Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đột phá vượt lên, phát triển kinh tế số ngang tầm khu vực và quốc tế

Chỉ đạo tại phiên họp tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2023, chiều 28/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số khẳng định, công cuộc chuyển đổi số quốc gia lấy yếu tố người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể nên đã huy động được sự tham gia, nhận được sự thụ hưởng đầu tiên của nhân dân, mang lại những thành công bước đầu.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng, thể hiện quyết tâm và khát vọng của Việt Nam trong chuyển đổi số gắn với phát triển kinh tế - xã hội (ảnh chụp màn hình trực tuyến).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng, thể hiện quyết tâm và khát vọng của Việt Nam trong chuyển đổi số gắn với phát triển kinh tế - xã hội (ảnh chụp màn hình trực tuyến).

Ông Nguyễn mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Phó chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) cho biết, đây là năm thứ 4 Việt Nam thực hiện CĐS quốc gia, là Năm dữ liệu số, gắn CĐS quốc gia với nhiệm vụ trung tâm phát triển kinh tế - xã hội. “Kinh tế số là mũi tên trúng 2 đích, vừa tăng trưởng GDP vừa tăng năng suất lao động”, Bộ trưởng khẳng định.

Thông tin tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, chương trình CĐS quốc gia, chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đặt ra 62 mục tiêu. Trong đó, 18 mục tiêu đã hoàn thành (đạt 29%), 27 mục tiêu có khả năng hoàn thành cao (chiếm 43,5%) và 17 mục tiêu cần phải nỗ lực tập trung mới có thể hoàn thành đúng hạn (chiếm 27,5%). Riêng kế hoạch năm 2023 đặt ra 126 nhiệm vụ, trong đó 102 nhiệm vụ đã hoàn thành, đạt tỷ lệ 81%.

Chuyển đổi số quốc gia tại Bộ Công an được nêu điển hình tại phiên họp khi ngành triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã tạo thuận lợi cho người dân thực hiện các dịch vụ công.

Đối với thể chế số, Luật Giao dịch điện tử sửa đổi năm 2023 quy định giá trị pháp lý của các thành tố cơ bản để chuyển đổi các giao dịch từ môi trường thực lên môi trường số, giúp nhiều luật hiện nay có hiệu lực thi hành ngay trên môi trường số. Đây được xem là luật cơ bản về CĐS.

Về hạ tầng số, trong giai đoạn 2021-2023, Bộ TT&TT điều phối các doanh nghiệp viễn thông phủ sóng di động tại 2.433/2.853 vùng lõm sóng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân chủ trì tại điểm cầu Cà Mau.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân chủ trì tại điểm cầu Cà Mau.

Tuy nhiên, với nguồn nhân lực số, những tồn tại, hạn chế dai dẳng vẫn là chất lượng đào tạo. Theo khảo sát của TopDev (nhà tuyển dụng chuyên về IT, là một tổ chức tuyển dụng uy tín) cho thấy, chỉ có khoảng 35% sinh viên tốt nghiệp đáp ứng kỹ năng và chuyên môn của nhà tuyển dụng. Sinh viên đào tạo ra không đáp ứng, yêu cầu phải đào tạo lại hoặc chuyển nghề, gây lãng phí lớn đến nguồn lực xã hội trên lĩnh vực số hóa.

Bên cạnh đó, việc triển khai nền tảng số còn chậm. Giải pháp là triển khai nền tảng số cần phát huy vai trò tham gia của 4 bên. Trong đó, bộ ngành có vai trò chủ trì phát triển hoặc đặt hàng triển khai các nền tảng số; doanh nghiệp chủ động phát triển nền tảng số hoặc phát triển theo đặt hàng; địa phương đóng vai trò thúc đẩy sử dụng…

Xác định Việt Nam cần tìm ra không gian mới, động lực phát triển mới để tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động, theo đó, Bộ TT&TT đề xuất Ủy ban Quốc gia về CĐS chọn chủ đề hành động năm 2024 là: “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động” để triển khai thực hiện.

Vai trò của doanh nghiệp trong chuyển đổi số quốc gia được xác định là rất quan trọng, cần tích cực và nâng cao vị thế hơn nữa trong chuyển đổi kinh tế số. (Ảnh chụp tại bộ phận hạ tầng kỹ thuật Viễn thông Cà Mau).

Vai trò của doanh nghiệp trong chuyển đổi số quốc gia được xác định là rất quan trọng, cần tích cực và nâng cao vị thế hơn nữa trong chuyển đổi kinh tế số. (Ảnh chụp tại bộ phận hạ tầng kỹ thuật Viễn thông Cà Mau).

Phát biểu tại hội nghị, điểm lại những mặt còn tồn tại, hạn chế, chưa đạt được trong CĐS quốc gia, nhất là trên lĩnh vực số hóa hồ sơ, cải cách hành chính, hạ tầng số, nguồn nhân lực…, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng nguyên nhân là do người đứng đầu còn thiếu quyết tâm, chưa có nhiều cơ chế.

Thủ tướng cho rằng, quan điểm phát triển kinh tế số năm 2024 dựa vào 4 trụ cột: “Công nghiệp - Công nghệ thông tin - Số hóa các ngành kinh tế - Quản trị, dữ liệu số” làm nền tảng và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, là phù hợp với sự chỉ đạo của Chính phủ trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 là tăng tốc và bứt phá.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong CĐS luôn phải có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt theo phương pháp khoa học, thực tiễn và hiệu quả. Tạo đột phá hơn nữa với quan điểm toàn diện, tổng thể, không để ai bị bỏ lại phía sau trong công cuộc CĐS. Ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo để bắt kịp, đột phá vượt lên trong phát triển kinh tế số ngang tầm khu vực và quốc tế, xây dựng nền kinh tế số độc lập, tự chủ.

Cùng với đó, phát triển kinh tế số phải lấy tri thức và dữ liệu số làm yếu tố sản xuất chủ yếu, công nghệ số làm động lực, cốt lõi và hạ tầng số hiện đại làm nền tảng quan trọng để đẩy nhanh công cuộc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, mô hình quản trị văn minh, hiện đại, thực hiện khát vọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…

Trần Nguyên

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-dot-pha-vuot-len-phat-trien-kinh-te-so-ngang-tam-khu-vuc-va-quoc-te-a30690.html