Thu tác quyền âm nhạc qua tivi: Thế giới không ai làm!

Các khách sạn đã ký hợp đồng sử dụng dịch vụ truyền hình trọn gói với nhà đài nên việc đóng thêm phí theo yêu cầu của VCPMC là vô lý.

VCPMC quá tùy tiện

Sáng 14/9, trao đổi với Đất Việt, bà Đỗ Hồng Xoan, Chủ tịch Hiệp hội khách sạn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch khẳng định việc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thu tiền quyền tác giả âm nhạc tại các phòng nghỉ khách sạn có tivi với mức phí 25.000 đồng/tivi từ tháng 10/2017 là hết sức vô lý và tùy tiện.

Theo bà Xoan, ngày 26/5, Cục bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đã yêu cầu trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam dừng ngay việc thu tiền bản quyền tác giả tại các khách sạn dùng tivi.

Bà Đỗ Hồng Xoan, Chủ tịch Hiệp hội khách sạn VN

Bà Đỗ Hồng Xoan, Chủ tịch Hiệp hội khách sạn VN

Việc thu tiền bản quyền tác giả tại các phòng lưu trú của khách sạn chỉ được thực hiện khi VCPMC đã xác định chính xác tác phẩm âm nhạc được khai thác, sử dụng của tác giả là chủ sở hữu và là hội viện của trung tâm này.

Ngoài ra, VCPMC phải xây dựng được định mức của quyền tác giả, tác phẩm được khai thác, sử dụng và tiến hành đàm phán với từng khách sạn. Nếu các khách sạn đồng thuận, VCPMC phải báo cáo về Bộ VH-TT-DL . Khi được Bộ chấp thuận mới được phép thu phí.

Đặc biệt, theo bà Xoan, hầu hết các khách sạn đều ký hợp đồng dịch vụ trọn gói đối với đài truyền hình hay công ty hoạt động trong lĩnh vực truyền hình đẻ cung cấp trọn gói các chương trình phim truyện, ca nhạc, tin tức... đảm bảo theo đúng luật pháp của Việt Nam.

“Nhà đài phải đảm bảo và chấp hành đóng phí bản quyền tác giả âm nhạc đối với các tác giả khi phát sóng chương trình.

Hợp đồng cung cấp dịch vụ của khách sạn Daewoo với truyền hình cáp có quy đinh rõ: đối với các kênh chương trình do bên B truyền dẫn tới khách sạn phải đảm bảo đúng quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật nội dung các kênh truyền hình này. Đảm bảo có đầy đủ bản quyền các kênh truyền hình mà bên B thu phí. Khi có xảy ra tranh chấp thì bên B chịu hoàn toàn trách nhiệm và phí tổn đối với gói kênh thu phí này.

Như vậy tất cả những gói phát trên ti vi hay khu vực công cộng ở trong khuôn viên của khách sạn hoặc khách sạn đã được trả phí thông qua các hợp đồng sử dụng dịch vụ hợp đồng trọn gói.

Do đó các khách sạn không phải trả phí thêm 1 lần nữa và yêu cầu của VCPMC là hết sức vô lý”, bà Xoan nhấn mạnh.

Một vấn đề khác được bà Xoan nhắc tới là tại các khách sạn cao cấp (4 sao, 5 sao) hầu hết là khách nước ngoài lưu trú. Người Việt Nam rất ít, chỉ 2-3 %, nhiều nhất là 5% khách. Họ không xem kênh truyền hình của Việt Nam mà hầu hết sử dụng kênh truyền hình nước ngoài.

Do đó việc VCPMC tuyên bố “không đóng tiền tác quyền, khách sạn có thể cắt nhạc trên tivi” hay “dù khách hàng có nghe hay không, khách sạn vẫn phải trả tiền” bà Xoan khẳng định là một sự áp đặt vô lý. Hơn nữa việc này cũng hoàn toàn trái với chỉ đạo của Thủ tướng về việc tập trung xử lý mọi vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch phát triển.

“Tôi không hiểu VCPMC đã ký thỏa thuận song phương với các quốc gia ở trên thế giới, với các tác giả nước ngoài để thực hiện việc thu phí hay chưa? Họ có được ủy thác của các tác giả đó không? Mà trong trường hợp được ủy thác thì khách sạn đã mua trọn gói rồi nên không cần phải trả tiền nữa. Thế giới không ai thu phí kiểu VCPMC.

Hiệp hội khách sạn sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của các địa phương để có những kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền cao hơn”, bà Xoan nhấn mạnh.

Trái luật, gây phiền toái cho khách sạn

LS Trương Xuân Tám, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, Bộ luật dân sự và Luật sở hữu trí tuệ đã quy định khá rõ về quyền tác giả đối với việc cho sử dụng tác phẩm âm nhạc của mình. Tuy nhiên quyền về tài sản (tác phẩm âm nhạc) thì quy định chưa rõ ràng, nếu áp dụng để áp đặt thu phí sử dụng tvi trong các nhà hàng, khách sạn là chưa thuyết phục.

“Bản chất quyền tác giả là một quyền dân sự, nên căn cứ để thu tiền sử dụng tài sản phải dựa trên các hợp đồng dân sự, chứ không thể áp đặt 1 phía. Các khách sạn không phải là người biểu diễn hoặc không là nhà sản xuất chương trình nên căn cứ để thu tác quyền vì “Biểu diễn tác phẩm trước công chúng” là không đúng đối tượng được quy định trong Luật sở hữu trí tuệ.

Các khách sạn phản ứng việc thu phí

Còn nói nếu khách sạn không đóng tiền tác quyền, khách sạn có thể cắt nhạc trên tivi là thách đố nhau và không phù hợp”, LS Tám nhấn mạnh.

LS Trương Xuân Tám thừa nhận, việc thu phí sử dụng tài sản qua tivi ở từng khách sạn là việc rất khó, và không thể chính xác, lại gây nhiều phiền toái, thắc mắc, kiện tụng nhau.

Theo ông Tám, Trung tâm bản quyền âm nhạc nên thống kê trung bình mỗi kênh truyền hình sử dụng một tháng bao nhiêu bài hát của hội viên của mình, để từ đó có thỏa thuận, hợp đồng thu tác quyền, quyền tài sản từ gốc, tức là từ các nhà đài, thì sẽ chuẩn xác hơn.

LS Trương Xuân Tám cho rằng Bộ VH-TT-DL nên yêu cầu tạm dừng thu tiền quyền tác giả âm nhạc trên tivi trong khách sạn. Đồng thời cần có nghiên cứu khoa học về cách thu, cũng như cần giải thích rõ hơn quyền tài sản trong Bộ Luật dân sự và Luật sở hữu trí tuệ, không để VCPMC đơn phương ra tối hậu thư thu tiền.

“VCPMC không phải là cơ quan quản lý nhà nước mà chỉ là một bên thực hiện các quyền dân sự về tác quyền âm nhạc, tránh hệ lụy kiện tụng phức tạp, giữa Trung tâm với hàng vạn khách sạn trong cả nước”, LS Tám nhấn mạnh.

Nguyễn Hoàn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/thu-tac-quyen-am-nhac-qua-tivi-the-gioi-khong-ai-lam-3343118/