Thúc đẩy khát vọng khởi nghiệp

Phong trào khởi nghiệp ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu. Việc kết nối các chủ thể hỗ trợ khởi nghiệp trong toàn hệ sinh thái đã có những chuyển biến tích cực

Ngày 12-5, tại Trường Đại học Cần Thơ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, UBND TP Cần Thơ tổ chức ngày hội "Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên (HS-SV) lần thứ VI". Tham dự sự kiện có Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cùng nhiều HS-SV.

Tạo điều kiện hiện thực hóa ý tưởng

Ngày hội khởi nghiệp này thuộc khuôn khổ các hoạt động tiếp tục triển khai Quyết định 1665/QĐ-TTg năm 2017 của Thủ tướng về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ HS-SV khởi nghiệp đến năm 2025" (Đề án 1665).

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ngày hội "Khởi nghiệp quốc gia của HS-SV" được tổ chức từ năm 2018 đến nay, thực sự đã trở thành sân chơi trí tuệ, nơi hình thành các ý tưởng, những nghiên cứu khoa học giá trị nhằm thúc đẩy khát vọng khởi nghiệp của giới trẻ. Ngày hội còn tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ HS-SV hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp.

Trong giai đoạn 2018-2023, Đề án 1665 đạt được hầu hết các mục tiêu. Theo đó, 100% các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp có kế hoạch triển khai hỗ trợ HS-SV khởi nghiệp. 90% HS-SV được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức; được trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp. Đề án thu hút được hơn 3.000 dự án khởi nghiệp của HS-SV và hơn 4.000 ý tưởng, dự án khởi nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, một số dự án đầu tư thành công. Ngoài ra, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp đã tổ chức hơn 3.000 cuộc thi ý tưởng sáng tạo, thu hút gần 370.000 lượt thanh niên tham gia với gần 14.000 ý tưởng khởi nghiệp; hỗ trợ gần 16.000 dự án với tổng kinh phí gần 700 tỉ đồng.

Thủ tướng khẳng định số liệu trên cho thấy phong trào khởi nghiệp ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu. Việc kết nối các chủ thể hỗ trợ khởi nghiệp trong toàn hệ sinh thái đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều HS-SV đạt được thành tích cao trong học tập, nghiên cứu khoa học ở trong nước và nước ngoài; được tuyển dụng làm việc tại các tập đoàn, công ty công nghệ lớn của thế giới như Facebook, Google...

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, tin tưởng ngày hội sẽ tạo cơ hội tốt để HS-SV trưng bày, giới thiệu các dự án khởi nghiệp; đẩy mạnh quảng bá, kết nối sản phẩm đến doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Đại diện các HS-SV tham gia ngày hội, em Nguyễn Thị Hoài Ni (lớp 12A8, Trường THPT Trần Văn Giàu, TP HCM) bày tỏ: "Ngoài mục tiêu tạo sản phẩm ứng dụng cao, mang lại lợi ích cho xã hội, chúng em mong muốn sản phẩm phải sáng tạo, thân thiện với môi trường. Các đề tài của Sở GD-ĐT TP HCM mang thông điệp kêu gọi mỗi người hành động để bảo vệ môi trường sống bằng cách giảm sử dụng nhựa, túi ni-lông, góp phần để xanh, sạch, đẹp hơn".

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan các gian hàng trưng bày của học sinh - sinh viên tại ngày hội

5 giải pháp

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã đặc biệt quan tâm, ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Phong trào khởi nghiệp ngày càng lan rộng.

Thủ tướng đánh giá: "Tham quan các gian hàng tại ngày hội, các bạn HS-SV đều thuyết minh ý tưởng dựa trên nền tảng mà tôi vừa nêu, cái đó phát triển rất bền vững, là điều mà nhân dân và đất nước cần. Qua ngày hội hằng năm, có nhiều sản phẩm mới, HS-SV lập nghiệp với nhiều sản phẩm dựa vào khoa học, đổi mới sáng tạo, có tính thực tiễn".

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra vấn đề khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo nói chung và trong HS-SV nói riêng còn nhiều bất cập, còn có khoảng cách so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đó là việc liên kết giữa doanh nghiệp với các trung tâm nghiên cứu, các trường đại học còn hạn chế; chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đối với HS-SV triển khai còn chậm; hoạt động ươm tạo, khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục chưa đi vào chiều sâu; các dự án khởi nghiệp triển khai còn ở mức độ khiêm tốn, sức lan tỏa chưa cao...

Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT cùng các cấp, ngành, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả 5 giải pháp: đẩy mạnh, tăng cường, kết nối, tập trung và khuyến khích. Trong đó, cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế; tăng cường liên kết giữa các trường đại học, trường cao đẳng với các trung tâm nghiên cứu cũng như tăng cường huy động mọi nguồn lực hợp pháp; kết nối những người khởi nghiệp, trung tâm khởi nghiệp với địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học. Tập trung nâng cao tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong ngành giáo dục. Khuyến khích doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị sử dụng sản phẩm được hình thành từ các dự án khởi nghiệp, nhất là của HS-SV sản xuất, nghiên cứu…

Đẩy nhanh tiến độ dự án đường khí dẫn lô B - Ô Môn

Cùng ngày, tại UBND phường Thới Hòa, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ đã tiếp xúc cử tri nơi đây. Nhiều cử tri thắc mắc việc dự án đường ống dẫn khí lô B - Ô Môn bị đình trệ từ năm 2012 đến nay. Cử tri kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành sớm triển khai thực hiện dự án vì nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh của các hộ dân có đất nằm trong dự án.

Thủ tướng cho biết tổng mức đầu tư dự án khai thác mỏ khí lô B và Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn là 12 tỉ USD. Tất cả đã được ký hợp đồng, đúng tiến độ. Theo đó, vào năm 2026 sẽ có luồng khí đầu tiên; 3 nhà máy nhiệt điện Ô Môn II, III, IV sẽ sản xuất vào các năm 2026, 2027, 2028.

Bài và ảnh: Ca Linh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thuc-day-khat-vong-khoi-nghiep-196240512214718196.htm