Thủ tướng Đức Angela Merkel đang đối diện với điều gì sau chiến thắng?

Bà Merkel giành kỷ lục về thời gian tại vị Thủ tướng Đức, tương đương Helmut Kohl. Ông Kohl là thủ tướng lâu năm nhất ở Đức trong lịch sử thời hậu chiến.

Thủ tướng Đức Angela Merkel - Ảnh: CNN

Không nằm ngoài dự đoán, cuối cùng, các kết quả kiểm phiếu cho thấy đương kim Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, đã chiến thắng trong cuộc bầu cử liên bang Đức và sẽ tiếp tục tại vị đến nhiệm kỳ thứ Tư.

Tuy nhiên, trong Quốc hội Đức, bà và đảng của bà đang có tầm ảnh hưởng yếu đi bởi trong cuộc bầu cử vừa qua họ chỉ giữ được 33,5% số phiếu ủng hộ, con số này thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng của giới chuyên gia.

Với chiến thắng này, bà Merkel giành kỷ lục về thời gian tại vị Thủ tướng Đức, tương đương Helmut Kohl. Ông Kohl là thủ tướng lâu năm nhất ở Đức trong lịch sử thời hậu chiến.

Theo CNN, ngay trước mắt, bà sẽ tiếp tục phải đối diện với những vấn đề bao gồm: cải tổ Liên minh châu Âu (EU); cuộc khủng hoảng châu Âu; nhập cư.

Nếu nhìn từ bên ngoài, nước Đức có thể vẫn còn được coi như chuẩn mực cho sự ổn định, thế nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia chính trị, con đường trước mắt của bà Merkel không hề bằng phẳng, nếu nhìn từ kết quả bầu cử Đức lần này.

Lần đầu tiên trong nửa thế kỷ, Đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) giành được vị trí thứ ba trong Quốc hội đức với 13% số phiếu ủng hộ.

Những người ủng hộ AfD đã hò reo khi kết quả thăm dò ý kiến cử tri được thông báo và đồng lãnh đạo Alexander Gauland thề sẽ "thay đổi đất nước này".

Trước trụ sở của đảng AfD ở Berlin, rất nhiều người ủng hộ đảng đã tập trung hò reo cùng với biển hiệu mang dòng chữ "Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc giết người", và "Hãy biến đi".

Hàng chục chính trị gia của đảng AfD đã vào được Quốc hội Đức, chắc chắn điều này sẽ tác động tiêu cực đến nền chính trị Đức, đất nước có nền kinh tế lớn nhất tại châu Âu.

Liên minh châu Âu (EU) hiện đang rối ren, phong trào cực hữu lan rộng, kể cả ngay chính tại Đức.

Nga đang có nhiều hoạt động diễn tập quân sự tại biên giới phía Đông của Liên minh châu Âu (EU) và tại một phần của Ukraine mà Nga đã chiếm được. Những tuyên bố của ông Donald Trump về việc nới lỏng bớt quan hệ liên minh chiến lược với châu Âu đang đặt toàn châu Âu vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Cùng lúc đó, nước Đức đang có quan hệ không mấy tốt đẹp với Thổ Nhĩ Kỳ, đất nước có tầm quan trọng cực kỳ lớn về địa chính trị tại châu Âu cũng như châu Á.

Nhiệm kỳ cuối cùng của bà Merkel sẽ để lại nhiều dấu ấn lên nước Đức, và có thể cả châu Âu. Bà Merkel lựa chọn liên minh với đảng Dân chủ Xã hội (SPD). Tuy nhiên đáng tiếc sự ủng hộ cho đảng này đang giảm khá nhanh, từ 34% phiếu ủng hộ vào năm 2005 xuống chỉ còn 21% phiếu ủng hộ vào năm 2017, mức thấp nhất trong thời kỳ hậu chiến.

Đảng SPD với chính trị gia Martin Schulz hiện đang giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao sẽ được coi như đối tác hoàn hảo để hỗ trợ bà Merkel trong việc cải tổ khu vực đồng tiền chung châu Âu và cả Liên minh châu Âu. Trong nỗ lực này, người đồng hành lớn nhất của họ sẽ là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Tuy nhiên đảng SPD cho biết họ sẽ chỉ muốn củng cố thêm quan hệ liên minh với đảng CDU của bà Merkel nếu đảng CDU chấp nhận cho một số tiêu chí mà đảng SPD đang xây dựng bao gồm: chế độ lương thưởng công bằng cho nam nữ, miễn phí hoàn toàn với các trường mẫu giáo và giới hạn tuổi về hưu ở mức 67 tuổi.

Khi tỷ lệ ủng hộ trong Quốc hội Đức không đủ đảm bảo cho đảng của bà quyền quyết định với các vấn đề quan trọng, chắc chắn con đường sắp tới bà Merkel sẽ không hề suôn sẻ.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su-the-gioi/thu-tuong-duc-angela-merkel-dang-doi-dien-voi-dieu-gi-sau-chien-thang-3217784.html