Thua đậm tại tòa, sắc lệnh Trump chưa tới điểm kết?

Dù tòa phúc thẩm liên bang Khu vực 9 vẫn giữ nguyên việc đình chỉ sắc lệnh của ông Trump, chính quyền của ông vẫn còn nhiều lựa chọn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/2 đã bị một đòn giáng mạnh về pháp lý khi tòa phúc thẩm liên bang Khu vực 9 tại San Francisco đã từ chối khôi phục lệnh cấm đi lại tạm thời ông Trump đưa ra trước đó đối với người dân từ 7 quốc gia Hồi giáo chiếm đa số.

Hội đồng 3 thẩm phán Tòa phúc thẩm liên bang khu vực 9 đã nhất trí phán quyết rằng chính quyền Trump đã không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào cho thấy mối quan ngại an ninh quốc gia đặt ra yêu cầu phải ngay lập tức khôi phục lại lệnh cấm đi lại trên.

Đối mặt đòn giáng pháp lý

Ngay sau khi tòa án đưa ra phán quyết 29 trang, Trump đã tweet: "Hẹn gặp các ông tại tòa án, an ninh quốc gia của chúng ta đang bị đe dọa!" Ông nói với các phóng viên rằng chính quyền của ông cuối cùng sẽ giành chiến thắng trong vụ án và chỉ trích đây là một phán quyết "chính trị".

Bộ Tư pháp, đã tham gia phiên điều trần trước tòa ngày 7/2 cho biết họ đang đánh giá phán quyết trên và xem xét các lựa chọn của mình.

Trước đó, các tiểu bang Washington và Minnesota đã đệ đơn kiện sắc lệnh của ông Trump, làm dấy lên các cuộc biểu tình và sự hỗn loạn ở Mỹ và bên ngoài các sân bay vào cuối tuần qua. Hai bang này cho rằng lệnh cấm của ông Trump đã vi phạm Hiến pháp bảo vệ chống lại sự kỳ thị tôn giáo.

Tổng thống Trump làm việc tại Nhà Trắng. (Nguồn: Reuters)

Khi được hỏi về tweet của ông Trump, Tổng chưởng lý bang Washington Bob Ferguson cho biết: "Chúng tôi đã đối mặt với ông ấy tại tòa hai lần, và chúng tôi đã thắng cả hai."

Trong khi tòa án cho biết họ không thể quyết định liệu sắc lệnh trên có phân biệt đối xử chống lại một tôn giáo cụ thể nào hay không cho đến nhận được thông tin đầy đủ, tuy nhiên, các bang đã đưa ra bằng chứng về "nhiều tuyên bố" từ Tổng thống Trump "về ý định áp đặt một lệnh 'cấm người Hồi giáo'. "

Tòa án cũng cho rằng chính phủ đã không chứng minh được bất kỳ người nào từ bảy quốc gia bị cấm đã tham gia tấn công khủng bố tại Hoa Kỳ trong khi các bang đã chỉ ra được rằng nếu phục hồi lệnh cấm trên, dù chỉ là tạm thời cũng sẽ mang lại nhiều thiệt hại.

Chính quyền phản bác lại rằng tòa án không có quyền truy cập vào các thông tin được phân loại mật về các mối đe dọa với đất nước - điều chỉ Tổng thống được phép. Các thẩm phán phản đối rằng "tòa án thường xuyên nhận được thông tin mật niêm phong."

Chưa phải là điểm kết?

Việc sử dụng biện pháp hạn chế nhập cảnh vào Mỹ vì an ninh quốc gia đã là trung tâm trong chiến dịch tranh cử của ông Trump năm 2016, ban đầu được đề xuất như một lệnh cấm tạm thời đối với tất cả người Hồi giáo.

Trong khi đã bày tỏ sự thất vọng về các thách thức pháp lý đối với sắc lệnh của mình, chính quyền ông Trump vẫn còn một số lựa chọn.

Hai trong ba thẩm phán tại tòa phúc thẩm khu vực 9 ra phán quyết vừa qua được bổ nhiệm bởi các cựu Tổng thống Dân chủ là Jimmy Carter và Barack Obama, và một người được bổ nhiệm bởi cựu Tổng thống Cộng hòa George W. Bush.

Chính phủ có thể yêu cầu Tòa phúc thẩm khu vực 9 đưa ra hội đồng thẩm phán có số lượng lớn hơn để xem xét lại phán quyết lần này hoặc kháng cáo trực tiếp lên Tòa án tối cao Hoa Kỳ, nơi có thể sẽ quyết định kết quả cuối cùng của vụ án.

Cố vấn cấp cao Nhà Trắng Kellyanne Conway nói với Fox News: "Đây là một phán quyết tạm thời và chúng tôi hoàn toàn tự tin rằng chúng tôi sẽ tiếp tục tại tòa án và có cơ hội thảo luận về vấn đề này để đi tới chiến thắng."

Khi được hỏi liệu chính quyền có đưa vụ việc này tiến tới Tòa án tối cao hay không, bà nói: "Tôi không thể bình luận về điều đó. ... Ông ấy (Trump )sẽ trao đổi với các luật sư và đưa ra quyết định ".

Nếu chính quyền Trump kháng cáo lên Tòa án tối cao, sẽ cần tới năm trong số tám thẩm phán để bỏ phiếu ủng hộ sắc lệnh của ông Trump. Kịch bản này có thể gặp khó khi các thẩm phán tòa án được chia đều giữa tự do và bảo thủ là 4-4, có nghĩa là chính phủ sẽ cần phải nhận được sự ủng hộ của ít nhất 1 trong các thẩm phán tự do.

Hội đồng quan hệ Mỹ-Hồi giáo cho biết trong một tuyên bố: "Chiến thắng này không nên dẫn đến sự tự mãn. Sắc lệnh này và các sắc lệnh hay chính sách khác của ông Trump vẫn đặt ra một mối đe dọa cho cộng đồng da màu thiểu số, tôn giáo, phụ nữ hay những cộng đồng khác. "

Đảng Dân chủ, phe thiểu số trong Quốc hội Mỹ đã chúc mừng động thái này.

Nhà lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi cho biết trong một tuyên bố email: "Sự liều lĩnh của chính quyền đã đem lại nhiều thiệt hại đáng kể cho các gia đình, và làm suy yếu cuộc chiến chống khủng bố. Vì lợi ích của giá trị và an ninh của Mỹ, Đảng Dân chủ sẽ tiếp tục thúc đẩy việc thu hồi các lệnh cấm nguy hiểm và bất hợp hiến của Tổng thống Trump."

(Theo Reuters)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/thua-dam-tai-toa-sac-lenh-trump-chua-toi-diem-ket-228032.html