Thực hiện lời hứa với cử tri

Các cơ quan được chất vấn cần triển khai tích cực nghị quyết chất vấn của HĐND TP HCM

Ngày 9-12, kỳ họp thứ 3 HĐND TP HCM khóa IX bế mạc sau 4 ngày làm việc.

Nhiều nghị quyết được thông qua

Tại kỳ họp, các đại biểu đã thông qua 19 nghị quyết. Đáng chú ý là nghị quyết về dự toán và phân bổ ngân sách TP năm 2017. Theo đó, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 347.882 tỉ đồng; tổng chi ngân sách địa phương là 70.646,900 tỉ đồng; tổng thu ngân sách nhà nước phân bổ cho 24 quận - huyện là 61.596 tỉ đồng.

HĐND TP cũng thông qua nghị quyết về kế hoạch đầu tư công năm 2017 của TP. Theo đó, nguồn ngân sách trung ương là 7.264,202 tỉ đồng, ngân sách TP là 25.146 tỉ đồng. Thông qua thứ tự ưu tiên để phân bổ vốn đầu tư như sau: Vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA; vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP); chương trình đầu tư công do các sở, ngành thực hiện phân khai chi tiết danh mục; vốn phân cấp cho UBND các quận, huyện quản lý; dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng, dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2017; dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt; dự án khởi công mới thật sự cấp bách và có đầy đủ thủ tục đầu tư đến ngày 31-10-2016 theo quy định của Luật Đầu tư công; dự án đã quyết định chủ trương đầu tư, căn cứ thời gian thực hiện đã được phê duyệt, bố trí vốn chuẩn bị đầu tư để lập báo cáo nghiên cứu khả thi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Các đại biểu biểu quyết thông qua một tờ trình Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đối với chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công, HĐND TP cũng thông qua một dự án nhóm A sử dụng vốn quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, dự án nạo vét trục thoát nước rạch Bà Lớn với tổng mức đầu tư là 1.850 tỉ đồng; danh mục 55 dự án đầu tư công nhóm B với tổng mức đầu tư hơn 20.074 tỉ đồng, trong đó ngân sách TP hơn 16.804 tỉ đồng, nguồn vốn khác hơn 3.270 tỉ đồng. Đối với nghị quyết về phê chuẩn tổng số lượng người làm việc trong cơ quan đơn vị sự nghiệp công lập và tổng biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính năm 2017 của TP là 125.332 người, bao gồm khối sở - ngành: 47.817 người; khối quận - huyện: 74.093 người và dự phòng 3.422 người.

Mạnh dạn phân cấp

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết sau 4 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm, HĐND TP đã hoàn thành tốt đẹp nội dung, chương trình đề ra. HĐND TP đã thảo luận và thống nhất đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, hoạt động đối ngoại năm 2016 đạt nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện, đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu nhiệm vụ nghị quyết HĐND TP. Kinh tế tiếp tục phục hồi, tăng trưởng khá, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, an sinh xã hội được bảo đảm. Bộ máy hành chính nhà nước tiếp tục được củng cố, kiện toàn, năng lực thực hiện nhiệm vụ được nâng lên, trách nhiệm người đứng đầu ngày càng thể hiện rõ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, HĐND TP nhận thấy còn một số mặt hạn chế, yếu kém: tăng trưởng kinh tế chưa thật bền vững, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh chưa cao, môi trường kinh doanh chưa thông thoáng, còn nhiều mặt chưa thuận lợi để thu hút đầu tư, khởi nghiệp; một vài chỉ tiêu không đạt hoặc đạt thấp hơn so với cùng kỳ; nhiều vấn đề bức xúc xã hội chậm giải quyết... Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị UBND TP tiếp thu ý kiến đại biểu, có các giải pháp mạnh mẽ, đột phá để triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND, nhanh chóng đưa nghị quyết vào cuộc sống. Khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ các đề án thí điểm cơ chế đột phá cho TP; mạnh dạn, kiên quyết tiến hành phân cấp cho chính quyền quận, huyện một cách hợp lý các nhiệm vụ, quyền hạn trong thẩm quyền của sở, ngành và UBND TP.

“HĐND TP đề nghị các cơ quan được chất vấn cần triển khai tích cực nghị quyết chất vấn của HĐND. HĐND TP, các ban, các tổ đại biểu, đại biểu phối hợp tốt với HĐND các cấp giám sát việc thực hiện lời hứa của các đơn vị được chất vấn, giám sát thực hiện các nghị quyết của HĐND TP” - bà Tâm lưu ý.

Tạo việc làm cho 125.000 lao động

Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2017 của TP đề ra 19 chỉ tiêu, gồm: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TP (GRDP) tăng 8,4-8,7%; tỉ trọng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào GRDP từ 36% trở lên; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 35% GRDP; thành lập mới 50.000 doanh nghiệp; tạo việc làm cho 125.000 lao động; tỉ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt 100%; tỉ lệ nước thải công nghiệp đạt 90%...

Đồng Nai: Nóng chuyện chống ngập, “cát tặc”

Ngày 9-12, ngày làm việc thứ 3, kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh Đồng Nai khóa IX, phiên chất vấn, trả lời chất vấn tập trung vào các vấn đề môi trường, chống ngập tại TP Biên Hòa.

Đại biểu Đồng Thị Nguyên đề nghị tỉnh Đồng Nai trả lời về vấn đề xử lý tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra liên tục từ lâu nay trên sông Đồng Nai, việc khai thác cát lậu không được xử lý triệt để đã gây bức xúc cho người dân, ảnh hưởng đến môi trường. “Phải đưa ra giải pháp cụ thể, xử lý dứt điểm” - bà Nguyên nhấn mạnh.

Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết nạn khai thác cát hiện nay vẫn rất phức tạp, toàn tỉnh có 60 bến bãi kinh doanh cát, vật liệu xây dựng. Bước đầu, công an xác định 35 điểm trong số đó tiêu thụ cát từ nguồn khai thác trái phép. Để chấn chỉnh, Đồng Nai đã thành lập các đội phản ứng nhanh, phối hợp với các tỉnh Lâm Đồng, Bình Dương và TP HCM tăng cường kiểm soát, xử lý. Qua đó, xác định được 42 nhóm liên quan đến khai thác cát lậu, xử lý 156 vụ vi phạm. “Công an tỉnh Đồng Nai đang lên kế hoạch triệt phá các băng nhóm bảo kê và làm rõ, xử lý những cán bộ có hành vi bảo kê, bao che khai thác cát trái phép” - ông Mạnh thông tin.

Trong khi đó, một đại biểu khác nêu tình trạng ngập nặng ở TP Biên Hòa vào mùa mưa, ảnh hưởng cuộc sống người dân, các biện pháp chống ngập hiệu quả không cao khiến người dân bức xúc. Theo ông Tạ Huy Hoàng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, TP Biên Hòa tồn tại 25 điểm “nóng” về ngập. Trong khi dự án vay vốn ODA của Nhật Bản để đầu tư xây dựng các công trình thoát nước, xử lý nước thải đến năm 2026 mới hoàn tất thủ tục. Hiện Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai đang phối hợp Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai cấp tốc các phương án chống ngập tạm thời, cải tạo các dòng suối, ngăn chặn lấn chiếm cản trở dòng chảy, tuyên truyền không xả rác bừa bãi.

X.Hoàng

Trường Hoàng

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/thuc-hien-loi-hua-voi-cu-tri-20161209225112565.htm