Thực hiện tiêm chủng an toàn cho trẻ

Tiêm chủng cho trẻ bằng vắc-xin (còn gọi là thuốc chủng ngừa) là một trong những biện pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả và thiết thực nhất trước những tác nhân gây bệnh nguy hiểm đối với sức khỏe của trẻ.

Những phản ứng phụ có thể xảy ra sau tiêm chủng

Bất kỳ loại thuốc chủng ngừa nào sau khi tiêm cho trẻ cũng có thể xảy ra những phản ứng phụ không mong muốn, những phản ứng này chính là những biểu hiện của cơ thể trẻ đang đáp ứng với thuốc chủng ngừa. Những phản ứng phụ có thể xảy ra bao gồm:

Sốt: sau khi tiêm trẻ có thể bị sốt nhẹ, và có thể hoàn toàn tự khỏi sau 1 - 2 ngày. Một số trẻ có thể bị sốt cao từ 39oC trở lên khi đó phụ huynh cần hạ sốt tích cực cho trẻ bằng thuốc hạ sốt và lau mát bằng nước ấm. Phụ huynh không nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt dự phòng ngay sau khi trẻ vừa được tiêm ngừa.

Cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình an toàn trong tiêm chủng của Bộ Y tế

Chỗ tiêm bị sưng đỏ, đau… vấn đề này có thể tồn tại 1 ngày đến vài ngày nhưng đây hoàn toàn là phản ứng bình thường và sẽ tự khỏi, không đáng ngại.

Dị ứng: có thể là ban mề đay, ngứa toàn thân… phản ứng này thường xảy ra ở trẻ có tiền căn, tiền sử bị dị ứng, các biểu hiện dị ứng này thường tự khỏi sau một vài ngày, nhưng nếu trẻ thấy khó chịu nhiều thì phụ huynh nên hỏi ý kiến của bác sĩ.

Một số phản ứng khác: hiếm gặp hơn như tai biến thần kinh, viêm hạch, viêm não... và nghiêm trọng nhất là tình trạng sốc phản vệ do thuốc chủng ngừa, chiếm một tỉ lệ rất thấp khoảng 1/1 triệu liều vắc-xin.

Quy trình an toàn

Quy trình này theo những nguyên tắc sau đây:

Trước khi cho trẻ đi tiêm chủng phụ huynh cần chú ý:

- Mang theo phiếu tiêm chủng (hoặc sổ sức khỏe) đầy đủ.

- Thông báo cho bác sĩ về tình trạng sức khỏe hiện tại của trẻ nếu trẻ đang bệnh cấp tính, trẻ bị sốt hoặc đang sử dụng thuốc điều trị bệnh.

- Thông báo rõ cho bác sĩ về tiền sử dị ứng với thuốc chủng hoặc trẻ có biểu hiện phản ứng mạnh đối với những lần tiêm chủng trước đây.

- Đối chiếu với các quy định về tiêm chủng để đảm bảo trẻ được tiêm chủng đúng theo qui định của Bộ Y tế như: trẻ cần được khám kiểm tra sức khỏe thật kỹ trước khi quyết định cho trẻ tiêm chủng; trẻ cần được tiêm đủ mũi, đúng loại vắc-xin theo lịch tiêm chủng phù hợp theo lứa tuổi của từng trẻ.

Trong thời gian trẻ được tiêm:

- Những thông tin liên quan đến vắc-xin tiêm cho trẻ như: kiểm tra vắc-xin sử dụng cho trẻ có đúng theo chỉ định của bác sĩ không, sử dụng lọ vắc xin phải còn nguyên nhãn, còn hạn sử dụng, được bảo quản lạnh hay được giữ an toàn trong phích vắc-xin.

- Theo dõi việc tiêm chủng như: tiêm đúng vị trí, trong buổi tiêm chủng các vắc xin khác nhau phải được tiêm ở những vị trí khác nhau; Sử dụng 1 bơm kim tiêm còn nguyên trong bao, còn hạn sử dụng cho mỗi mũi tiêm.

Chăm sóc và theo dõi kỹ sau tiêm chủng nhằm phát hiện sớm những phản ứng nghiêm trọng

- Sau tiêm chủng trẻ cần được theo dõi ít nhất là 30 phút tại điểm tiêm chủng và ít nhất một ngày (24 giờ) sau khi trẻ tiêm chủng được cho về nhà.

- Sau tiêm chủng trẻ có thể có phản ứng thông thường như sốt, đau hoặc sưng tấy tại chỗ tiêm, quấy khóc...Các bà mẹ cần cho trẻ bú nhiều hơn hoặc uống nhiều nước, chườm mát và theo dõi trẻ thật kỹ lưỡng. Có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt nhưng phải có chỉ định và hướng dẫn của cán bộ y tế. Sau tiêm chủng trẻ có thể quấy khóc nhiều hơn, các bà mẹ nên chú ý đến trẻ hơn nhất là khi cho trẻ bú khi và ẵm trẻ. Đưa trẻ tới cơ sở y tế nếu thấy các phản ứng nêu trên đã kéo dài trên 1 ngày.

- Cần đưa ngay trẻ tới cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất khi thấy trẻ có một trong các dấu hiệu bất thường như sau: sốt cao 39oC liên tục, quấy khóc kéo dài trên 3 giờ mẹ dỗ dành nhưng không nín, trẻ bú kém, trẻ bị tím tái, bị co giật hoặc khó thở.

ThS.BS. ĐINH THẠC

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20130805095735481p0c44/thuc-hien-tiem-chung-an-toan-cho-tre.htm