyền qua tivi phòng khách sạn: Hiệp hội khách sạn Đà Nẵng quyết liệt từ chối vì 'phí vô lý'

Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng vừa có công văn gửi UBND TP. Đà Nẵng, Sở Du lịch, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) Việt Nam, thể hiện quan điểm 'từ chối yêu cầu' thu phí tác quyền qua tivi ở khách sạn. Câu chuyện thu phí tác quyền sau 3 tháng im ắng, nay tiếp tục gây nhiều tranh cãi.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương (giữa) và ông Bùi Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (phải) giải thích về việc thu tác quyền âm nhạc trên tivi. Ảnh: Tùng Trương

Bên quyết thu, bên quyết không đóng

Tháng 5.2017, hàng trăm khách sạn ở Đà Nẵng bất ngờ nhận được công văn của VCPMC với nội dung “Chủ doanh nghiệp/cơ sở kinh doanh sử dụng âm nhạc khẩn trương liên hệ với đại diện của trung tâm tại TP. Đà Nẵng để thực hiện nghĩa vụ trả tiền sử dụng quyền tác giả khi sử dụng tác phẩm âm nhạc” kèm khoản thu đối với khách sạn có sử dụng tivi.

Đại diện Trung tâm lý giải rằng, khách sạn nào cũng có tivi, mà trên tivi thì có các kênh âm nhạc, chương trình giải trí có sử dụng nhạc. Như vậy, có ti vi là phải đóng tiền. Công văn cũng nêu rõ sau ngày 10.5, nếu các đơn vị kinh doanh không phản hồi, VCPMC sẽ phối hợp với ngành chức năng tiến hành các thủ tục pháp lý.

Lúc này, nhiều chủ doanh nghiệp lưu trú tại TP. Đà Nẵng bức xúc bởi khoản thu “phòng ngủ/phòng khách có sử dụng tivi” với mức giá 25.000 đồng/phòng/năm, tức là “lại phải” gánh thêm phí vô lý.

“Mọi phòng khách sạn đều lắp đặt tivi, khách sử dụng hay không và sử dụng bao nhiêu, chúng tôi không biết được. Hơn nữa, đa phần các khách sạn đều lắp đặt dịch vụ truyền hình cáp và đã trả phí cho nhà đài. Vậy tại sao chúng tôi còn phải trả tiền bản quyền? Nhiều người nói rằng đây là khoản phí không bao nhiêu nhưng có khách sạn lắp 10 cái nhưng có nơi lắp cả 100 cái thì số tiền đó sẽ rất lớn” – ông Nguyễn Hoàng, chủ một khách sạn tại đường Hoàng Sa, quận Sơn Trà, Đà Nẵng bức xúc.

Trước phản ứng gay gắt của các khách sạn tại Đà Nẵng, Cục Bản quyền đã yêu cầu VCPMC dừng thu. Cục yêu cầu trung tâm xác định các tác phẩm âm nhạc được khai thác, sử dụng của tác giả hoặc chủ sở hữu là hội viên của VCPMC. Trung tâm cũng phải xây dựng biểu mức tiền quyền tác giả/tác phẩm được khai thác, sử dụng, sau đó tiến hành đàm phán để nhận được sự đồng thuận của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Sau thời gian “nghiên cứu”, tháng 9 vừa qua, VCPMC tiếp tục có thông báo đã được Cục Bản quyền Tác giả cho phép tiếp tục thu phí. Trung tâm sẽ triển khai lại hoạt động này trong tháng 10.

Ngay lập tức, Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng đã có cuộc họp thống nhất gửi văn bản tiếp tục “từ chối yêu cầu” trên.

Hiệp hội nêu rõ các lý do về việc không đóng phí rằng, ở các nước Châu Âu, người xem trả trực tiếp cho kênh truyền hình họ muốn thưởng thức, bản giá chương trình được niêm yết tại phòng khách sạn. Riêng Việt Nam, đài truyền hình đã đóng tiền tác quyền cho VCPMC nên việc VCPMC tiếp tục thu tiền các khách sạn là trùng lắp. Ngoài ra, các khách sạn đã nộp tiền cho các đơn vị phát sóng thì việc VCPMV thu tiền trên từng ti vi là phí chồng phí.

Cần đối thoại để tránh xâm phạm lợi ích doanh nghiệp

Cùng trong văn bản gửi các cơ quan chức năng, Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng khẳng định quan điểm, bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ là cần thiết và bắt buộc phải làm nhưng không thể bảo hộ không rõ ràng làm xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác mà cụ thể ở đây là các khách sạn.

“Hiệp hội khách sạn là đơn vị đại diện cho nguyện vọng chính đáng của các khách sạn tại Đà Nẵng, chúng tôi không ngại thực hiện nghĩa vụ và tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên chúng tôi có quyền từ chối những quy định không rõ ràng, hiểu mập mờ về Luật”, Hiệp hội khẳng định.

Trao đổi với báo chí, bà Dương Thị Thơ, Phó chủ tịch Hiệp hội chia sẻ: “Với những lập luận và các cuộc họp vừa qua, chúng tôi kiến nghị Sở Du Lịch làm việc với Hội Nhạc Sĩ Việt Nam để có văn bản trả lời những thắc mắc của Hiệp hội. Trong khi chờ đợi, Hiệp hội Khách Sạn cùng các doanh nghiệp sẽ không thực hiện nghĩa vụ nộp phí quyền tác giả âm nhạc theo quy định của Trung Tâm Bảo Vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam”.

Bà Thơ cũng cho rằng, nếu không đối chất sòng phẳng với các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn mà đã tiếp tục thông báo thu phí một chiều như thời gian qua thì VCPMV sẽ không thu được một đồng phí nào.

Thùy Trang

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-doi-song/thu-phi-tac-quyen-qua-tivi-phong-khach-san-hiep-hoi-khach-san-da-nang-quyet-liet-tu-choi-vi-phi-vo-ly-565798.ldo