Thực hư chuyện 3 cây sứ ở Đại nội Huế

Chiều 7/9, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khẳng định, không có chuyện mang cây sứ ở Đại Nội Huế làm quà tặng như dư luận đồn đoán. Hiện 2 cây sứ vẫn đang trồng ở điện Kiến Trung (Đại

Nội Huế) và một cây được đưa về chăm sóc ở vườn ươm Văn Thánh.

Cây sứ vẫn được trồng ở điện Kiến Trung (Đại Nội Huế).

Những ngày qua, dư luận ở Huế rộ lên thông tin Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức đào bới một cây sứ cổ thụ vận chuyển khỏi khu vực Đại Nội vào đêm tối, “nghi” mang đi tặng cho lãnh đạo một Sở ở TT - Huế. Tiếp xúc để cung cấp thông tin cho báo chí, ông Phan Thanh Hải cho biết: cuối năm 2014 tôi đã có văn bản “chấn chỉnh việc đi lại, đậu đỗ các loại phương tiện trong khu vực Đại Nội Huế, Tam Tòa”. Văn bản nêu rõ, thời gian cho các loại phương tiên ra vào Đại Nội buổi sáng từ 7h-7h30, trưa 11h-12h30 và chiều 17h-18h, tránh làm ảnh hưởng du khách đến tham quan. Như vậy, việc di chuyển 1 trong 3 cây sứ cổ thụ ở điện Kiến Trung (Đại Nội Huế) ra khỏi khu vực Đại Nội lúc 17h30 ngày 21/01/2016 để đưa về vườn ươm Văn Thánh (phương Hương Hồ, thị xã Hương Trà) không có gì mờ ám cả. Khi ra ở cửa Hòa Bình của Đại Nội, chốt bảo vệ đã ghi rõ vào sổ nhật trình: “Phòng Cảnh quan - Môi trường (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) chở một cây sứ đại bứng ở điện Kiến Trung lên ươm trồng ở vườn ươm Văn Thánh”.

Sổ nhật trình bảo vệ ghi xe vận chuyển cây sứ ra khỏi cửa Hòa Bình.

“Ba cây sứ ở khu vực nền móng điện Kiến Trung không phải do triều Nguyễn trồng, chúng xuất hiện ở khu vực điện Kiến Trung sau năm 1947, đến nay khoảng 70 năm. Những cây sứ này không phải cây cổ quý hiếm hay cây di sản gì cả. Cả 3 cây sứ ở điện Kiến Trung đều nằm trong kế hoạch di dời, hiện Trung tâm mới di dời 1 cây, 2 cây còn lại vẫn giữ nguyên hiện trạng”, ông Hải khẳng định.

Khu vực cây sứ ở Điện Kiến Trung đã bị bứng đi.

Ông Hải cho biết, hệ thống cây xanh ở Đại Nội Huế chỉ có 20% cây xanh nguyên gốc của triều đình xưa, còn 80% cây mọc tự nhiên, cây mọc hoang trên nền công trình và cây được tôn tạo bổ sung sau này. Những cây mọc trên trên nền công trình, đơn vị đều lập khảo sát để có kế hoạch chỉnh trang, sắp xếp lại và di chuyển. “Hệ thống cây xanh trong khu vực Đại Nội Huế chúng tôi rất quan tâm, được quản lý rất chặt chẽ. Việc di dời, cắt tỉa cành cây đều phải dựa trên các kế hoạch được lập ra một cách khoa học, chứ không phải ưa gì làm đó. Cây sứ được di chuyển về vườn ươm, sau khi sắp xếp ở chỗ nào bị khuyết sẽ trồng bổ sung”.

Cây sứ được đưa về chăm sốc tại vườn ươm Văn Thánh.

Giai đoạn 2002-2005, đơn vị đã phối hợp với Đại học Nông lâm Huế hoàn thành số hóa các loại cây trong di tích, hiện trạng cây xanh, các cây được đánh số, quản lý chặt chẽ. Theo bản đồ cây xanh của Trung tâm, ở khu vực điện Kiến Trung có 3 cây sứ có đánh số, đã bứng đi 1 cây do nằm sát bờ thành, còn 2 cây ít ảnh hưởng nên chưa di chuyển.

Không chỉ kế hoạch di dời 3 cây sứ ở điện Kiến Trung, bộ phận chức năng của đơn vị đã lên kế hoạch để di dời, thay thế các cây trong di tích. Những cây mọc hoang, mọc tự nhiên nhưng có giá trị, phù hợp cảnh quan di tích, chúng sẽ được nuôi dưỡng tại vườn ươm, nhằm tạo nguồn dự phòng thay thế, bổ sung cho những điểm di tích bị khuyết, cây bị lão hóa chết đột ngột. Những cây cổ do triều đình Huế trồng, nhưng vì lý do bất khả kháng phải tạm di dời để chỉnh trang di tích, số cây này sau một thời gian “đi gửi” sẽ được đưa về đúng vị trí cũ.

“Cây sứ đã di dời cách đây 8 tháng nhưng không hiểu sao gần đây mới rộ lên thông tin cây sứ này được biếu cho một lãnh đạo cấp Sở. Không hiểu việc tung tin này nhằm ý đồ gì”, ông Hải lo lắng.

Chiều 7/9, phóng viên đã tiếp cận điện Kiến Trung (Đại Nội Huế) nhìn thấy 2 cây sứ vẫn còn nguyên hiện trạng, chỉ có 1 cây nằm sát bờ thành phía bên phải di tích đã bị dời di. Tiếp cận vườn ươm Văn Thánh của Trung tâm (phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà), ghi nhận 1 cây sứ đang được chăm sóc, ươm dưỡng, những cành bị cưa cụt khi di chuyển bắt đầu ra lá xanh.

Một cây sứ khác bị đồn đã bị di dời hiện vẫn đang ở điện Kiến Trung.

Cây sứ nằm yên ở vườn ươm Văn Thánh, quanh gốc cỏ dại mọc cao. Qua đối chiếu với bức ảnh gốc chụp lưu trước khi di dời, rõ ràng cây sứ ở điện Kiến Trung và cây này là một.

Ảnh chụp đối chiếu cho thấy cây sứ ở điện Kiến Trung và vườn ươm Văn Thánh là một.

Trí Đức

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/thuc-hu-chuyen-3-cay-su-o-dai-noi-hue.html