Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu thế nào cho đúng?

Với những người không theo tín ngưỡng thờ Mẫu chỉ coi đây là hiện tượng tâm linh còn chứa nhiều “bí ẩn” cho nên nhiều người coi đây là trò “mê tín, dị đoan”, ngay cả khi được UNESCO vinh danh?

Tuy nhiên, đó chỉ là cảm giác của những người chưa hiểu về hầu đồng. Bởi trong nghi thức hầu đồng, thờ Mẫu Tam phủ không chỉ có nghi thức nhảy đồng mà trong đó còn cả một thế giớ tâm linh, nghệ thuật mang đậm bản sắc của văn hóa nội sinh dân tộc Việt Nam. Cũng chính vì thế tín ngưỡng thờ Mẫu và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, cần được bảo tồn và phát huy giá trị rộng rãi kể từ ngày 1/12/2016.

Tín ngưỡng thờ Mẫu và việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam vốn rất thuần túy và đẹp đẽ, là một cuộc hội nhập của nhiều thành tố văn hóa: Từ thi ca (hát văn, hát nói, thâu nhận tất cả dân ca của các miền); ngưng kết đầy đủ các loại múa cổ của dân gian cho đến những yếu tố của hội họa.

Hầu đồng là tín ngưỡng có nhiều sức sống nội sinh nhưng cũng rất dễ bị lợi dụng.

Thế nhưng việc hiểu thế nào cho đúng và tránh bị lợi dụng biến tướng đang là nhiều nỗi lo không của riêng ai với tín ngưỡng hầu đồng. Cũng chính vì còn có nhiều hiểu biết chưa đúng về hầu đồng nên từ khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và hoạt động hầu đồng nói chung đang có nhiều thách thức nghiêm trọng. Nhất là trong thời điểm vì lợi ích kinh tế, rất nhiều biến tướng đã xảy ra, các hoạt động kiểu “đồng đua, đồng đú” không chỉ làm biến tướng hình ảnh của một hoạt động văn hóa tâm linh mà mà còn gây bức xúc trong xã hội.

Nhưng để hiểu được điều này không phải ai cũng rõ, kể cả những người đi theo tín ngưỡng dân gian này. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, Phó viện trưởng, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, người tham gia dịch hồ sơ Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt từ tiếng Việt sang tiếng Anh để trình UNESCO đã giải thích về lý do tỉnh Nam Định được chọn là địa phương được giao nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ VH-TT&DL thực hiện hồ sơ, bởi Phủ Dầy được coi là trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt với vị thần chủ là Thánh Mẫu Liễu Hạnh với những nơi lưu dấu vết giáng thế như Phủ Dầy, Phủ Nấp.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Hiền: “Thực hành của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ không chỉ có lên đồng mà còn bao gồm nhiều hình thức như: lễ hội, lên đồng, hát văn, cầu cúng, đi lễ… với những yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, múa được kết hợp một cách nghệ thuật như là “bảo tàng sống” lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt. Thông qua các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội, người Việt thể hiện quan niệm của mình về lịch sử, di sản văn hóa, vai trò của giới và bản sắc tộc người. Sức mạnh và ý nghĩa của Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người, cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe”.

Tuy nhiên, cũng vì trong niềm tin và sinh lời mà nhiều phần tử xấu đã lợi dụng đức tin của nhân dân vào niềm tin đức Thánh Mẫu. Bởi tín ngưỡng là đức tin, luôn ẩn chứa yêu tố huyền bí và ranh giới giữa đức tin và mê tín rất mong manh.

Hiểu đúng về hầu đồng sẽ nhận rõ giá trị văn hóa thuật sự của hoạt động tín ngưỡng nội sinh.

Lo ngại hiện tượng hầu đồng bị biến tướng, ông Phạm Sanh Châu, vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO (Bộ Ngoại giao), cho biết: “UNESCO đã khuyến cáo hiện đang có tình trạng thương mại hóa quá mức di sản để biến thành hình thức kinh doanh, kiếm tiền. Bản thân tôi lo ngại sau vinh danh nhiều người nhảy ra mở phủ, lên đồng. Không thể coi việc UNESCO công nhận di sản như bảo hiểm được. Gánh nặng rất lớn đặt lên vai Bộ VHTTDL, các nhà quản lý địa phương. Các nhà quản lý cần thảo luận nhiều hơn để nhận rõ giá trị văn hóa thật sự, để sự vinh danh này không phản tác dụng, làm xấu xí hình ảnh đất nước”, ông Châu trăn trở.

Còn theo TS. Vũ Hồng Thuận (Bảo tàng dân tộc học Việt Nam) cho biết: “Có không ít thanh đồng hiện nay thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu quá tốn kém. Trong khi hầu bóng trong tín ngưỡng thờ Mẫu là một hoạt động tâm linh, ở đó người ta thả mình trong thế giới ảo với sự thành tâm. Và đã gọi là thành tâm thì không yêu cầu phải mâm cao cỗ đầy, có lễ vật nhưng không nhất thiết phải lễ vật quá to như nhiều người vẫn nghĩ”.

Ông Phạm Xuân Tài, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho rằng: “TP. Hà Nội thời gian qua tương đối thắt chặt tín ngưỡng, một phần do nhiều người chưa thực sự am hiểu tín ngưỡng, rồi việc lợi dụng, thương mại hóa tín ngưỡng cũng không hiếm. Liên quan đến tín ngưỡng thờ mẫu chưa có quy định pháp quy, với tư cách nhà quản lý chúng tôi mong có quy định rõ ràng hơn”, ông Tài nói. Vì thế các nhà tổ chức mong nghe thêm các ý kiến đóng góp để bảo tồn và phát huy giá trị.

Trần Phương

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/thuc-hanh-tin-nguong-tho-mau-the-nao-cho-dung-a310606.html