Thực hành 'lễ' và 'hội' với nghề thủ công

Tối qua, 9.12, triển lãm “Mỗi làng một sản phẩm - Thiết kế sáng tạo và không gian ánh sáng làng nghề” đã chính thức khai mạc tại vườn hoa Lý Thái Tổ, Hà Nội.

Triển lãm do Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm, Hiệp hội Xuất khẩu Thủ công mỹ nghệ Hà Nội phối hợp thực hiện trong 3 ngày, kết thúc vào 11.12.

Sự kiện được kỳ vọng mở màn cho một chương trình có quy mô quốc tế từ năm 2017, hướng đến sự thay đổi nhận thức, hành động của người dân trong và ngoài nước đối với các sản phẩm thủ công truyền thống của Hà Nội nói riêng, của Việt Nam nói chung.

Tác phẩm sắp đặt Di sản.

Triển lãm gồm hai cụm không gian chính (khu vực khuôn viên phía trước tượng đài Lý Thái Tổ và khu vực nhà Bát Giác phía sau tượng đài) thể hiện tinh thần “lễ” và “hội” của chương trình. Phần lễ là các tác phẩm sắp đặt nhà gốm và tre – nón - gương của nữ họa sĩ Đặng Thị Khuê với tên gọi “Địa linh”, “Nhân khí”, “Di sản” - được bài trí cùng chân hương, ánh sáng.

Phần hội tiếp tục với các sản phẩm sắp đặt (đó, đất nung, đèn…) cùng khoảng hơn 30 gian hàng trưng bày giới thiệu và bán các sản phẩm thủ công tiêu biểu của làng nghề như: Mây tre đan, gốm sứ, thêu ren, chạm - điêu khắc đá… Sự kết hợp đã tạo ra một không gian mới tôn vinh các mặt hàng thủ công truyền thống của Việt Nam, mà cho đến nay chưa được nhìn nhận đúng giá trị tiềm năng.

Tác phẩm sắp đặt Nhân khí

Nghệ thuật hóa các sản phẩm truyền thống bằng cách kết hợp chúng với nhau trong các tác phẩm sắp đặt cùng ánh sáng cho thấy sự đa dạng về công năng của các mặt hàng thủ công, tôn lên vẻ đẹp của nhau trong một tổng thể hài hòa mang dấu ấn đậm nét văn hóa Việt. Nó cũng là một dẫn chứng cho thấy sự phối hợp giữa nghệ nhân, nghệ sĩ, và nhà quản lý. Người nghệ sĩ hoàn toàn có thể sáng tạo những tác phẩm gây ấn tượng với công chúng bằng việc sử dụng chất liệu truyền thống, khơi sâu mạch ngầm truyền thống, mạch ngầm thị giác và cảm xúc của công chúng.

Xem những tác phẩm sắp đặt “ Địa linh - Nhân khí” cũng là một cách để con người soi lại chính mình trước đất thiêng cội nguồn, thấy được sự “tồn tại mong manh” cần được bảo vệ, gìn giữ đối với “Di sản”; là cách con người thực hành “lễ” với quá khứ tổ tiên.

Hải An

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa/thuc-hanh-le-va-hoi-voi-nghe-thu-cong-619231.bld