Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản; Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế thuộc Nghị viện châu Âu; các nhà đầu tư quốc tế

Chiều 14-9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) X.Hi-rô-si-ghê.

Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui mừng nhận thấy, quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển, trong đó quan hệ kinh tế, thương mại phát triển mạnh mẽ. Thủ tướng đánh giá cao việc METI Nhật Bản và Bộ Công thương Việt Nam nhanh chóng triển khai thực hiện những nội dung hợp tác quan trọng trong Tuyên bố chung; hai bên đã phối hợp chặt chẽ, phát huy hiệu quả cơ chế hợp tác Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản về hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng. Thủ tướng đánh giá cao METI hỗ trợ phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu nông, thủy sản Việt Nam.

Để thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai nước, Thủ tướng đề nghị phía Nhật Bản tạo thuận lợi và đẩy nhanh việc cấp phép nhập khẩu hoa quả tươi của Việt Nam vào Nhật Bản, trước mắt là quả vải, nhãn. Tăng cường hỗ trợ Việt Nam triển khai kế hoạch hành động các ngành công nghiệp ưu tiên trong chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong Khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, trong đó có việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than công nghệ hiệu suất cao, bảo đảm các tiêu chí môi trường; hợp tác trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, xây dựng lưới điện thông minh tại Việt Nam. Hỗ trợ Việt Nam tham gia tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, trong đó đặc biệt quan tâm hỗ trợ kỹ thuật toàn diện nâng cao năng lực đàm phán và thực thi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới; hỗ trợ Việt Nam cải cách mạnh mẽ DN nhà nước.

Thủ tướng cũng khẳng định quan điểm, Chính phủ Việt Nam ủng hộ, tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư Nhật Bản làm ăn thuận lợi tại Việt Nam; tin tưởng chuyến thăm này của Bộ trưởng đóng góp quan trọng góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước.

Bộ trưởng METI X.Hi-rô-si-ghê khẳng định, Nhật Bản mong muốn tăng cường mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam thời gian tới; sẵn sàng hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam lĩnh vực cải cách DN nhà nước; thảo luận với Việt Nam để xác định những hỗ trợ cụ thể. Về việc nới lỏng quy định cho phép nhập khẩu hoa quả Việt Nam vào Nhật Bản, ông cho biết hai nước đang tiến hành các thủ tục liên quan và phía Nhật Bản cũng ủng hộ tích cực đề xuất này. Về triển khai các nhóm ngành trong Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam, Nhật Bản sẽ có một gói hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy lĩnh vực này. Hai bên cũng sẽ thành lập tổ công tác về năng lượng như nhiệt điện than, năng lượng tái tạo...

Bộ trưởng cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam hỗ trợ một số dự án mà phía Nhật Bản đang xúc tiến ở Việt Nam được triển khai thuận lợi.

* Chiều 14-9, tại Nhà Quốc hội, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tiếp Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản X.Hi-rô-si-ghê.

Đồng chí Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng khi mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản thời gian qua đã được các thế hệ lãnh đạo hai nước vun đắp, đưa lên tầm cao mới, trong đó có sự đóng góp tích cực, hiệu quả của Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản; đánh giá cao kết quả, tình hình hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước; đề nghị Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tiếp tục tăng cường thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác đã ký; đẩy mạnh hợp tác thương mại, công nghiệp, năng lượng giữa hai nước; mong muốn Nhật Bản tạo thuận lợi và đẩy nhanh việc cấp phép nhập khẩu hoa quả tươi Việt Nam, trước mắt là vải và nhãn; hỗ trợ Việt Nam triển khai các kế hoạch hành động của sáu ngành công nghiệp ưu tiên trong Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030; đề nghị Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc tham gia tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, nhất là quan tâm tới các vấn đề kỹ thuật toàn diện, nâng cao năng lực đàm phán, thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Bộ trưởng X.Hi-rô-si-ghê khẳng định, chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 6 vừa qua của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đạt được thành công với nhiều biên bản hợp tác được hai bên ký kết; mối quan hệ Nhật Bản - Việt Nam được tăng cường, củng cố; cho biết trong thời gian tới, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tiếp tục hợp tác với các bộ, ngành liên quan của Việt Nam để góp phần tăng cường mối quan hệ tốt đẹp này.

* Chiều cùng ngày, tại Hà Nội, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh hội đàm với Bộ trưởng METI X.Hi-rô-si-ghê.

