Thừa nhận kinh doanh đồ dởm, CEO phá nát công ty trong vòng 10 giây

Trong một lúc cao hứng, CEO của một công ty kinh doanh đồ trang sức đã thừa nhận công ty mình kinh doanh “đồ dởm nên mới có giá rẻ như vậy!”. Ngay lập tức, đế chế tỷ đô mà ông gây dựng đã sụp đổ trong tích tắc.

Gerald Irving Ratner lúc còn là CEO của Ratner Group. Ảnh: BusinessBlogs

Gerald Irving Ratner (sinh ngày 1/11/1949 tại Anh) thừa hưởng công ty kinh doanh đồ trang sức của cha mình vào năm 1984. Ngay sau đó, ông đã biến Ratner Group từ một công ty bán lẻ trở thành đế chế tỷ đô chỉ trong vòng 6 năm sau khi tiếp quản.

Với phương châm đánh mạnh vào thị hiếu của khách hàng ở tầng lớp lao động với các dòng trang sức giá rẻ, ông đã biến công ty của mình thành một trong những công ty kinh doanh trang sức lớn nhất, chiếm 50% thị phần tại thị trường Anh quốc.

Không có gì khó hiểu khi cuộc sống của Ratner thời điểm này thường gắn liền với xe hơi đắt tiền, nhà cửa, du thuyền, phụ nữ và ông cũng thường hay lui tới nhiều sự kiện xã hội lớn.

Cuộc sống trong mơ ấy của Ratner có lẽ vẫn sẽ tiếp diễn cho đến ngày hôm nay nếu như không có cái ngày định mệnh ấy, cái ngày ông được mời đến nói chuyện với tư cách là một diễn giả tại Viện Giám đốc Hoa Kỳ trước hơn 6.000 doanh nhân và các nhà báo vào ngày 23/4/1991.

Ông bà ta thường nói, “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” với hàm ý nhắc nhở chúng ta trước khi nói ra điều gì phải suy nghĩ thật kỹ. Tuy nhiên, Gerald Ratner lại không hiểu điều đó... trước khi trả lời các câu hỏi của khách mời.

“Làm thế nào mà giá sản phẩm có thể rẻ như vậy được? Ông trả lời: Bởi vì tất cả đều là đồ dởm (từ crap: đồ đểu, đồ tào lao,...)”.

Chưa dừng lại, ông bồi thêm: “Bán một đôi bông tai có giá dưới một pound, rẻ hơn so với một chiếc bánh sandwich tôm từ Marks and Spencer, thử hỏi sản phẩm sao mà bền được!”.

Như mọi người đều có thể đoán được, các phương tiện truyền thông đã có một ngày làm việc bận rộn. Những phát biểu của Ratner đã xuất hiện hầu hết trên trang bìa các tờ báo lớn.

Cho dù ngay sau đó, Ratner đã đăng đàn giải thích đó chỉ là những câu nói đùa. Tuy nhiên, tất cả đều đã quá muộn, cổ phiếu của công ty đã bốc hơi 500 triệu Bảng chỉ trong một vài ngày. Các cửa hàng của Ratners Group bắt đầu vắng vẻ dần.

Và khái niệm “Ratner effect” (hiệu ứng Ratner) được hình thành từ đây, nhằm ám chỉ các trường hợp phát ngôn bừa bãi ảnh hưởng đến chuyện làm ăn tương tự như trường hợp của Ratner.

Một năm sau, hàng trăm trong tổng số gần 2.000 cửa hàng Ratner bắt đầu đóng cửa và hàng nghìn người lao động bị mất việc. Gerald I. Ratner sau đó từ chức vào tháng 11/1992 và Công ty đã đổi tên thành Signet Group vào năm 2002 với hy vọng làm sống lại quá khứ hoàng kim của mình.

Đây là bài học được lan truyền mạnh mẽ trong giới kinh doanh, doanh nhân trên toàn thế giới. Sai lầm không ai có thể ngờ này đã khiến một đế chế kinh doanh trị giá hàng tỷ đô sụp đổ trong tích tắc.

Hà Lý (Theo BusinessBlogs)

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/thua-nhan-kinh-doanh-do-dom-ceo-pha-nat-cong-ty-trong-vong-10-giay-d51801.html