Thuần phục trâu phải tránh… đàn bà

Đó là bí quyết của anh Trịnh Trọng Phượng, trú làng Bằng, xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa). Anh Phượng chỉ cao 130cm và nặng chưa đầy 40kg nhưng lại được trời ban cho 'biệt tài' thuần phục tất cả những con trâu hung dữ nhất mà khổ chủ không huấn luyện được.

Bằng "biệt tài" của mình, anh Phượng đã làm con trâu tuân theo mệnh lệnh trước sự thán phục của nhiều người.

Vỏ quýt dày có móng tay nhọn

Đang mắt nhắm, mắt mở, tôi nhận được điện thoại của ông Phạm Hữu Ngũ - Trưởng Công an xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Lộc vào một sáng tinh mơ ngày đầu tháng 5 Giáp Ngọ. Giọng ông oang oang phía đầu dây bên kia rằng: “Cháu rỗi không? Về liền đi, có đề tài nóng cho cháu viết đó”. Ông Trưởng Công an xã không nói rõ việc gì khiến tôi vừa lo lắng, vừa tò mò, chả hiểu ở quê mình xảy ra chuyện lành hay dữ! Phóng xe về tới đầu làng, tôi bốc điện thoại, giọng ông vẫn oang oang: “Cháu chạy thẳng ra bến đò (cách trung tâm xã khoảng 2km) nhé, chú đang ở ngoài đó”. Tôi lại cắm cổ, cắm đầu lao ra bãi sông thì hỡi ôi, ông Trưởng Công an xã và anh Phượng lùn đang hì hục đánh vật cùng con trâu to lừng lững với những bắp thịt nổi lên cuồn cuộn.

Ông Phạm Hữu Ngũ phàn nàn: “Ai đời, chú mần (làm) công an viên, rồi lên giữ chức Trưởng Công an xã nhiều năm qua, đối diện với bao tên tội phạm hiểm nguy, sẵn sàng chống đối người thực thi pháp luật nhưng chú không sợ. Giờ mua con trâu này về, thím mi chăm bẵm hơn năm trời, mong muốn trâu sớm biết cày, bừa, kéo xe phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ai ngờ con trâu “bất kham” cứng cổ, cứng đầu quá”. Thì ra là vậy, ông Ngũ mang con trâu ra bãi sông Mã tập kéo xe suốt cả tuần qua nhưng trâu không chịu ngoắc sừng vào ách (dụng cụ hình tam giác nối với hai càng xe đặt trên cổ để trâu kéo). Ông Ngũ bộc trực: “Rứa mới tức chứ. Nhiều lúc điên tiết, chú định cho một búa đinh làm thịt nhưng thím mi can mãi, chú mới chịu ní (đó)”.

Trong khi ông Ngũ đang phân trần với tôi trong tâm trạng phấn khích thì anh Phượng lại mềm mỏng như người cha dỗ dành, nịnh nọt đứa con nhỏ không chịu uống sữa vậy. “Ngoan con, ngoan con. Từ từ thôi con, bước chân trái trước vào con. Ngoan nào, ngoan nào con”, anh Phượng dỗ trâu. Vừa nói, tay trái người đàn ông có dáng vóc thấp bé vừa cầm chiếc dây thừng xỏ mũi dắt trâu, tay phải vuốt ve vùng giữa trán con vật.

Thấy người lạ sờ đầu, con trâu không có biểu hiện tấn công trở lại nhưng cứ đứng ì ra, không nhúc nhích. Anh Phượng lại mồi cho con vật nắm cỏ non, trâu vồ vập đứng hếch mõm ngược lên trời “nạp” thức ăn. Lúc này, anh Phượng vẫn kiên trì, tay trái cầm thừng, tay phải hết xoa đầu, chuyển sang xoa vào các xoáy trên lưng, mông trâu. Chỉ vào chiếc xoáy ở bả mông và xoáy nằm trên hai bả vai chân trước, xoáy đóng giữa đầu, anh Phượng ngán ngẩm: “Con ni, tôi không vực được nữa thì chỉ còn cách đập một búa, xẻ thịt cho nhanh”. Song anh lại chốt câu “trước sau chi rồi mi cũng phải khuất phục tau thôi”.

