Thư về tòa soạn: Ứng dụng công nghệ số ở huyện Tam Nông

Xác định công tác chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, các cấp, các ngành và các địa phương của huyện Tam Nông (Đồng Tháp) triển khai thực hiện quyết liệt chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực và đạt những kết quả tích cực, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Tam Nông có khoảng 30.000ha lúa, hàng nghìn héc-ta hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày cùng với nhiều vườn cây ăn quả các loại. Thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, huyện đã lắp đặt 6 trạm giám sát côn trùng thông minh; cùng với đó, đa số người dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất như hệ thống tưới tiết kiệm nước, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái... Tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình hiện có tổng diện tích lúa canh tác dao động 150-200ha/vụ, đơn vị đã chủ động trong chuyển đổi số mang lại nhiều tiện ích thiết thực. Ông Chung Văn Liệu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình chia sẻ: “Nhờ có trạm giám sát côn trùng thông minh và thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật đã giúp giảm công lao động của người dân, giảm chi phí hơn trước. Việc chuyển đổi số đã mang lại hiệu quả tích cực trong quá trình sản xuất nông nghiệp”.

 Thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa tại huyện Tam Nông.

Thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa tại huyện Tam Nông.

Trong lĩnh vực du lịch, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet là du khách có thể tìm hiểu được nhiều thông tin về các điểm tham quan, di tích lịch sử, thanh toán không dùng tiền mặt... Chị Lê Thanh Hằng, du khách đến từ quận 7, TP Hồ Chí Minh cho biết: “Vừa qua có dịp đến vườn sinh thái Hoàng Hảo (xã An Hòa, huyện Tam Nông), tôi rất hài lòng với việc chuyển đổi số ở đây. Từ mua vé, tìm hiểu thông tin, dịch vụ của vườn sinh thái đến thanh toán các chi phí đều được thực hiện trên điện thoại, rất tiện lợi cho khách du lịch”.

Đến nay, toàn huyện Tam Nông có 12 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thị trấn và 58 tổ công nghệ số cộng đồng khóm, ấp. 100% doanh nghiệp trên địa bàn huyện sử dụng hóa đơn điện tử và nộp thuế điện tử. Đồng chí Phạm Thị Minh Thi, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin, thành viên Ban chỉ đạo chuyển đổi số huyện Tam Nông cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận và ứng dụng chuyển đổi số vào cuộc sống, lao động và sản xuất...”. Việc triển khai, thực hiện công tác chuyển đổi số ở huyện Tam Nông đã tạo nhiều thuận lợi và tiện ích cho người dân.

Bài và ảnh: TRẦN TRỌNG TRUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/thu-ve-toa-soan-ung-dung-cong-nghe-so-o-huyen-tam-nong-777282