Thừa Thiên Huế: Tăng cường công tác hậu kiểm sau cấp phép khai thác mỏ

Tại kỳ họp thứ 4, khóa VII (nhiệm kỳ 2016-2021) của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa diễn ra giữa tháng 7/2017; Dự thảo Nghị quyết về Qui hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của tỉnh được thông qua; công tác hậu kiểm sau cấp phép khai thác mỏ được các đại biểu chú trọng thảo luận.

Kỳ họp thứ 4, khóa VII (nhiệm kỳ 2016-2021) của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua Dự thảo Nghị quyết về Qui hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản

Thông qua Dự thảo

Trong kỳ họp thứ 4, Dự thảo Nghị quyết về Qui hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Thừa Thiên Huế đã được thông qua.

Theo dự thảo, toàn tỉnhThừa Thiên Huế hiện có 21 mỏ đá (tổng diện tích 157,397 ha) làm vật liệu xây dựng thông thường với trữ lượng 47.052.893 m3; 2 mỏ than bùn (tổng diện tích 145,71 ha) với trữ lượng 1.808.369 tấn; 16 mỏ đất làm vật liệu san lấp (tổng diện tích 111,23 ha) với trữ lượng 8.865.728 m3; 4 mỏ đất sét làm nguyên liệu gạch ngói (tổng diện tích 23,94 ha) với trữ lượng 1.394.212 m3; 5 mỏ khoáng sản phân tán nhỏ, lẻ (đã hoặc đang thực hiện thăm dò) với tổng diện tích 37,038 ha.

Dự thảo Nghị quyết Qui hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 tập trung vào 4 nhóm: Khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, đất sét, đất làm vật liệu san lấp.

Đáng chú ý là khoanh định loại bỏ 19 khu vực mỏ trong Quy hoạch 2010- 2015 ra khỏi quy hoạch đến năm 2020 do ảnh hưởng giao thông, đất an ninh quốc phòng, gần khu dân cư và khó khăn thị trường tiêu thụ…gồm: 4 mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường (18,8 ha), 15 khu vực mỏ đất làm vật liệu san lấp (235,6 ha).

Nhìn chung, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn Thừa Thiên Huế trong thời gian qua triển khai khá tốt, tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp khác như xây dựng, giao thông, sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hoạt động khai thác khoáng sản đã tạo công ăn việc làm và đóng góp một phần vào vào Ngân sách tỉnh.

Việc cấp phép hoạt động khoáng sản được thực hiện theo quy định pháp luật và các Quy hoạch được phê duyệt. Các mỏ được phép khai thác đều được thăm dò đánh giá trữ lượng có dự án đầu tư và báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về khoáng sản, luật bảo vệ môi trường.

Tỉnh Thừa Thiên Huế cần tăng cường giám sát công tác hậu kiểm sau cấp mỏ khoáng sản

Tăng cường công tác hậu kiểm sau cấp mỏ

Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh chỉ ra, mặc dù đạt những kết quả nhất định, song tình trạng vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương, làm thất thoát tài nguyên, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh về giá khoáng sản (đất làm vật liệu san lấp, đất sét...), gây bức xúc trong nhân dân, nhất là hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Được biết, từ 1/7/2011 đến ngày 20/6/2017, Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực khoáng sản, ban hành 122 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 31 tổ chức và 91 cá nhân, với tổng mức xử phạt tiền là 598 triệu đồng. Ngoài ra, Công an tỉnh đã chuyển giao 409 trường hợp để Sở TN& MT xem xét, xử lý, qua đó, đã tiếp tục ban hành 409 Quyết định xử phạt đối với 61 tổ chức và 348 cá nhân với số tiền phạt là 2,216 tỷ đồng.

Các đại biểu HĐND tỉnh cũng cho rằng, công tác hậu kiểm sau cấp phép khai thác mỏ của các cơ quan cấp phép chưa thực hiện thường xuyên. Bên cạnh đó, vai trò giám sát, kiểm tra của chính quyền địa phương, nhất là cấp xã có quy hoạch mỏ khoáng sản chưa được thực hiện tốt.

Về quy hoạch các mỏ khoáng sản, trên cơ sở đánh giá và dự báo nhu cầu khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh của UBND tỉnh, các đại biểu đã tán thành việc quy hoạch 86 mỏ khoáng sản với diện tích khai thác mỏ với diện tích là 1.313,875 ha (28 khu vực mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường, 15 khu vực mỏ sét gạch ngói, 03 khu vực mỏ than bùn, 05 khu vực mỏ phân tán nhỏ lẻ và 35 mỏ đất làm vật liệu san lấp).

Sau khi Nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua, đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm chỉ đạo các ngành liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với công tác hậu kiểm sau cấp phép; giám sát tình hình thực hiện phục hồi môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động khoảng sản theo quy định nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.

Bài & ảnh: Thế Anh

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/tai-nguyen-va-cuoc-song/201707/thua-thien-hue-tang-cuong-cong-tac-hau-kiem-sau-cap-phep-khai-thac-mo-2825874/