Thúc đẩy kết nối hạ tầng Vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam

Mười năm qua, Vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam (Vùng KTTĐPN), gồm 8 tỉnh, thành: TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh và Bình Phước có mức tăng trưởng cao hơn mức chung của cả nước 1,5 lần.

Dù chỉ chiếm 8% diện tích đất đai và 17% dân số của cả nước nhưng sản xuất hơn 40% GDP, chiếm 40% giá trị kim ngạch xuất khẩu, đóng góp 60% ngân sách quốc gia và thu hút hơn 50% tổng vốn đầu tư nước ngoài của cả nước.

Song, để phát huy tiềm năng kinh tế của toàn Vùng, mới đây, tại Hội nghị Hội đồng Vùng KTTĐPN, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, cần phải tăng cường việc kết nối hạ tầng giao thông, đặc biệt tại các cửa ngỏ, nhằm phát huy tối đa hiệu quả kinh tế Vùng, đặc biệt là nhóm cảng biển, dịch vụ cảng.

Vào tháng 7, trong chuyến kiểm tra, khảo sát hoạt động của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (thuộc Cụm cảng số 5, gồm các cảng tại TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu), Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đánh giá, hiện nay, cụm cảng này hoạt động chưa hiệu quả là do việc quy hoạch chưa chặt chẽ, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ.

Trong khi Cảng Cát Lái hoạt động vượt công suất (lượng xe ra vào cảng đã quá tải, khiến cung đường Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống trở thành một trong hai điểm nóng về ùn tắc giao thông), thì cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải lại chưa khai thác hết công suất.

Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải có 35 cảng, hiện đã đưa vào khai thác 17 cảng, bao gồm 7 bến cảng container, 3 bến cảng chuyên dụng xăng dầu và 7 cảng tổng hợp, hàng rời với tổng công suất 93 triệu tấn/năm. Các cảng container đã được đầu tư với tổng vốn trên 1 tỷ USD với chiều dài cầu bến 4km, đi vào hoạt động từ năm 2009 với tổng công suất hơn 6,8 triệu TEUs/năm.

Lượng hàng xuất nhập khẩu trực tiếp qua hệ thống cảng biển của khu vực này 5 năm qua tăng bình quân 16%/năm, trong đó hàng container tăng bình quân 17%/năm, tuy nhiên, hiệu quả khai thác còn thấp, trung bình mỗi năm khoảng 1,2 triệu TEUs, chỉ đạt khoảng 18% công suất.

Để phát huy hiệu quả Cụm cảng số 5, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng bổ sung và điều chỉnh lại quy hoạch, huy động nguồn vốn để kết nối hạ tầng giao thông (đường bộ, đường thủy, đường sắt) trong và ngoài cụm cảng với các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế của TP.HCM và cả khu vực.

Liên quan đến vấn đề trên, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã kiến nghị các bộ, ngành trung ương xem xét, bố trí vốn để xây dựng các tuyến đường huyết mạch, liên vùng, có ý nghĩa quan trọng trong việc kích thích kinh tế toàn Vùng, điển hình như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (đoạn Biên Hòa - Cái Mép) để kết nối với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, xây dựng 8km phía Đồng Nai của cầu Phước An để kết nối cụm cảng Cái Mép - Thị Vải với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và khu công nghiệp Nhơn Trạch, bố trí tiếp vốn cho đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải.

Đáng chú ý là việc xem xét, bổ sung kết nối tuyến Metro số 1, không chỉ từ TP.HCM đến Đồng Nai, Bình Dương mà kéo dài đến Vũng Tàu để tạo liên kết giao thông Vùng. Sự phát triển đồng bộ về hạ tầng kết nối liên vùng, theo lãnh đạo các tỉnh, thành không chỉ giúp cho doanh nghiệp tiết giảm chi phí về logistic khi đầu tư tại Vùng KTTĐPN mà còn tăng năng lực cạnh tranh của Vùng trong thu hút đầu tư nước ngoài.

> Vùng kinh tế trọng điểm phải là đầu tàu

> TP.HCM: Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm sắp khởi công

> Gặp gỡ chủ đầu tư các dự án bất động sản trọng điểm tại Mỹ

LÊ VĂN

Nguồn DNSG: http://www.doanhnhansaigon.vn/thoi-su-trong-nuoc/thuc-day-ket-noi-ha-tang-vung-kinh-te-trong-diem-phia-nam/1099294/