Tại hội đàm, hai Bộ trưởng tập trung thảo luận các nội dung thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển công nghiệp ô-tô và ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề xuất các nội dung hợp tác với Nhật Bản trong thời gian tới; đề nghị METI phối hợp Bộ Công thương tìm kiếm những giải pháp hiệu quả thúc đẩy hợp tác thương mại song phương.

* Chiều cùng ngày, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế thuộc Nghị viện châu Âu (INTA) B.Lan-giơ và đoàn công tác của INTA đang thăm làm việc tại Việt Nam.

Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh đoàn đến thăm Việt Nam trong thời điểm quan trọng khi FTA EU - Việt Nam (EVFTA) đang trong giai đoạn cuối rà soát pháp lý, chuẩn bị hướng tới ký kết và phê chuẩn Hiệp định; khẳng định, Việt Nam coi EU là một trong những đối tác quan trọng nhất; mong muốn thúc đẩy toàn diện quan hệ hợp tác với EU. Thủ tướng cảm ơn nỗ lực của phía EU trong việc xúc tiến đi tới ký kết Hiệp định EVFTA; mong hai bên tiếp tục nỗ lực để đi tới thành công. Thủ tướng đề nghị INTA và cá nhân Chủ tịch B.Lan-giơ tiếp tục xem xét, hỗ trợ, đóng góp tích cực, tạo điều kiện thuận lợi để sớm ký kết EVFTA; khẳng định Việt Nam luôn giành ưu tiên cao nhất để rà soát pháp lý, đi tới ký kết và phê chuẩn Hiệp định.

Chủ tịch INTA B.Lan-giơ khẳng định luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về các vấn đề liên quan thương mại giữa hai bên. Về EVFTA, phía EU đang nỗ lực hoàn tất Hiệp định vào dịp hè năm 2018. Như vậy, hai bên có khoảng một năm để xúc tiến hoàn tất các thủ tục cần thiết. Bản thân ông cũng đánh giá cao, hết sức ủng hộ, mong muốn Hiệp định sớm được ký kết. Ông bày tỏ ấn tượng về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội nhiều mặt mà Việt Nam đạt được thời gian qua, coi đây là cơ sở tốt để tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam và EU. Ở góc độ kinh tế, Hiệp định sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Chủ tịch INTA hoàn toàn tin tưởng, với truyền thống quan hệ đối tác tốt đẹp EU - Việt Nam, hai bên hoàn toàn có thể vượt qua mọi trở ngại để đi tới thành công, phê chuẩn EVFTA trong năm tới.

* Chiều cùng ngày, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp nhóm các nhà đầu tư quốc tế nhân dịp sang dự Hội nghị thường niên các nhà đầu tư toàn cầu tổ chức tại Việt Nam do ông N.Xa-pru, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered tại Việt Nam dẫn đầu.

Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh, đánh giá cao các nhà đầu tư đã lựa chọn Việt Nam là nơi tổ chức Hội nghị thường niên các nhà đầu tư toàn cầu; đánh giá cao sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với Việt Nam. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam nỗ lực thực hiện các chính sách để tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, phát triển thể chế, xây dựng kết cấu hạ tầng... Chính phủ Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN trong nước cũng như nước ngoài tại Việt Nam; coi thành công của các nhà đầu tư nước ngoài cũng là thành công của chính Việt Nam.

Nhân dịp này, Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam đang đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa các DN nhà nước, do vậy, mong các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm lĩnh vực này; mong các nhà đầu tư hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để cùng cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa, cùng làm ăn thành công. Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam sẵn sàng lắng nghe các ý kiến, giải đáp mọi thắc mắc của các nhà đầu tư nước ngoài.

Thay mặt các nhà đầu tư quốc tế, ông N.Xa-pru cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đang hết sức quan tâm thị trường Việt Nam. Việc các nhà đầu tư quốc tế chọn Hà Nội là nơi tổ chức hội nghị thường niên là minh chứng cho sự thành công của Chính phủ Việt Nam phát triển kinh tế, bảo đảm thành quả cho người dân Việt Nam. Các nhà đầu tư đánh giá, Việt Nam là thị trường năng động, có nhiều tiềm năng phát triển, trình độ dân trí cao… Standard Chartered đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư FDI; mong Chính phủ Việt Nam hỗ trợ hơn nữa các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn tại Việt Nam.

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/34093002-thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-tiep-bo-truong-kinh-te-thuong-mai-va-cong-nghiep-nhat-ban-chu-tich-uy-ban-thuong-mai-quoc-te-thuoc-nghi-vien-chau-au-cac-nha-dau-tu-quoc-te.html