Thúc đẩy hơn nữa ngoại giao nhân dân Việt Nam - Ấn Độ

Nhà báo, nhà văn, nhà hoạt động cánh tả kỳ cựu của Ấn Độ, ông Geetesh Sharma, 85 tuổi, hiện là Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Ấn Độ-Việt Nam.

Ông Sharma trong chuyến thăm trụ sở Báo SGGP ngày 30-8

Ông Sharma trong chuyến thăm trụ sở Báo SGGP ngày 30-8

Ông đã có rất nhiều đóng góp cho quan hệ hai nước, viết nhiều sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Nam. Ông là người con của thành phố Calcuta, bang Tây Bengal, nơi có nhiều dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhân chuyến thăm Việt Nam và thăm Báo SGGP, ông Sharma đã có cuộc trò chuyện thân mật với phóng viên Báo SGGP.

- PHÓNG VIÊN: Xin ông cho biết truyền thống quan hệ Việt Nam-Ấn Độ, đặc biệt là vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru?

>> Ông SHARMA: Mối quan hệ Việt Nam-Ấn Độ xuất phát từ hơn 2.000 năm qua. Mối quan hệ đó ngày càng đơm hoa kết trái với nền tảng vững chắc do Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru và Chủ tịch Hồ Chí Minh thiết lập. Thủ tướng Jawaharlal Nehru thăm Việt Nam năm 1954; ngài đã gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên tại một hội nghị quốc tế ở Brussels năm 1929. Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm thành phố Calcuta (Kolkata, bang Tây Bengal) 3 lần. Lần thứ nhất vào năm 1911 (khi Bác Hồ mang tên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước - PV). Khi đó Nguyễn Tất Thành làm đầu bếp. Con tàu ghé Calcuta trước khi đến các nước châu Âu và Mỹ. Lần thứ hai Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Calcuta vào năm 1946 trên đường sang Pháp dự hòa đàm. Chủ tịch Hồ Chí Minh ở khách sạn The Lalit Great Easten tại Calcuta 2 ngày 1 đêm. Khách sạn này (hiện là khách sạn 5 sao) vào năm 2015 trang trọng gắn bảng tên Hồ Chí Minh tại nơi Người đã lưu trú. Lần thứ ba Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Ấn Độ là chuyến thăm chính thức vào tháng 2-1958 trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chuyến thăm đó, sau nhiều chặng dừng chân ở các địa phương của Ấn Độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Calcuta trong chặng cuối chuyến thăm.

Tôi may mắn được nhìn thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm của Người đến Calcuta năm 1958. Khi đó tôi được nghe diễn văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Calcuta, Người gặp gỡ với mọi tầng lớp nhân dân Calcuta như những người thân, bắt tay với cả người làm vườn. Hình ảnh của Người thật dung dị, hiền hòa. Điều đó được báo chí Calcuta nói riêng và Ấn Độ nói chung lúc đó đánh giá rất cao. Người đã trồng 2 cây lưu niệm ở Calcuta. Calcuta là nơi duy nhất ở Ấn Độ có tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và là một trong 2 nơi ở Ấn Độ có con đường mang tên Hồ Chí Minh (con đường còn lại ở New Delhi) do chính nhân dân Calcuta đặt và sau đó Chính phủ công nhận.

- Xin ông đánh giá về mối quan hệ Việt Nam-Ấn Độ hiện nay?

Về quan hệ thương mại, Ấn Độ là đối tác lớn thứ 10 của Việt Nam và đang tiếp tục gia tăng. Về quân sự, hai nước có quan hệ hợp tác gần gũi. Nhưng quan hệ ngoại giao nhân dân, trong đó có hợp tác về văn học đã không theo kịp với quan hệ kinh tế và quân sự. Rất ít tác phẩm văn học của Việt Nam dịch ra tiếng Ấn Độ và ngược lại mặc dù 2 nước có mối quan hệ văn hóa truyền thống rất lâu đời. Phật giáo du nhập từ Ấn Độ vào Việt Nam và đến văn hóa Hindu. Ngoài ra, chúng ta nên có nhiều hoạt động, như hội thảo, để giúp các thế hệ người dân Ấn Độ và Việt Nam ngày nay hiểu biết hơn nữa về mối quan hệ thân thiết Việt Nam-Ấn Độ, nhất là trong giai đoạn Việt Nam kháng chiến chống xâm lược, mọi người dân Ấn Độ đều hết lòng ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Hơn nữa, nhiều người dân Ấn Độ hiện nay không hiểu biết rõ về tình hình phát triển của Việt Nam. Vì vậy, chúng ta nên thúc đẩy hơn nữa ngoại giao nhân dân, tăng cường hợp tác du lịch. Chúng ta cần có đường bay trực tiếp giữa các thành phố lớn của hai nước để đưa nhân dân hai nước gần nhau hơn.

- Kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông về Việt Nam?

Đó là vào năm 1992, chúng tôi đến thăm Việt Nam và gặp gỡ nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và nhiều lãnh đạo khác của Việt Nam. Đặc biệt, khi chúng tôi đến thăm một trường học ở Hà Nội. Khi đó có từ 5 đến 6 em học sinh phải dùng chung một cuốn sách vì Việt Nam lúc đó vẫn còn rất nghèo không thể đủ sách cho từng học sinh. Thậm chí quần áo đồng phục cũng không có. Tôi có hỏi các em rằng các em là những người nghèo phải không. Một em nam sinh nói rằng vâng ạ, chúng cháu nghèo nhưng rất hãnh diện vì biết chia sẻ khó khăn với nhau. Và chúng cháu tin rằng đất nước sẽ vượt qua khó khăn để phát triển. Lời nói đó đến nay vẫn còn rất ấn tượng với tôi. Giờ đây đất nước các bạn đang phát triển với tốc độ nhanh. Đặc biệt, nữ quyền ở Việt Nam cao hơn bất kỳ nước nào ở Đông Nam Á. Ngay cả ở Ấn Độ, phụ nữ cũng còn bị ràng buộc nhiều về tôn giáo và tầng lớp. Có thể nói kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh và vai trò của phụ nữ Việt Nam ngày càng cao là 2 điều gây ấn tượng mạnh nhất với tôi.

THỤY VŨ (thực hiện)

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thuc-day-hon-nua-ngoai-giao-nhan-dan-viet-nam-an-do-465323.html