Lúc này khoảng 10h sáng, trời đổ nắng gắt, cơ thể anh Phượng nhễ nhại mồ hôi, mọi người bất lực đứng nhìn “khắc tinh” của những con trâu dữ tợn nài nỉ, rót những lời ngọt ngào vào… tai trâu. Ấy thế mà ngưu ta vẫn “kiên trì” đứng im một chỗ. Tôi nhận thấy trong ánh mắt anh Phượng như có lửa đốt. Song trâu cũng không vừa, nó gằm mặt xuống, mắt long lanh như thách thức bất cứ ai bắt nó phải lao động nặng nhọc. Anh Phượng luồn dây thừng qua càng xe rồi quấn chặt vào bàn tay trái thô ráp ép con trâu phải nâng chân. Thời gian giằng co kéo dài khiến giữa người và vật thấm mệt, lúc này bắt đầu có dấu hiệu tiến triển. Trâu bước hai chân trước vào càng nhưng nó quỳ xuống hướng mắt về người đàn ông “tí hon” như kiểu van xin “ông đừng bắt tôi làm việc mà tôi không thích”. Anh Phượng tiếp tục mồi thêm cho trâu nắm cây ngô non. Trâu nằm nhai chậm rãi mặc cho mọi người hướng mắt về phía nó.

Lại thêm 15 phút trôi qua, thú thật, lúc này tôi cũng thấy nản, không tin anh Phượng có thể thuần phục được con trâu siêng ăn, nhác làm này. Anh Phượng tay nâng càng xe, miệng nói: “Đứng dậy con, cố lên con”. Đúng là vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Con trâu nhổm dậy, ngoắc chiếc sừng bên trái vào ách xe rồi… đứng nghỉ. Mắt nó lúc này giảm bớt sự hằn học, song miệng vẫn nhởn nhơ nhai thức ăn. Anh Phượng mắc dây xích sắt vào hai càng xe để trâu không thể chui đầu ra được nữa.

Sự nhẫn nại của người đàn ông đặc biệt đã có hiệu nghiệm. Trâu bất ngờ kéo chiếc xe không tải đi dọc bãi sông trong sự vui mừng của vợ chồng gia chủ cùng những người đứng xem. Cho trâu kéo xe đi một vòng khoảng 500m và quay về điểm xuất phát, mắt anh Phượng dãn ra, những vết hằn căng cứng trên khuôn mặt chai sạm khi trâu chưa tuân thủ mệnh lệnh cũng chùng xuống rồi khóe miệng anh nở nụ cười mãn nguyện. Cơ bản, con trâu cứng đầu đã chấp nhận kiếp đời của mình.

Đi làm phải kiêng cữ

Giao trâu và xe cho ông Trưởng Công an xã Vĩnh Quang tiếp tục điều khiển lượn dọc bờ tả sông Mã, anh Phượng ngồi chia sẻ những kinh nghiệm về cái nghề không thầy, thợ nào chỉ bảo này. Tuy không phải mê tín nhưng theo người đàn ông “đặc biệt” đúc rút thì mỗi lần đi vực trâu, bò thuê cho bà con nông dân, anh đều phải kiêng cữ rất cẩn thận. Anh Phượng nói: “Khi nhận được đề nghị của “khách hàng”, đêm hôm trước mình không được phép… gần vợ, có “thèm mấy” cũng phải cố mà “nín lại”.

Trong bữa sáng, tuyệt nhiên cấm uống ngụm rượu nào. Vì mình có hơi men, trâu, bò sẽ thấy mùi lạ, trở nên hung hãn hơn sẽ vô cùng khó khăn khi thuần hóa. Điều cấm kỵ cuối, thuộc dạng hên xui đó là nếu bước ra khỏi nhà mà gặp phụ nữ đang đến… tháng thì coi như hỏng việc. Những lần đi làm, tôi đều phải nhờ con trai ra cổng nhìn xem có ai không, khi nào thấy đàn ông bước ngược về phía cổng nhà mình thì ra ám hiệu để bố xuất phát”.

