Thư viện Mỹ khó đáp ứng nhu cầu cao về sách điện tử và sách nói

Nhiều thư viện tại Mỹ đang phải vật lộn với chi phí tăng vọt của sách điện tử và sách nói.

Cứ mỗi khi tác giả nổi tiếng Robin Cook ra sách mới, nhiều thư viện tại Mỹ, trong đó có thư viện công cộng ở West Haven, đều biết rằng nhu cầu về sách điện tử của ấn phẩm mới sẽ rất cao. Và cả mức giá cũng như vậy.

Tình thế khó khăn của các thư viện Mỹ

Theo AP, hiện nay, các đầu sách số tại thư viện Mỹ thường có mức giá cao hơn nhiều ấn bản in ngoài thị trường. Trong khi các thư viện mua ấn bản cứng với giá 18 USD, thì họ phải chi tới 55 USD để thuê ấn bản điện tử, con số không thể giảm do không đàm phán được với các nhà xuất bản.

Dù bỏ ra số tiền cao như vậy, nhưng các thư viện không sở hữu ấn bản điện tử vĩnh viễn. Thời hạn thuê mỗi ấn bản thường kéo dài 1-2 năm hoặc sau 26 lần thuê, tùy điều kiện nào đến trước. Khi hết thời hạn, thư viện phải đàm phán lại với nhà xuất bản để gia hạn nếu muốn tiếp tục có quyền truy cập.

Các thư viện Mỹ gặp khó khi giá cho thuê sách điện tử, sách nói và các tài liệu số đang ở mức quá cao. Ảnh: AP.

Thư viện West Haven với ngân sách khiêm tốn đã chi hơn 12.000 USD trong ba năm qua để thuê thêm 276 đầu sách số, ngoài các ấn bản phổ thông khách hàng có thể truy cập trong hệ thống liên kết giữa các thư viện. Hiện nay, số lượng ấn bản số được thuê thêm tại West Haven đã giảm 84 cuốn do thiếu ngân sách.

Nói về tình trạng không còn đủ tiền gia hạn thuê sách số, thủ thư Colleen Bailie tại West Haven cho biết: “Hãy tưởng tượng sau khi dùng tiền thuế để xây một sân chơi ở trường học, sau đó nó bị dỡ bỏ sau hai năm sử dụng”.

Trước tình trạng này, các thủ thư ở một số bang tại Mỹ đang kêu gọi chính phủ ban hành luật giới hạn mức giá thuê và dỡ bỏ một số hạn chế đối với tài liệu số do thể loại này đang ngày càng phổ biến kể từ đại dịch COVID-19.

Lập trường cứng rắn của giới xuất bản

Tuy nhiên, động thái này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ ngành xuất bản Mỹ. Nhiều nhà xuất bản cho rằng các đạo luật như vậy sẽ làm suy yếu giá trị sở hữu trí tuệ và sẽ gây tổn hại cho hệ sinh thái xuất bản.

Các nhà xuất bản cũng cho rằng tình hình hiện tại là công bằng vì họ cho các thư viện thuê sách điện tử và các đầu sách này có thể cho rất nhiều độc giả mượn lại. Trong quá trình này, các nhà xuất bản và các đơn vị bán sách điện tử khác đã bị thiệt vì những độc giả mượn được sách từ thư viện sẽ không có nhu cầu mua từ họ nữa.

Tại Mỹ, sau khi trở thành thành viên của các thư viện công cộng, người dân thường có quyền tiếp cận miễn phí nhiều loại sách, tạp chí, báo và các tài liệu khác, cả bản in và điện tử. Tùy từng thư viện, một số nơi có thể tính phí các dịch vụ hoặc tài liệu cụ thể. Tuy nhiên, mức phí vẫn rất thấp so với việc độc giả mua, truy cập dịch vụ, tài liệu đó bên ngoài.

Shelley Husband, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách làm việc với chính phủ tại Hiệp hội các nhà xuất bản Mỹ, cho biết: “Họ (các thư viện) thực sự gặp vấn đề về kinh phí, nhưng câu trả lời không phải là lấy tiền ra khỏi túi của các tác giả và hủy hoại quyền của người sáng tạo cũng như thông qua các đạo luật vi hiến”.

Theo dữ liệu do OverDrive, một nhà phân phối nội dung số lớn cho thư viện và trường học, độc giả trên toàn cầu đã mượn 662 triệu sách điện tử, sách nói và tạp chí số vào năm 2023, tăng 19% kể từ năm 2022.

Libraries Online, một tập đoàn liên thư viện tại Mỹ, đang chi khoảng 20.000 USD mỗi tháng để thuê sách điện tử cho 38 thành viên của mình. Chủ tịch ban sách điện tử Libraries Online Rebecca Harlow cho biết việc thay thế các đầu sách hết hạn tiêu tốn 20% ngân sách của tập đoàn.

Bà Harlow gần đây chia sẻ: “Nếu chúng tôi thay thế toàn bộ nội dung hết hạn trong năm nay, chi phí sẽ vượt quá toàn bộ ngân sách hàng năm dành cho sách số. Chúng tôi hoàn toàn mất khả năng xây dựng bộ sưu tập của thư viện.”

Hệ lụy tới người tiêu dùng

Không chỉ các thư viện mà người dùng cũng đang gặp khó khăn trong tình trạng hiện nay. Casey Rosseau, 53 tuổi, ở West Hartford, Connecticut là một khách quen của thư viện địa phương.

Ông Rosseau là một nhân viên công nghệ thông tin và thị lực ngày càng kém. Ông đọc khoảng 200 cuốn sách nói mỗi năm thông qua ứng dụng Libby của OverDrive trên điện thoại và thường nằm trong danh sách chờ hàng tháng đối với những tựa sách ăn khách nhất.

Vào năm 2021, bang Maryland đã thông qua luật yêu cầu các nhà xuất bản cung cấp sách điện tử với “điều khoản hợp lý” cho các thư viện nếu những đầu sách đó phục vụ đa số công chúng. Tuy nhiên, đạo luật này đã bị một thẩm phán bác bỏ vào năm 2022, sau khi các nhà xuất bản lập luận rằng luật bản quyền liên bang cấm các bang quản lý các giao dịch xuất bản. Thống đốc New York Kathy Hochul đã phủ quyết một biện pháp tương tự vào năm 2021.

Bà Julie Holden, trợ lý giám đốc Thư viện công cộng Cranston ở Rhode Island, nói rằng nếu không thay đổi luật pháp, các thủ thư địa phương không chỉ gặp nhiều khó khăn về tài chính mà còn tốn thêm thời gian liên tục rà soát danh sách các thỏa thuận thuê sách số sắp hết hạn để quyết định xem liệu họ có nên chi tiền để gia hạn hay không.

“Những người nộp thuế cho các thư viện công cộng xứng đáng nhận được những dịch vụ tốt hơn nhiều”, bà Julie nói.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://znews.vn/thu-vien-my-kho-dap-ung-nhu-cau-cao-ve-sach-dien-tu-va-sach-noi-post1464762.html