Thừa Thiên Huế: Cá 'tử thần' xuất hiện nhiều bất thường, dân khốn khổ

Tình trạng cá nóc xuất hiện bất thường rất nhiều ở vùng biển Thừa Thiên Huế trong thời gian gần đây đang khiến ngư dân điêu đứng. Bởi cá nóc cắn phá ngư lưới cụ, làm giảm năng suất đánh bắt hải sản của ngư dân...

Cá nóc cắn phá ngư lưới cụ của ngư dân gây thiệt hại nặng

Dân điêu đứng

Có mặt tại các xã bãi ngang của huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên Huế), PV nhận thấy trên khuôn mặt của ngư dân mang sắc thái đượm buồn. Khi hỏi ra mới biết là sau chuyến đi biển về, họ thiệt hại nặng vì cá nóc xuất hiện cắn phá ngư lưới cụ của họ khiến sản lượng giảm sút, thu nhập thấp hơn hẳn.

Trao đổi với PV, ngư dân Nguyễn Băm (60 tuổi, thôn Hòa Duân, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) cho hay, mấy ngày trước ông mới đi biển về và sản lượng giảm sút do cá nóc xuất hiện nhiều và dính vào lưới. “Năm nay tôi thấy cá nóc quá nhiều. Chúng cắn lưới của tôi khiến lưới chả có cá, thu nhập còn có vài trăm nghìn thay vì vài triệu như trước. Trước đây tôi thường bủa lưới thời gian 1-2 giờ thì nay còn khoảng vài chục phút do sợ cá nóc phá lưới, nếu trúng luồn nó đi thì xong...”.

Còn ngư dân Trần Hối (xóm Xuân An, thôn Hòa Duân) chia sẻ: “Gần đây tôi đi biển thì cá nóc ăn sạch hết cá, nó làm “bấy” lưới, rách lưới hết. Thả câu chỗ nào thì chúng cắn sạch chỗ đó. Tôi phải ở nhà cả tháng để vá lưới, nếu hư nặng thì phải mua lưới mới, tốn tiền triệu...”.

Tính riêng trên địa bàn thị trấn Thuận An, đã có hơn 140 tàu cá hành nghề lưới rê bị cá nóc cắn phá ngư cụ, thất thoát thủy sản. Ước tính thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng. “Trong mấy chục năm tôi đi biển thì tôi thấy năm nay thiệt hại quá nhiều. Mới chỉ 5 tháng mà phần lưới của tôi đã bị toe, khả năng sang năm sẽ thay mới do cá nóc phá...”- anh Bùi Hùng (trị trấn Thuận An) bức xúc.

Ngư dân Nguyễn Băm chia sẻ với PV về sự việc

Theo kinh nghiệm của những ngư dân, cá nóc thường xuất hiện vào thời điểm mùa hè, tức là từ tháng 5 đến tháng 8 dương lịch. Không chỉ đánh bắt xa, trung bờ, ngư dân đánh bắt gần bờ vùng cửa biển, đầm phá cũng gặp khó khăn vì cá nóc xuất hiện nhiều. Trung bình với mỗi chuyến khai thác gần bờ với 10 tấn hải sản như cá trích cá hố, thì ngư dân phải đổ bỏ từ 1-2 tấn cá nóc lạc vào mảnh lưới...

Ở một số một số xã biển thuộc các huyện Quảng Điền, Phú Lộc của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang thiệt hại nặng do cá nóc gây ra, thuyền thúng phải nằm bờ...

Đang tìm nguyên nhân

Được biết, cá nóc sống ở tầng đáy, sát đáy biển, hoặc vùng cửa sông, nước lợ có thân dài từ 4 đến 40cm, vây ngắn, đầu to, mắt lồi, thịt trắng. Độc tố cá nóc có thành phần chủ yếu là Tetrodotoxin, thuộc nhóm độc tố thần kinh cực kỳ nguy hiểm, tập trung cao nhất ở gan và trứng, độc tính tăng mạnh vào mùa sinh sản. Đây là loài cá được mệnh danh là cá “tử thần”.

Theo thống kế của xã Phú Thuận, toàn xã có 56 tàu xa bờ và gần 130 thuyền bãi ngang với khoảng 800 lao động. Trong đó, riêng đánh bắt xa bờ bằng rường câu cá hố thường trực có khoảng 200 lao động. Số lao động này hiện nay đang gặp khó khăn vì cá nóc cắn phá câu gây hư hỏng nhiều ngư lưới cụ.

Thuyền của ngư dân nằm bờ, không thể ra khơi

“Năm nay không biết vì môi trường, khí hậu thay đổi thế nào mà cá nóc xuất hiện số lượng số đàn nhiều hơn, chứ mọi năm cũng có mà ít thôi. Chính quyền cũng đã làm việc với người dân để nắm tình hình và kêu gọi không được chế biến cá nóc dù bất cứ trường hợp nào...”- ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận trao đổi với PV.

Ông Ngô Văn Đủ- Phó Chủ tịch UBND  thị trấn Thuận An cho biết đã báo cáo cho UBND huyện cũng như Sở NN&PTNT biết để có hướng chỉ đạo, tìm hiểu. Thị trấn cũng đã tuyên truyền qua các phương tiện đại chúng để bà con không nên ăn cá nóc. Ngoài ra tiếp tục vận động ngư dân vươn khơi bám biển, tránh xa khu vực được khuyến cáo có nhiều cá nóc và tiếp tục tìm vùng biển mới để khai thác...

Theo ông Nguyễn Đình Đức- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế, do cá đi theo luồng, xuất hiện theo mùa và không tuân thủ quy luật nào nên việc khuyến cáo cho ngư dân vùng đánh bắt là rất khó.“Việc cá nóc xuất hiện nhiều trong thời điểm hiện nay là hiện tượng tự nhiên. Hiện Sở đang tìm hiểu nguyên nhân loài thủy sản này tại sao lại xuất hiện nhiều vậy...”- ông Đức cho hay.

Trước tình trạng trên, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã khuyến cáo người dân không được chế biến, sử dụng cá nóc làm thực phẩm dưới mọi hình thức để tránh các trường hợp ngộ độc, tử vong đáng tiếc xảy ra.

Bài, ảnh: Thế Anh

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/suc-khoe-doi-song/201708/thua-thien-hue-ca-tu-than-xuat-hien-nhieu-bat-thuong-dan-khon-kho-2837932/