Thực đơn ăn dặm cho bé lớn nhanh như thổi

Muốn trẻ sơ sinh lớn nhanh như thổi các mẹ hãy sở hữu ngay thực đơn dưới đây!

Bé 7 tháng tuổi đã trải qua giai đoạn tập ăn dặm và khá quen với các loại thức ăn nên cơ thể cũng như hệ tiêu hóa của bé đã hoàn thiện hơn rất nhiều, nhu cầu dinh dưỡng cũng tăng lên. Đây là lúc thích hợp để mẹ cho bé làm quen với các loại thức ăn mới mà bé không được ăn giai đoạn 1 như các loại thịt và cá có thịt màu đỏ.

Thành phần một bữa ăn của bé 7 tháng tuổi vẫn gồm 3 thành phần chính: tinh bột (cơm, mì…), chất xơ (rau, củ…), chất đạm (thịt, trứng, cá…) nhưng lượng thức ăn và hình thái thức ăn đã thay đổi. Bé đã có thể dùng lưỡi đưa thức ăn xuống cổ họng, vì thế mẹ có thể cho bé ăn đặc hơn tháng vừa rồi. Thức ăn của bé có thể được ninh nhừ, nghiền nát hoặc làm sánh.

Những món ăn dặm đủ chất dành cho bé yêu

Khoai tây nghiền với gan gà

Nguyên liệu: Khoai tây, gan gà, rau bina (cải bó xôi), nước luộc gà, nước tương, bột gạo.

Chế biến:

– Khoai tây rửa sạch, luộc chín, bóc vỏ, nghiền nhuyễn

– Gan gà ngâm nước khoảng 10 phút, rồi luộc trong nước sôi khoảng 1 phút.

– Rau bina rửa sạch, luộc chín, sắt nhuyễn,.

– Lấy nước luộc gà vừa đủ, cho gan gà và ít nước tương vào, đun sôi trở lại, cho thêm ít bột gạo để tạo độ sánh. Cuối cùng cho khoai tây và rau bina vào.

– Tắt bếp, thêm ít dầu ăn.

Cá ngừ trộn

Món này rất dễ làm nên mẹ có thể áp dụng vào những lúc không có thời gian chuẩn bị.

Nguyên liệu: đậu hũ non, cà chua, cá ngừ hộp

Chế biến:

– Cá ngừ: bỏ bớt nước, đánh tơi

– Đậu hũ non: luộc sơ, nghiền nhuyễn

– Cà chua: trụng nước sôi, bóc vỏ, bỏ hạt, nghiền hoặc băm nhỏ

– Trộn đều tất cả các nguyên liệu

Những dấu hiệu bé bước vào giai đoạn ăn dặm

Thông thường chúng ta biết thì bé từ 6 tháng tuổi trở lên là có thể ăn dặm tuy nhiên các mẹ cũng cần phải hiểu rằng đây chưa phải tiêu chuẩn duy nhất mà cần phải có thêm những điều kiện sau:

– Cân nặng của bé tăng gấp đôi so với khi sinh.

– Bé biết giữ đầu thẳng và có thể tự ngồi.

– Bé biết đưa môi dưới về phía trước để nhận thức ăn từ thìa.

– Bé biết ngoảnh đầu đi nơi khác khi không muốn ăn món nào đó.

– Lưỡi không còn phản xạ tự động đẩy vật lạ (cho vật gì vào mồm bé cũng đẩy ra, trừ núm vú).

– Bé thể hiện sự thích thú đối với thức ăn bạn đưa cho.

Thu Thủy / SKCĐ

Nguồn SKCĐ: http://suckhoe.com.vn/me-va-be/thuc-don-an-dam-cho-be-lon-nhanh-nhu-thoi-68223