Thủ tục vẫn hành… dân là chính

Theo kết quả của khảo sát của Tổ công tác liên ngành xây dựng Đề án đơn giản hóa TTHC trong thực hiện dự án đầu tư có quá nhiều nhiều rào cản bởi TTHC rườm rà, giấy phép mẹ, giấy phép con, TTHC thì mỗi nơi vận dụng một kiểu… đã đủ làm tan rã ý chí của nhà đầu tư khi muốn đầu tư vào Việt Nam.

Bao giờ người dân, doanh nghiệp mới hết

phàn nàn về nền hành chính công?

Thủ tục làm… tiêu tan mong muốn đầu tư

Kết quả khảo sát tại Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai và một số doanh nghiệp ở một số tỉnh, thành do Tổ công tác liên ngành xây dựng Đề án đơn giản hóa TTHC trong thực hiện dự án đầu tư vừa triển khai cho thấy, thời gian qua, các cải tiến của Chính phủ từ việc nâng mức ưu đãi đối với một số vùng, ngành nghề đã cho nhiều nhà kinh doanh thấy được Việt Nam là một môi trường đầu tư hấp dẫn, thân thiện.

Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều thủ tục không được giải quyết ngay tại chỗ hay theo cơ chế "một cửa” như thông báo. Trong vô vàn thủ tục đầu tư, bị đánh giá là phức tạp, khó hiểu nhất là thủ tục đầu tư liên quan đến đăng ký quyền sử dụng đất. Với dự án đầu tư thuận lợi nhất, thời gian làm thủ tục cũng khoảng 150 ngày. Tuy nhiên, trên thực tế hầu như không dự án nào có được may mắn ấy, quá trình được cấp quyền sử dụng đất bị kéo dài thêm rất nhiều dù không phải doanh nghiệp "không biết bôi trơn”. Có khi "bôi mãi mà chẳng trơn” như lời của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã từng nhận định.

Để được cấp phép đầu tư các khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp phải "chạy” 17 TTHC với thời gian khoảng 155 ngày. Riêng với trường hợp đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp phải hoàn thành 34 thủ tục trong khoảng thời gian chờ đợi là 580 ngày. Nhưng qua khảo sát chẳng có doanh nghiệp nào nhận được giấy phép đúng hạn định. Thậm chí, có nhiều trường hợp doanh nghiệp phải đợi trong vòng 10 năm mà vẫn chưa hoàn thành được thủ tục đầu tư. Trong khi với các nhà kinh doanh thì thời gian là tiền bạc là cơ hội. Cơ hội vuột qua rồi, chắc gì nhà đầu tư còn mong muốn tiếp tục đầu tư.

Điều nực cười là dù TTHC được quy định chung trong phạm vi cả nước nhưng chẳng hiểu vì sao mỗi địa phương lại vận dụng một kiểu. Kết quả khảo sát cho thấy, chỉ để thu hút đầu tư, có đến 39 quy trình khác nhau của 39 địa phương... khiến các nhà đầu tư như bị rơi vào mê hồn trận chẳng biết nên lựa chọn địa bàn nào để đầu tư.

Thủ tục đơn giản, cán bộ phức tạp

Trong lĩnh vực đầu tư là vậy, trong lĩnh vực cải cách TTHC nói chung vẫn còn nhiều điều phải bàn. Thời gian qua đã ghi dấu những kết quả bước đầu của một số địa phương đi đầu trong cải cách TTHC và đem lại hiệu quả thiết thực. Chẳng hạn, TP Phan Thiết (Bình Thuận), Quận 1 (TP Hồ Chí Minh) hay Đà Nẵng đã cử cán bộ xuống tận nhà dân để nhận hồ sơ xin làm thủ tục về nhà đất. Tuy nhiên đó chỉ là một số điểm sáng nhỏ nhoi.

Bộ Tư pháp cho biết, kiểm tra 898 văn bản của các bộ và địa phương đã phát hiện 218 văn bản có dấu hiệu chưa hợp pháp (chiếm hơn 24%). Còn tình trạng người dân và doanh nghiệp phàn nàn về nền hành chính vẫn hành dân là chính thì tỉnh nào cũng có.

Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân hàng đầu thì vẫn nằm ở phía cán bộ thực thi công vụ. Cục trưởng cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan khi bàn đến nguyên nhân chậm cải cách TTHC cho biết: Không ít cán bộ còn tâm lý "giữ an toàn cho chính mình” nên đẩy cái khó về phía người dân, doanh nghiệp. Có trường hợp phát hiện ra sự bất hợp lý trong TTHC, nhưng không kiến nghị sửa đổi… Và điều làm người dân bức xúc nhất nằm ở việc chính cơ quan công quyền đưa ra nhiều thủ tục nhiêu khê, rườm rà là để người dân, doanh nghiệp phải "chạy”, phải lo phí bôi trơn mới đạt mục đích. Điều này vô hình trung làm tăng chi phí đầu vào trong sản xuất, kinh doanh, hạn chế khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Lục Bình

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=67733&menu=1482&style=1