Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai

* Chủ trì Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam Ngày 18-12, tại TP Plây Cu, tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu ý kiến. Cùng dự, có lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư; hơn 400 doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Gia Lai là vùng đất có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội, với hệ thống giao thông khá đồng bộ gồm quốc lộ 14, 19, 25, đường Trường Sơn Đông kết nối các tỉnh Trung Bộ, Nam Bộ, Tây Nguyên, thông sang nước bạn Cam-pu-chia. Ngoài đường bộ, Gia Lai còn có cảng hàng không Plây Cu vừa được nâng cấp cải tạo, có khả năng cất/hạ cánh máy bay A320, 321. Hiện, tỉnh đã xây dựng Khu công nghiệp Trà Đa, đầu tư khép kín và mở rộng; Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) mở ra tiềm năng hợp tác phát triển lâu dài với Lào, Cam-pu-chia. Tỉnh có hơn một triệu ha rừng và đất rừng; gần 500 nghìn ha đất nông nghiệp; hơn 100 nghìn ha cao-su, sản lượng gần 100 nghìn tấn mủ khô; 78 nghìn ha cà-phê, sản lượng 197.500 tấn nhân; hơn 13.600 ha hồ tiêu, sản lượng 39.600 tấn,… Ngoài ra, Gia Lai còn có nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào để phát triển công nghiệp xi-măng, vật liệu xây dựng,… Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và biểu dương những kết quả trên các mặt kinh tế - xã hội, nhất là trên lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư mà tỉnh Gia Lai đã đạt được. Tuy nhiên, dù hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh, có điều kiện thuận lợi phát triển,… nhưng tỉnh vẫn chưa khai thác có hiệu quả; quy mô kinh tế còn nhỏ lẻ. Là địa phương có diện tích và sản lượng cà-phê lớn của khu vực Tây Nguyên, nhưng đến nay chưa có một thương hiệu cà-phê nào đủ tầm để cạnh tranh trong khu vực. Vì vậy, Thủ tướng lưu ý, thời gian tới cấp ủy, chính quyền địa phương cần tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, phát triển bền vững. Phải xây dựng chiến lược tài nguyên nước, phát triển hạ tầng đồng bộ; xây dựng chính sách ưu đãi (thuế, quỹ đất…), tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Phải xác định rõ Gia Lai có vị trí chiến lược quan trọng, vai trò trung tâm trong Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia, vì vậy trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền Gia Lai cần tập trung, nhanh chóng xây dựng quy hoạch phát triển bền vững, lâu dài; trong đó chú ý đến các tiềm năng, lợi thế, thực hiện liên kết vùng hiệu quả; coi nông nghiệp hữu cơ, công nghệ chế biến là thế mạnh.

Thủ tướng nhấn mạnh: Muốn thu hút được các nhà đầu tư, tỉnh Gia Lai phải xây dựng được chính quyền đối thoại, chủ động, tích cực tháo gỡ những vướng mắc cho các nhà đầu tư. Chính quyền phải ba cùng (cùng lo, cùng làm, cùng chia sẻ) với nhà đầu tư, động viên và tôn vinh các doanh nghiệp; chú trọng bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực cả về chất lượng và số lượng; chú trọng công tác giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm môi trường sống an toàn và xem đây chính là tiền đề quan trọng cho phát triển bền vững, thu hút các nhà đầu tư. Thủ tướng đề nghị tỉnh quan tâm nhiều hơn đến chính sách an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, bảo đảm giữ vững an ninh, chính trị trật tự - xã hội trên địa bàn,...

Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã trao quyết định và giấy chứng nhận cho 10 nhà đầu tư với số vốn đăng ký hơn 5.500 tỷ đồng; ký bản ghi nhớ với 12 nhà đầu tư với số vốn 15.320 tỷ đồng; công bố số vốn hỗ trợ hơn 5.000 tỷ đồng của các ngân hàng thương mại với các dự án đầu tư. Nhân dịp này, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã đóng góp vào Quỹ an sinh xã hội của tỉnh Gia Lai hơn 41 tỷ đồng.

Sáng cùng ngày, trước khi diễn ra hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu đã đến dâng hương tưởng niệm tại tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên ở Quảng trường Đại đoàn kết (TP Plây Cu).

* Chiều 18-12, tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị “Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam”, do Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA) Việt Nam tổ chức. Dự hội nghị, có đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, cùng hơn 500 đại biểu đại diện các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, Đại sứ quán các nước và các doanh nghiệp ngành nông nghiệp.

Hội nghị là dịp để Chính phủ, các bộ, ngành liên quan lắng nghe ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, kịp thời đề ra những chính sách hỗ trợ, hướng đến việc xây dựng một mô hình nông nghiệp kiểu mới với hình thức, quy mô và quy trình công nghiệp.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội nghị này của DAA Việt Nam và khẳng định: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng và Nhà nước. Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo lập môi trường quản lý, chính sách đồng bộ, thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao phát triển. Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, phấn đấu trong năm 2017, Việt Nam sẽ có một Khu tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên, làm tiền đề mở rộng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tại hội nghị, DAA Việt Nam đã đề xuất xây dựng nhiều mô hình tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao, dựa trên nền tảng của ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, liên kết chuỗi giá trị, lực lượng nòng cốt là doanh nghiệp hội viên. Tổ hợp là khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung có diện tích lớn, được chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng, quy tụ và liên kết chặt chẽ các doanh nghiệp trong toàn chuỗi để đạt mục tiêu sản xuất với năng suất cao, chất lượng tốt, có sức cạnh tranh ở cả trong nước và quốc tế, xây dựng chuỗi liên kết giá trị, doanh nghiệp hóa nông nghiệp, nông dân. Cách làm mới này sẽ góp phần làm thay đổi ngành nông nghiệp Việt Nam từ sản xuất truyền thống, giá trị gia tăng thấp sang nông nghiệp công nghệ cao, có giá trị vượt trội, hình thành một chuỗi giá trị nông nghiệp hiệu quả, góp phần cung cấp sản phẩm sạch, an toàn và chất lượng, nâng tầm vị thế của nông nghiệp Việt Nam trên thế giới một cách bền vững. Hội nghị cũng giới thiệu một số kinh nghiệm thành công trong ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết giá trị của các doanh nghiệp như Công ty TNHH Đầu tư thủy sản nam miền trung, Công ty cổ phần Hùng Nhơn, Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình,...

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đại diện lãnh đạo DAA Việt Nam đã nhấn nút khởi động Đề án ứng dụng công nghệ số trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, Sử dụng tem thông minh DAA STAMP truy xuất nguồn gốc và kiểm soát quy trình sản xuất thực phẩm an toàn. DAA Việt Nam đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác cung cấp thực phẩm an toàn, tem truy xuất nguồn gốc với lãnh đạo TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

DAA Việt Nam được thành lập ngày 21-9-2015 , là tổ chức xã hội - nghề nghiệp tự nguyện, thuộc T.Ư Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam. Sau hơn một năm thành lập, DAA Việt Nam đã tập hợp, liên kết khoảng 200 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và các lĩnh vực liên quan để ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nhằm phát triển nền nông nghiệp nước ta.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31589602-thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-du-hoi-nghi-xuc-tien-dau-tu-tinh-gia-lai.html