Thủ tướng: Phải lắng nghe người dân trong giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm

Thủ tướng yêu cầu các địa phương, trong giải phóng mặt bằng các dự án giao thông trọng điểm phải xuống tận cơ sở lắng nghe ý kiến người dân xem họ muốn gì, đề xuất gì, phải đặt mình vào địa vị của họ, đảm bảo lợi ích cho nhân dân.

Phiên họp thứ 10 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT). Ảnh: VGP.

Không câu nệ gì cả, phải xuống cơ sở lắng nghe ý kiến người dân xem họ muốn gì, đề xuất gì, đặt mình vào địa vị của họ. Còn một hộ dân cũng phải xuống, mình không xuống thì ai xuống, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói với lãnh đạo các địa phương tại phiên họp thứ 10 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT), sáng 29/3.

Tại phiên họp trên, sau khi nghe báo cáo từ các Bộ, Thủ tướng đánh giá, sau cuộc họp lần thứ 9 của Ban chỉ đạo những nơi có dự án đi qua đã tích cực triển khai các nhiệm vụ đã đề ra với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", nhờ đó các dự án triển khai cơ bản đáp ứng tiến độ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, triển khai các dự án trọng điểm GTVT có ý nghĩa rất lớn,nhân dân vui mừng, phấn khởi, góp phần giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương có dự án và cả nước theo trục Bắc Nam và trục Đông Tây.

Thủ tướng lấy ví dụ, việc hoàn thành dự án mở rộng sân bay Điện Biên rất ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, đáp ứng nguyện vọng rất chính đáng của nhân dân, của những người đã cống hiến máu xương vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Năm 2024, Thủ tướng khẳng định khối lượng công việc là rất lớn, thời gian có hạn, yêu cầu các các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phát huy tinh thần vì nước vì dân để hành động.

Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành

Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, với Bộ GTVT Thủ tướng yêu cầu Bộ chỉ đạo các nhà thầu phối hợp với các địa phương hoàn thiện các thủ tục bảo đảm đủ trữ lượng và công suất để có thể khai thác các mỏ thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Chỉ đạo các doanh nghiệp dự án, nhà thầu thi công "3 ca 4 kíp" hoàn thành 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (đoạn đủ điều kiện yêu cầu kỹ thuật) và Cam Lâm - Vĩnh Hảo trước ngày 30/4.

Đôn đốc các nhà thầu khai thác các mỏ vật liệu xây dựng, tranh thủ điều kiện thời tiết thi công các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025, dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Biên Hòa - Vũng Tàu.

Phối hợp với các bộ, UBND tỉnh Đồng Nai báo cáo Quốc hội về nội dung bố trí tái định cư các hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và tuyến giao thông T1, T2 vào khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn thuộc Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

Nghiên cứu tổng thể kết nối giao thông giữa Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Long Thành, bao gồm đầu tư đường sắt kết nối (trên cao hoặc đi ngầm).

Xây dựng hệ thống thông tin, số hóa dữ liệu theo dõi tình hình, kết quả triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ ngành, địa phương tại cuộc họp. Ảnh: VGP.

Bộ TN&MT phối hợp với các cơ quan của Quốc hội rà soát các nghị quyết liên quan đến Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, phối hợp với Bộ GTVT rà soát khả năng cung ứng cát tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để phân bổ cung ứng cho các dự án trong khu vực phía Nam.

Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định giá vật liệu tại mỏ để các địa phương công bố giá làm cơ sở để các chủ đầu tư phê duyệt.

Bộ Tài chính hướng dẫn các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư để hoàn thiện các thủ tục liên quan đến các khoản vay ODA cho các dự án đường sắt đô thị, cao tốc Bến Lức - Long Thành, Mỹ An - Cao Lãnh.

Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thành lập đoàn công tác của Bộ và Tập đoàn đến các địa phương đẩy nhanh thủ tục liên quan di dời các đường điện cao thế, đáp ứng tiến độ thi công các dự án.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không (ACV), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) kiểm soát chặt chẽ chất lượng, tiến độ các dự án cảng hàng không, Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sớm bàn giao mặt bằng tại dự án Biên Hòa - Vũng Tàu.

Phải lắng nghe, chia sẻ với người dân trong giải phóng mặt bằng

Về công tác giải phóng mặt bằng, Thủ tướng yêu cầu các địa phương giải quyết dứt điểm mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 (đặc biệt là các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kiên Giang, Phú Yên), 3 dự án cao tốc trục Đông - Tây và 2 dự án vành đai trong quý 2/2024, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư, ổn định cuộc sống người dân tại các tỉnh Đồng Nai, Quảng Trị, phối hợp với EVN, Bộ Công Thương tổ chức di dời đường điện cao thế, ưu tiên các vị trí ảnh hưởng đến thi công.

Lãnh đạo địa phương phải sát tình hình, quyết liệt, chia sẻ với nhân dân thì mới làm được công tác giải phóng mặt bằng. Nhiều địa phương đã làm rất tốt, nhưng một số địa phương làm chưa tốt. Không câu nệ gì cả, phải xuống cơ sở lắng nghe ý kiến người dân xem họ muốn gì, đề xuất gì, đặt mình vào địa vị của họ. Còn một hộ dân cũng phải xuống, mình không xuống thì ai xuống.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Giao nhiệm vụ cho từng tỉnh, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Đồng Nai đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án Vành đai 3 TP HCM, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Biên Hòa - Vũng Tàu, đường kết nối sân bay Long Thành; phối hợp với Bộ KH&ĐT sớm phê duyệt điều chỉnh dự án giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành.

Về vật liệu xây dựng, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp cho phép các nhà thầu được khai thác tối đa công suất hoạt động của thiết bị, phương tiện và thời gian khai thác trong ngày để đảm bảo sản lượng khai thác tại các mỏ, tăng công suất khai thác các mỏ (nếu đủ điều kiện); rà soát các mỏ đang khai thác, các khu vực mỏ mới đặc biệt là tỉnh An Giang và Vĩnh Long, đảm bảo đến 30/6/2024 cung cấp đủ khối lượng cát đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Các tỉnh có nguồn vật liệu cát đắp (Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre…) hỗ trợ chủ đầu tư và các nhà thầu tiếp cận, khảo sát các mỏ cát trong địa bàn tỉnh.

Về thủ tục đầu tư, triển khai dự án, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu TP HCM, tỉnh Bình Phước phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài, Gia Nghĩa - Chơn Thành.

Các tỉnh Sơn La, Thái Bình, Ninh Bình, Lâm Đồng, Bình Dương phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, Ninh Bình - Hải Phòng, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

Tỉnh Lạng Sơn, Hòa Bình, Tiền Giang đẩy nhanh tiến độ lập thiết kế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư các Dự án Hữu Nghị - Chi Lăng, Hòa Bình - Mộc Châu, Cao Lãnh - An Hữu để sớm khởi công.

Thành phố Hà Nội đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư dự án thành phần 3 đường Vành đai 4, rà soát nguồn vốn Dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo để phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư.

TP HCM và Hà Nội sớm đưa dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên và Nhổn - Ga Hà Nội đoạn trên cao vào vận hành.

Thảo Ngân

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/thu-tuong-phai-lang-nghe-nguoi-dan-trong-giai-phong-mat-bang-cac-du-an-trong-diem-post33166.html