Thuở nhỏ, vào những đêm trăng sáng, người viết bài này vẫn thường nghe thấy “anh Phượng còi” ra bờ sông cất cao giọng hò đối đáp với mấy chị thanh niên đang tuổi cập kê đứng bên bờ tả. Cứ nghĩ rằng, anh vui vẻ như vậy là để vơi đi nỗi buồn số phận. Song ông trời không lấy đi của ai tất cả, nhờ vào “tài lẻ” của mình, người thanh niên này đã trở thành “thần tượng” đối với chị Trịnh Thị Thiệu, trú xã Quý Lộc, huyện Yên Định.

“Lúc đầu tôi chỉ tò mò khi anh Phượng đến vực con trâu đã làm em trai tôi vất vả nhiều ngày nhưng nó vẫn không tuân thủ mệnh lệnh. Song lạ kỳ ở chỗ, anh Phượng thấp lùn, sau một hồi loay hoay đánh vật, trâu ngoan ngoãn nghe lời. Sự tò mò đó nhanh chóng nảy nở tình cảm trai gái. Mẹ tôi mất sớm, tôi là con cả gần như phải đảm đương những công việc của bà để chăm sóc các em. Gặp anh Phượng vừa có tài lại đồng cảnh ngộ nên chúng tôi dễ dàng thấu hiểu, chia sẻ bao chuyện buồn, vui rồi nên vợ, nên chồng, sinh con, đẻ cái”, chị Thiệu chia sẻ.

Anh Phượng hồi ức lại kỷ niệm xưa: “Tôi là con út trong gia đình có 5 anh, chị em. Mẹ kể, ngay khi cất tiếng khóc chào đời, tôi đã có biểu hiện bất thường, thân hình còi cọc, thường xuyên bị ốm, đến năm lên 9 tuổi, chiều cao của tôi chính thức dừng lại ở mức 130cm, đi khám các bác sĩ đều kết luận tôi mắc tật lùn bẩm sinh. Cứ tưởng cuộc đời mình coi như bỏ đi nhưng rồi nhờ nghề vực trâu, tôi gặp được Thiệu. Cô ấy đã mang đến niềm hạnh phúc, tặng cho tôi hai đứa con, có nếp, có tẻ, giúp tôi vững tin vươn lên trong cuộc sống”.

Tôi hỏi, anh biết vực trâu từ bao giờ? Anh Phương khẳng định, cái nghề không tên trong sách vở đến với anh cách nay đã 20 năm, khi đó anh tròn 26 tuổi. Vì vóc dáng nhỏ bé nên ngày ngày anh được cha mẹ chỉ giao duy nhất việc đi chăn trâu. Rồi “biệt tài” bất ngờ đến với anh khi người mẹ thân sinh sắp về với tổ tiên. Trong lúc hấp hối, bà dặn dò cậu con trai út rằng: “Sau này con sẽ được nhận lộc trời, lộc này gắn bó với con trâu, con bò”. Lời của người mẹ quá cố đã trở thành hiện thực. Anh Phượng nhớ như in: “Đó là năm 1993, khi bố tôi vực con trâu kéo cày mãi không được nên tôi xin thử sức. Thật lạ kỳ, con trâu ngay lập tức nghe lời tôi, xới hết hết thửa ruộng”.

Từ đó, anh Phượng bắt đầu được người dân trong xóm, trong xã nhờ vực trâu giúp. Sự “nổi tiếng” của người đàn ông này nhanh chóng lan tỏa ra các xã, huyện lân cận. Anh Phượng không thể nhớ được, trong suốt 20 năm qua, bản thân đã vực được bao nhiêu trâu bò. Nhưng ước lượng cũng phải lên đến hàng nghìn con. Điều đáng nói nữa, đó là anh Phượng không bao giờ mặc cả giá trước khi vực trâu, bò. Chỉ đến khi công việc của anh có kết quả như mong muốn thì tùy chủ nhân đưa bao nhiêu, anh quý bấy nhiêu. “Có nhà khó khăn, họ trả công bằng ít gạo nếp, chai rượu nút lá chuối, mình vẫn vui vẻ nhận. Tất cả mọi người nông dân đều khổ như nhau chú ạ”- anh Phượng tâm sự.

ANH TUẤN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phong-su/thuan-phuc-trau-phai-tranh-dan-ba-199933.bld